• Zalo

Thày giáo Khang trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười' kể về đám cưới khi còn là sinh viên bên Nga

Sao ViệtThứ Sáu, 27/05/2016 07:25:00 +07:00Google News

"Thày giáo Khang" trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10" kể, ông và vợ tiết kiệm tiền, thuê phòng tổ chức tiệc cưới và mời bạn bè tới tham dự.

(VTC News) - "Đám cưới của chúng tôi là một buổi tiệc nhỏ với những người bạn, cũng có thủ tục đón dâu như truyền thống" - "Thày giáo Khang" trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" lần đầu chia sẻ về cuộc sống gia đình.

- Trước khi được vinh danh “Nam diễn viên chính xuất sắc” ở giải Liên hoan phim phim quốc gia lần thứ 7 với vai thày giáo Khang, ông được nhiều người biết đến với vai giáo Thứ trong “Làng Vũ đại ngày ấy”. Ông có thể chia sẻ một chút về vai diễn này?

Nhân vật Giáo Thứ trong “Làng Vũ đại ngày ấy”, ai cũng hiểu đó chính là Nam Cao. Ông là người có vị trí đặc biệt trong nền văn học – nghệ thuật Việt Nam, được rất nhiều đồng nghiệp, độc giả trân quý.

Trong khi đó, khi phim bấm máy, tôi mới 26 tuổi, mới rời trường Điện ảnh được mấy năm, có đóng một vài phim nhưng chưa thực sự đáng chú ý. Nhiều người muốn chọn một diễn viên già dặn hơn cho vai giáo Thứ.

Có một vài người được nhắm tới nhưng vóc dáng họ có vẻ không phù hợp. Tôi thì may quá, cao 1m75 nhưng nặng chưa tới 49 kg và thường bị mọi người gọi là “que củi di động”. Chắc vóc dáng của tôi hợp với nhân vật nên được đạo diễn Phạm Văn Khoa chọn.

Thời đó, phim ảnh chủ yếu tập trung khắc họa về giới công nông binh, giới trí thức chưa xuất hiện nhiều trên màn ảnh. Tôi phải nghiền ngẫm rất nhiều tác phẩm của nhà văn Nam Cao để tìm ra cách diễn phù hợp. 

Một điều may mắn là trong quá trình quay phim, tôi được tiếp xúc nhiều với nhà văn Kim Lân – người thể hiện vai Lão Hạc.

Ông từng tâm sự với tôi: “Nếu nói về tình bạn, tớ thân với Nguyên Hồng nhưng thích giọng văn của Nam Cao. Dù là cùng trang lứa, nhưng tớ luôn coi Nam Cao là bậc thày. Văn phong của tớ cũng ảnh hưởng nhiều từ các sáng tác của Nam Cao”.

Nhà văn Kim Lân còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về tác giả “Sống mòn”. Cứ thế, nhân vật giáo Thứ ngấm dần vào trong tôi.

- Ông có thể chia sẻ những khó khăn khi vào vai giáo Thứ trong "Làng Vũ đại ngày ấy"?

Tôi bị áp lực làm cách nào để thể hiện được hình ảnh nhà văn Nam Cao trên màn ảnh. Diễn viên thường thích những vai có đất diễn, có hành động. Vai Chí Phèo, Thị Nở từ vẻ bề ngoài tới hành động rất phong phú.

Trong khi vai giáo Thứ gần như triệt tiêu hành động, không được khua tay khua chân, đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai, nói năng thận trọng, nghiêm nghị, điền đạm. Làm diễn viên, có lẽ sợ nhất là những vai diễn kiểu như thế này.

Tôi còn nhớ, trong cảnh quay giáo Thứ về làng, các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, có đánh xe tới thăm. Khi tôi diễn xong, các cụ chỉ gật gật đầu và nói “được”. Chỉ thế thôi là tôi sướng lắm rồi.

 NSƯT Hữu Mười

-Từ vị trí diễn viên, ông chuyển sang nghề đạo diễn và gây tiếng vang với phim “Mùi cỏ cháy”. Ông có thể chia sẻ về quá trình thực hiện phim này?

Tôi không chọn phim, mà phim chọn tôi. Nhà nước cấp kinh phí cho Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện phim “Mùa cỏ cháy” từ năm 2008, nhưng hơn một năm sau đó, không đạo diễn nào nhận.

Theo tôi được biết, đã có hơn chục đạo diễn được ban giám đốc mời lên đọc kịch bản, nhưng ai cũng từ chối. Còn tôi vì chưa có kinh nghiệm làm phim chiến tranh nên không được gọi.

Theo quy định của nhà nước, tới cuối năm 2010, “Mùi cỏ cháy” không được bấm máy, số kinh phí đã cấp cho hãng phim bị thu lại. Gần tới hạn chót, giám đốc Vương Đức mới chuyển cho tôi kịch bản phim.

Tôi đọc và nhận thấy, mình có thể làm được, nhưng phải có một chút thay đổi. Ông Vương Đức đồng ý, thế là tôi bắt tay vào làm phim.

- Ông nghĩ vì sao hơn chục đạo diễn trong Hãng phim truyện Việt Nam lại từ chối kịch bản phim “Mùa cỏ cháy”?

Nhiều người ngại làm phim chiến tranh vì thực hiện cảnh bom đạn rất nguy hiểm, hơn nữa kinh phí làm phim lại eo hẹp. Tôi còn nhớ, lúc đó một đạo diễn danh tiếng từng tuyên bố trên truyền thông: “Với kinh phí đã cấp, ai thực hiện được ‘Mùi có cháy’, tôi tôn làm thánh”. 

- Vậy mà ông lại nhận lời, ông có nghĩ mình can đảm?

Không, chẳng có gì can đảm. Tôi đọc kịch bản và nhận thấy có thể triển khai câu chuyện theo mạch phim của mình. Tôi cũng không quan tâm những ai đã từ chối phim này.

Trong quá trình thực hiện phim, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Quốc phòng, Tổng Cục chính trị, Bộ tư lệnh Công binh, Pháo binh, Tăng – Thiết giáp…Tuy nhiên, vẫn có một số cảnh quay tôi chưa thực sự vừa ý. Tôi muốn những cảnh đánh nhau trên thành cổ Quảng Trị phải ác liệt, cam go hơn nữa nhưng điều kiện không cho phép.

Một điều đáng tiếc là trong phim phải có sự xuất hiện của chiếc xe tăng M48 đúng như thực tế đã diễn ra. Nhưng muốn mượn được chiếc xe tăng ấy, cả đoàn làm phim phải di chuyển vào Đồng Nai. Việc điều một chiếc M48 ra Bắc là điều không thể. Rất may, chúng tôi mượn được hai xe thiết giáp M113 của quân đội để đưa vào cảnh quay.

- Ông cảm thấy thế nào khi “Mùi cỏ cháy” đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17?

Liên hoan phim là điều tôi và ê-kíp làm phim không nghĩ tới. Nếu xét về tiến độ, bộ phim không kịp gửi đi tranh giải.

Khi chúng tôi mới sang Thái Lan làm công tác hậu kỳ được 2 ngày, giám đốc Hãng phim truyện Vương Đức yêu cầu gửi ngay một bản về nước. “Mùi cỏ cháy” là trường hợp đặc biệt trong LHP lần đó, vì được gửi đi tranh giải khi đang ở giai đoạn làm hậu kỳ.

Phim chỉ đoạt giải Bông sen bạc, giá được Bông Sen Vàng vẫn tốt hơn. 

 NSƯT Hữu Mười hiện chuyển sang làm công việc đạo diễn và dạy tại trường Đai học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

- Ông luôn sẵn sàng chia sẻ về nghề nghiệp, nhưng lý do gì khiến ông rất ít khi nói về cuộc sống riêng?

Vì nếu chia sẻ nhiều thì đâu còn là “cuộc sống riêng” nữa. Hơn nữa, cuộc sống của tôi cũng không có gì đặc biệt khác người. Tôi có một vợ, hai con, đúng chính sách của nhà nước (cười).

Con trai lớn của tôi chuẩn bị tốt nghiệp Đại học, con gái nhỏ mới học lớp 10. Tôi vừa mới đi họp phụ huynh cho cháu xong. Tôi sống như tất cả những người bình thường khác.

Tôi quen vợ khi còn ở Việt Nam. Cả hai yêu và cưới nhau khi đang còn là sinh viên bên Nga. Tôi học đạo diễn Điện ảnh, cô ấy học Luật. Đám cưới của chúng tôi là một buổi tiệc nhỏ với những người bạn, cũng có thủ tục đón dâu như truyền thống.

Chúng tôi nên duyên vợ chồng rồi gọi điện báo về nhà. Gia đình hai bên tự tổ chức gặp nhau. Lúc đó, bên nội vẫn chưa biết mặt con dâu, còn bố mẹ vợ thì cũng chỉ nhớ loáng thoáng vì có gặp tôi một lần, khi tôi được về nghỉ phép và mang quà  của cô ấy gửi bố mẹ.

Vợ tôi không mấy tò mò về công việc của chồng. Cứ có phim là tôi đi làm thôi. Được cái, tính tôi không bay bổng, nên vợ rất an tâm.

Xin cảm ơn ông!


Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn