• Zalo

Thầy giáo dạy Toán được học sinh gọi bằng bố, đại ca

Giáo dụcThứ Năm, 15/11/2018 07:48:00 +07:00Google News

Không chỉ đem đến những tiết học Toán vui nhộn, hứng khởi, thầy Nguyễn Thế Mạnh còn giống như một chuyên gia tư vấn tâm lý cho các học sinh tại trường.

Lớp học khiến học sinh tỉnh cả ngủ

Có mặt tại tiết học Toán của thầy Phạm Thế Mạnh (trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy), mở đầu tiết học không phải là những câu học sinh đã "nằm lòng" như “mời bạn… lên bảng kiểm tra bài cũ”, hay “hôm nay chúng ta học bài…” mà là “Tối qua Manchester United đá như thế nào”?

Ngay lập tức, cả lớp học rôm rả cười nói về đội bóng hâm mộ của mình. Thầy Mạnh giới thiệu về “Quả bóng thần kỳ" bằng giấy đang cầm trên tay, luật chơi là học sinh sẽ truyền bóng theo điệu nhạc, khi nhạc dừng, bóng tới tay ai thì người đó sẽ bóc một lớp giấy trên quả bóng và trả lời câu hỏi bài cũ.

Cũng bởi vậy mà tiết học trở nên sôi nổi, hứng khởi vô cùng. Thực tế, đây không phải là tiết học đặc biệt của thầy Mạnh, học sinh trong trường cho biết, khi bước vào lớp, thầy đều có những “trò” riêng để khiến học sinh “tỉnh ngủ”, hào hứng bắt đầu tiết học.

Tốt nghiệp khoa Toán - Tin của ĐH Sư Phạm Hà Nội năm 2009 Thầy Phạm Thế Mạnh công tác tại trường THPT Yên Hòa đến nay đã được 10 năm.

1

Thầy Phạm Thế Mạnh (áo đen) tạo dáng chụp ảnh cùng học trò.   

Trong suốt 10 năm qua, thầy giáo sinh năm 1987 đã khiến không ít học sinh “nghiện" môn Toán bằng phương pháp học khơi gợi cảm xúc của mình.

Thầy Mạnh cho biết: “Khi đã lên lớp, giáo viên cần bỏ lại những chuyện cá nhân cũng như những cảm xúc riêng và chỉ chú tâm vào lớp học. Khởi đầu lớp học, giáo viên cần quan sát, lắng nghe để đoán được cảm xúc của trò ngày hôm đó, qua đó mới đưa ra những cách giảng bài phù hợp trong tiết học. Nếu học sinh đang ủ rũ thì nên có những hoạt động khởi đầu cho tiết học sôi nổi. Có như vậy, học sinh mới có thể được kích thích bởi những cảm xúc tích cực và thu nhận được kiến thức dễ dàng hơn”.

Thầy giáo kiêm bác sỹ tâm lý

Tại trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, nhiều học sinh gọi thầy Phạm Thế Mạnh là “bố”, hóm hỉnh hơn là “đại ca”…

Với các học sinh, thầy Mạnh không chỉ là giáo viên dạy toán, giáo viên chủ nhiệm mà hơn hết còn giống như một người anh, người chú, chuyên gia tư vấn tâm lý, giải đáp mọi thắc mắc khi các em cần.

Nguyễn Thu Trang (THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: “Với chúng em, thầy Mạnh không chỉ là thầy giáo, mà còn giống như một người bạn, người thân trong gia đình. Bởi sự gần gũi của thầy, nên chúng em cảm thấy dễ dàng chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống. Có những khúc mắc trong bất cứ vấn đề gì, thầy đều sẵn sàng giải đáp, cho chúng em lời khuyên”.

2

Học sinh chúc mừng sinh nhật thầy Phạm Thế Mạnh.  

Chia sẻ về điều này, thầy Phạm Thế Mạnh cho biết: “Với tôi điều quan trọng nhất không phải là giấy khen hay thành tích mà là dấu ấn trong trái tim các thế hệ học trò. Nhưng cũng đừng gọi tôi là chuyên gia tâm lý, tôi chỉ đang cố gắng để gần gũi, hiểu và chia sẻ với các em nhiều hơn”.

Không quản ngại bất cứ thời gian nào, thầy Mạnh dùng các kênh như facebook, zalo, gặp trực tiếp... để giải đáp, tư vấn các vấn đề cả về học tập và cuộc sống cho học sinh.

Thầy Mạnh cho rằng, khi thầy cô đến gần hơn với học sinh, sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách thầy trò, bỏ đi tâm lý e ngại khi giao tiếp. “Rất nhiều học sinh có sự sợ hãi khi đối diện với thầy cô. Cũng bởi vậy mà hiệu quả trong giáo dục cũng bị giảm đi. Khi thầy cô hiểu được học sinh, sẽ nắm bắt được tâm lý học sinh và có các biện pháp hỗ trợ phù hợp, tạo ra động lực, không khí sôi nổi cho học sinh", thầy Mạnh nói.

Từ việc quan tâm, tư vấn cho học sinh, thầy Mạnh nhận ra rằng các em đang gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý. Trong đó có sự chênh lệch giữa suy nghĩ của học sinh và những suy nghĩ, kỳ vọng của phụ huynh. Với những học sinh lớp 10 còn có thể bị “sốc nhiệt” khi thay đổi môi trường từ cấp 2 lên cấp 3, hay cả những áp lực khi cố đáp ứng kỳ vọng của thầy cô.

“Đôi khi chúng ta thường đặt ra những kỳ vọng quá lớn với các em, nếu không đáp ứng được những mong mỏi ấy, các em rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, bế tắc. Thậm chí đã có học sinh gần như tuyệt vọng, có ý định bỏ học, chỉ vì kết quả không được như mong đợi”, thầy Mạnh chia sẻ.

Từ đó, thầy luôn tự đặt ra cho mình phương châm giáo dục là tạo động lực thay vì áp lực, tìm cách để không để học sinh "ngủ quên" trong mỗi tiết học. "Tôi thường không hay yêu cầu các em nhất định phải làm thế này hay thế kia, mà chỉ định hướng, dẫn đường, để cho các em tự thỏa sức sáng tạo, làm đúng nhưng vẫn theo những gì mình muốn cả trong học tập và cuộc sống", thầy Mạnh tâm sự.

Là giáo viên dạy bậc THPT, thầy Mạnh cho biết, việc các em có những rung động đầu đời là chuyện dễ hiểu, và thầy phải đóng vai trò của "chị Thanh Tâm" cũng là chuyện thường gặp. Lúc này, nhiệm vụ quan trọng của giáo viên là cần có sự định hướng, tư vấn cho các em kịp thời.

Video: Cười ngất với những trò "nhất quỷ nhì ma" thứ ba học trò

“Trong các lớp không thể tránh được việc bạn này có tình cảm với bạn kia. Nhiều phụ huynh ngăn cấm, nhưng tôi cho rằng cần tìm cách biến những điều tưởng như không tốt thành động lực cho các em phấn đấu. Tôi vẫn thường đưa ra những thỏa thuận rằng nếu các em có những biến chuyển tiêu cực về tâm lý, học tập, thầy sẽ can thiệp. Nhưng đương nhiên đó là thỏa thuận giữa cả thầy và trò”, thầy Mạnh nói.

Được đánh giá cao bởi ý tưởng và mô hình Lớp học Toán khơi gợi cảm xúc tích cực, thầy Phạm Thế Mạnh cũng là một trong số những giáo viên được tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành GD-ĐT Hà Nội năm 2018.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn