Trong gian bếp nhỏ tại điểm trường bản Troi, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà (SN 1959) ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nhớ lại những năm đầu vào nghề vô cùng vất vả nơi vùng biên ải.
Năm 1979, tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm 10+2 Quảng Bình (nay là Khoa Sư phạm Trường ĐH Quảng Bình), thầy giáo Hà là những người tiên phong lên giảng dạy ở các xã vùng cao của huyện Bố Trạch, nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong và Arem.
“Khi biết tôi quyết định lên công tác trên này, gia đình ai cũng phản đối kịch liệt. Biết trước là cực khổ, nhưng khi đi mới biết xa xôi hẻo lánh thế nào. Chúng tôi phải đi bộ mòn cả dép, mấy ngày băng rừng mới lên được đến nơi.
Tôi được phân công đến công tác tại Trường PTCS Tân Thượng Trạch. Tại đây, tôi được giao nhiệm vụ xây dựng và cắm điểm trường tại bản Ban, xã Thượng Trạch, một bản làng hẻo lánh của đồng bào dân tộc Ma Coong” - thầy Hà kể.
Để lên được đến bản, các thầy giáo khi ấy cùng nhau đi bộ băng rừng mấy ngày liền, lên đến nơi phải xin nhà dân để vừa làm lớp học vừa làm nơi ở. Điện, nước sạch, trường, trạm là mơ ước xa vời của bà con và các thầy giáo cắm bản. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, thầy giáo còn đến từng nhà, thậm chí vào tận trong rừng để tìm và vận động học sinh đến lớp.
Những ngày đầu, thầy nói tiếng Kinh, trò nói tiếng dân tộc, không ai hiểu ai. Những lúc như vậy, anh Hà vừa là thầy giáo, vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ. Phải mất gần một năm học tiếng nói của nhau, giữa thầy và trò mới dần hiểu được nhau, thầy lại vận dụng tiếng đồng bào để dạy tiếng Việt cho các trò được dễ dàng hơn…
Vì đường sá đi lại quá khó khăn nên lương thực mang từ nhà đi chỉ dùng được ít ngày, sau đó các thầy ăn rau ăn măng cùng dân bản.
“Khổ nhất là những khi đau ốm, nhẹ thì còn có thuốc dự phòng, nặng hơn thì chỉ còn nước đi bộ hoặc đồng nghiệp khiêng ra khỏi bản rồi lấy xe máy chở về xuôi. Nhiều khi đuối quá, tôi chỉ muốn bỏ hết để về nhà. Nhưng rồi chúng tôi cũng động viên nhau, vượt qua khó khăn để ở lại với bà con dân bản” - thầy Hà nói.
Công tác tại đây được một thời gian, thầy giáo Hà được luân chuyển về dạy tại Trường Tiểu học xã Lâm Trạch và Trường tiểu học xã Xuân Trạch, cũng là hai xã miền núi của huyện Bố Trạch.
Sau khi chia tách địa giới hành chính, Trường THCS Tân Thượng Trạch được chia về hai xã là Tân Trạch và Thượng Trạch. Ngôi trường cũ thầy Hà từng công tác cũng được chia tách.
Video: Cảm động thầy giáo kéo phao, giúp học sinh vùng lũ vượt suối tựu trường
Hình như chưa hết duyên với miền núi rẻo cao, chuyển về miền núi một thời gian thầy lại lên với đồng bào. “Chứng kiến học sinh thành công trong cuộc sống là điều vui nhất của những người thầy cắm bản như mình. Nhiều học sinh của mình giờ đang giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, tiêu biểu là anh Đinh Hợp, giờ là Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch” - thầy giáo Hà tự hào.
Chỉ còn hai năm nữa sẽ về hưu, nhưng năm nay thầy Hà vẫn đang cắm tại bản Troi. Những ngày đi vận động học trò đến lớp, đi xin quần áo sách vở cho học trò, những năm tháng cùng đói cùng no với dân bản sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp “cõng” chữ lên non của thầy Hà.
Đối với bà con nơi đây, thầy Hà và nhiều thầy giáo cắm bản sẽ mãi là một phần của bản làng, một phần của núi rừng.
Bình luận