• Zalo

Thầy giáo dạy Văn 21 năm hy sinh hạnh phúc riêng vì học trò vùng biên

Giáo dụcThứ Sáu, 22/11/2019 06:40:00 +07:00Google News

Mỗi lần đi đâu, thầy Hà lo lắng lũ trò nhỏ không có thầy thì sẽ ra sao, ăn uống như thế nào, nhỡ chúng ăn phải cái gì ngoài đường rồi đau bụng.

Gắn bó với PTDT Bán trú - THCS Na Mèo (bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) từ những ngày trường còn sơ khai, đến nay, thầy Đỗ Thanh Hà (SN 1975) có 21 năm sát cánh cùng học trò huyện nghèo vùng biên, nuôi dưỡng nhiều thế hệ trẻ khôn lớn, trưởng thành.

Thầy Hà kể, năm 1998 khi là sinh viên mới ra trường, thầy cùng nhiều bạn học xung phong dạy ở các điểm trường vùng cao. Thầy được tỉnh phân công lên xã Na Mèo (trước đây thuộc xã Sơn Thủy). Nhà cách trường 200 cây số, nên thầy Hà khó có thể về thăm gia đình thường xuyên.

Biết quyết định của con trai tự nguyện lên vùng sâu, vùng xa, gia đình, nhất là mẹ của thầy ngăn cản quyết liệt. Mãi sau đó, bà mới chiều theo nguyện vọng của con trai, kèm theo lời nhắn nhủ: "Dù con ở đâu mẹ cũng sẽ chờ". Còn bố  lúc nào cũng động viên thầy Hà từ lúc chọn ngành sư phạm cho đến khi tốt nghiệp. "Con cố gắng lên, cứ đi học đi. Hãy cố gắng hết mình để phục vụ ngành giáo dục", là lời nói khắc sâu trong tâm anh mãi đến bây giờ.

DSCF7018

Thầy giáo Đỗ Thanh Hà, giáo viên bộ môn Ngữ văn trường PTDT Bán trú - THCS Na Mèo (Thanh Hóa).

8 năm đầu tiên xa nhà với thầy Hà là những ký ức không bao giờ quên. Trẻ trung, nhiệt huyết, khát khao đem con chữ đến với các học sinh bản nghèo xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, nhưng nhiều lúc thầy giáo trẻ vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, nhất là khi thấy đồng nghiệp có gia đình lên thăm, còn anh chỉ quạnh hiu cô đơn một mình.

Gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện đến thăm anh. Tình hình cuộc sống trên này thế nào anh đều gửi qua những lá thư viết tay, nhờ người thân của đồng nghiệp lên thăm chuyển giúp về thành phố. Gia đình anh cũng nhiều lần viết thư động viên. Mỗi lần như vậy, gia đình đều khuyên thầy chuyển công tác, nhưng thầy giáo trẻ nhất quyết bám bản. 

Soạn giáo án bằng đèn dầu

Sau nhiều năm xa cách, lần đầu tiên mẹ thầy Hà lên thăm trường, nơi con trai công tác. "Đường lên trường lúc đó khá vất vả, bắt xe từ 6h sáng nhưng phải mất nửa ngày mới tới nơi, chúng tôi thường gọi vui đó là "chuyến xe bão táp". Khi ấy trường còn hoang sơ, cỏ mọc đến ngang ngực, phòng ngủ cho giáo viên còn sơ sài, tạm bợ", thầy Hà kể.

Thương con, nhưng khi nhìn thấy lũ học trò nghèo ham học ở đây, mẹ thầy thay đổi suy nghĩ. Bà nhắn nhủ: "Vất vả cũng phải cố! Mày mà về thì mẹ cũng đuổi mày lên!". Kể từ đó, thầy giáo Hà tự nhủ sẽ quyết tâm bám bản đến khi nghỉ hưu mới về nhà.

Quan Sơn ngày đó không có điện, giáo viên đêm ngồi soạn giáo án đều phải thắp đèn dầu. Đi rửa mặt mà các thầy cô ai nấy mặt khét đen. Để mua dầu cũng không phải chuyện đơn giản. Thỉnh thoảng giáo viên phải nhờ dân mua hộ khi họ có việc tiện đường xuống thị trấn, cách trường khoảng 53 cây số.

Khó khăn vất vả, nhưng chưa bao giờ thầy giáo nghĩ đến chuyện quay lưng lại với học trò, với phụ huynh. Hơn 20 năm qua, thầy Hà ngày ngày bền bỉ lên lớp, mang những bài văn, bài thơ, bài học đạo đức đến với từng học trò dân tộc nơi biên giới xứ Thanh. 

Và cũng trong ngần ấy năm, thầy Hà cùng đồng nghiệp đến từng nhà dân để vận động cho con đi học. Các giáo viên động viên họ chỉ có cách học mới thay đổi được cuộc đời học trò, để "đi đường đi sau con trâu", chỉ việc học là lối thoát duy nhất.

77016252_2496898730548559_8952554239805095936_n 3

Một tiết học của thầy Hà, cả lớp im lặng nghe từng lời thầy nói.

Không lấy vợ, ở trường và chăm học trò như con

Có học sinh gắn bó với thầy giáo Hà suốt quãng thời gian cấp 2, qua lớp phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Thầy dạy không chỉ kiến thức, mà còn hướng dẫn cả tác phong sinh hoạt, dạy cả kỹ năng mềm khi các em chập chững từ tiểu học lên bậc học mới.

Thầy Hà chia sẻ rằng dạy các em học sinh lớp 6 đôi khi giống với dạy mầm non do không duy trì được nền nếp từ cấp 1 lên, từ hướng dẫn sơ vin thế nào, đầu tóc lúc đến trường ra sao, trực nhật phải làm gì... "Học trò như đứa con của mình, phải uốn nắn, dạy dỗ từ từ...", thầy Hà nói.

Chính vì coi trò như con, thầy luôn khắc sâu tâm khảm: "Bỏ bẵng học trò đi sao được? Lương tâm của người thầy không bao giờ cho phép mình làm như thế".

Vậy nên, phải là công việc quan trọng lắm thầy Hà mới rời trường. Ngoài thời gian trên lớp, thầy ở trong phòng làm giáo án, đến giờ thầy vào bếp thổi cơm cho lũ học trò luyện thi học sinh giỏi. Tới mức, học trò của anh nhiều lúc phải thốt lên rằng: "Thầy không nghỉ lấy một hôm để bọn em còn nghỉ!". 

DSCF7122

Cứ chiều chiều, thầy Hà lại nhóm bếp chuẩn bị thổi cơm cho cô cậu học trò.

Đã ngoài 40 nhưng thầy Hà vẫn chưa lập gia đình, thầy hy sinh tình cảm riêng tư để sống với đam mê và hết lòng tận tâm với sự nghiệp giáo dục. Thầy bảo: "Nếu kết hôn, tôi tính sẽ đưa vợ lên đây... tôi muốn gắn bó mãi mãi với mái trường này".

Mỗi năm, thầy Hà rất ít khi về nhà mà thường ở liền một mạch trên trường. Lần gần nhất thầy về để sửa sang phần mộ của bố đẻ. Vừa đi, thầy vừa nghĩ đến học trò. '"Lũ trò nhỏ không có thầy thì sẽ ra sao, ăn uống như thế nào? Nhỡ chúng ăn phải cái gì ngoài đường rồi đau bụng...". Ngay hôm sau, thầy xin phép mẹ lên trường vì lo lắng, bất an cho lũ trẻ.

"Nếu phải lựa chọn giữa việc hiếu và việc học của lũ trò, có lẽ tôi sẽ chọn học trò. Có thể nhiều người cho rằng tôi bất hiếu, nhưng tôi chấp nhận điều đó vì tương lai các em. Nếu thầy nghỉ dạy nhiều ngày, học trò sẽ cảm thấy mất chỗ dựa, mất kiến thức", thầy Hà nói.

Sau thời gian công tác ở trường, điều khiến thầy Hà vui mừng nhất là đào tạo thế hệ học trò thành tài. Thầy giáo ngoài tứ tuần có những học trò như Bí thư xã, là giáo viên, đồng nghiệp tại trường,...quay trở về góp phần cùng thầy tạo nên các thế hệ kế cận tương lai.

Thầy Hà kể, có lần học trò về trường thăm, trông thấy thầy còn bảo: "Em tưởng thầy nghỉ công tác rồi?". Lúc đó thầy Hà chỉ biết cười đáp: "Ừ, thầy vẫn ở đây mà!".

DSCF7137 5

 Khác với hơn 20 năm trước, nhờ sự cố gắng của thầy Hà cùng thầy cô giáo nơi đây, học sinh dân tộc thiểu số tại PTDT Bán trú - THCS Na Mèo có thể yên tâm ở trường học tập, vui chơi.

Điều khiến thầy Hà trăn trở nhất là nhìn thấy hoàn cảnh các em học sinh vùng cao, dù muốn nhưng không thể đến trường. Hiện được sự quan tâm của nhà nước, trường có trợ giúp học sinh bằng cách kêu gọi đóng góp hỗ trợ học phí.

Nhìn lại những thay đổi về cơ sở vật chất suốt hơn hai thập kỷ gắn bó với ngôi trường, thầy giáo vui mừng khi chất lượng học tập của các em đến nay được cải thiện nhiều. "Vui lắm chứ khi so sánh với trước đây, học trò giờ có cả sân chơi đùa, tập thể dục sau giờ học, không còn phải chạy vào các vũng bùn, vũng nước lầy như ngày xưa nữa", thầy Hà nói.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn