“Không phụ thuộc vào máy móc hay thiết bị điện tử, cho nên dù có mất điện, thầy trò chúng tôi cũng không ảnh hưởng gì nhiều”, thầy Nghĩa nói vui khi được hỏi về những bài giảng giải phẫu được vẽ cầu kỳ trong mỗi tiết dạy.
Bất chợt thấy mình được nhiều sinh viên ngành y biết đến qua Facebook và YouTube cá nhân, nam giảng viên Đại học Y Hà Nội khá bất ngờ pha lẫn thích thú. “Tôi vốn nghĩ phương pháp của mình đang có phần hơi cổ hủ, thậm chí là đi lùi vì nhiều giáo viên trong thời gian gần đây đã liên tục ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các bài giảng”.
Từng nhiều lần nghĩ “hay mình cũng đổi mới xem sao”, thầy Nghĩa đã thử mang bài giảng điện tử và video vào trong các tiết dạy của mình. Nhưng chưa đầy 1 tháng “chạy thử nghiệm”, anh lại nhận ra, khi sử dụng các bài giảng điện tử, hứng thú với tiết dạy của bản thân cũng giảm đi ít nhiều so với việc cầm phấn.
Hơn 10.000 người theo dõi trên Youtube
Đến nay, kênh YouTube dạy giải phẫu bằng hình ảnh trực quan của thầy Nghĩa đã có hơn 10.000 người theo dõi. Đối với nhiều YouTuber, con số này có thể không quá lớn, nhưng với một người “cũng là thầy giáo bình thường như bao thầy cô khác” - theo cách anh Nghĩa nói, thì đây chính là động lực để anh tiếp tục chia sẻ kiến thức cho những người có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về bộ môn Giải phẫu.
“Mỗi năm, sẽ có khoảng 15.000 sinh viên mới theo học ngành Y ở hệ cao đẳng và đại học. Ngoài ra, cũng có nhiều người làm trong ngành muốn xem lại kiến thức giải phẫu. Do đó, tôi nghĩ, nếu bản thân làm tốt thì những chia sẻ ấy sẽ có giá trị”.
Chỉ với một chiếc smartphone và chân máy, sau giờ làm việc, thầy Nghĩa lại tranh thủ ở trường để quay bài giảng, sau đó về chỉnh sửa và đăng tải video.
Để vẽ được một hình giải phẫu, theo thầy Nghĩa, có hai nguyên tắc cơ bản là phác họa viền của một vùng, một khối cấu trúc hoặc một cấu trúc, giúp việc vẽ chính xác hơn, sau đó là vẽ lần lượt các lớp từ sâu ra nông; không nên nhìn một hình và vẽ theo những gì nổi trên bề mặt.
Để “nâng cấp” hình vẽ, thầy Nghĩa cũng không ngần ngại đầu tư những loại phấn bám bảng, không dễ gãy vụn và có nhiều màu để học trò dễ dàng phân biệt cấu trúc.
“Đôi khi, một viên phấn loại tốt có thể đắt gấp đôi hộp phấn thông thường, nhưng tôi nghĩ đó cũng là đầu tư có ích trên “con đường ăn chơi” trong giảng dạy”.
Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với giảng đường, từng thử qua nhiều phương pháp giảng dạy, nhưng thầy Nghĩa nhận ra, một bài giảng dù được thiết kế đẹp và cầu kỳ đến đâu, nếu không có kỹ năng truyền tải tốt thì cũng không mang lại hiệu quả tiếp nhận cao.
Nhiều sinh viên bất ngờ khi thấy tôi bước lên bục giảng chỉ với một hộp phấn. Các em thắc mắc thầy sẽ dạy ra sao khi không có những hình ảnh trình chiếu?.
“Nhưng có một thực tế, nếu phụ thuộc vào bài giảng điện tử mà không trang bị đủ cả về kiến thức lẫn kỹ năng giảng dạy thì thời gian bài học sẽ bị rút ngắn đi rất nhiều và khó mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng điều đó hoàn toàn đúng, bởi giảng viên cứ chiếu slide và nói liên tục; học sinh lại vội vã chép vào vở, thậm chí là dùng smartphone để chụp lại bài giảng nhưng về nhà không mở ra đọc. Rốt cuộc, kiến thức thu về cũng chẳng được bao nhiêu. Bài giảng vốn kéo dài 4 tiết thì giờ đây, thầy cô chỉ cần hơn hai tiết là đã có thể xong bài. Khoảng thời gian còn lại sẽ rất lãng phí trong khi người học cần được giảng giải nhiều hơn”.
Anh Nghĩa thừa nhận, bài giảng của mình mất thời gian hơn, thậm chí đôi khi còn “cháy giáo án”.
“Trước đây tôi từng thử tranh thủ thời gian nghỉ giải lao để vẽ trước hình lên bảng. Nhưng rồi tôi nhận ra điều đó cũng không khác gì mình trình chiếu PowerPoint cho học sinh xem, thậm chí còn không hiệu quả bằng. Cho nên, tôi chấp nhận mình phải làm chậm hơn một chút, giảng đến đâu vẽ đến đó, các cấu trúc sẽ hiện dần ra trên hình vẽ theo lời giảng của mình”.
Gần 20 năm “luyện tay vẽ”, giờ đây tốc độ vẽ của thầy Nghĩa thường chỉ mất vài phút/ hình ảnh, tùy theo mức độ phức tạp của cấu trúc. Một lý do khác, cũng nhờ cảm quan về không gian tốt hơn nên anh có thể dễ dàng mường tượng được cấu trúc nông sâu và phác họa ra được bằng phấn.
'Chỉ cần nhìn ánh mắt long lanh của học trò ngồi dưới"
Tạo sự hứng khởi cho sinh viên qua mỗi hình vẽ ấn tượng, thầy Nghĩa còn khuyến khích sinh viên tự vẽ mỗi khi học bài.
“Tôi luôn nói với các em rằng, không cần phải vẽ đẹp, nhưng các em cứ cố gắng vẽ ra, làm sao cho đầy đủ các chi tiết và cấu trúc, chú thích được mà không cần nhìn vào sách vở. Làm được như thế nghĩa là các em đã hiểu được vấn đề.
Thậm chí, khi xem lại một bài học cũ, các bạn chỉ cần cầm bút vẽ là có thể nhanh chóng nhớ lại kiến thức. Bằng phương pháp này, sinh viên sẽ tích lũy kiến thức rất nhanh”.
“Làm sao để đánh giá được tiết học có hiệu quả hay không?”.
“Chỉ cần nhìn vào những ánh mắt long lanh của học trò ngồi bên dưới”, thầy Nghĩa đáp. Theo anh, điều đó thể hiện sự tập trung và háo hức tiếp nhận kiến thức của người học.
“Hiệu quả còn thể hiện qua những phản hồi sau bài giảng, thậm chí có những sinh viên 20 năm sau vẫn còn nhắc tới những bài giảng của mình và nhớ đến tên mình”.
Không chỉ đổi mới phương pháp, việc liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức, theo anh Nghĩa cũng là điều quan trọng.
“Giáo viên cũng cần liên tục phải đặt câu hỏi: “Mình sẽ phải triển khai bài giảng thế nào”. Vì vậy, có những tiết dạy, bố cục bài giảng của tôi khác hoàn toàn so với giáo trình.
Bên cạnh việc cố gắng bám sát phần kiến thức trong sách vở, nhưng vẫn phải linh hoạt sắp xếp sao cho phù hợp, logic, giúp cho người nghe dễ hiểu hơn.
"Khi đi dạy, tôi nhận thấy có rất nhiều sinh viên quá lệ thuộc vào giáo trình. Thậm chí, có những em vừa nghe thầy giảng, vừa đối chiếu để tìm từng câu, từng chữ trong giáo trình.
Tôi thường nói với các em ấy rằng, nếu không chủ động tìm hiểu kiến thức ở nhiều kênh khác nhau mà chỉ mang sách vở lên giảng đường, đợi thầy nói chữ nào để tiếp nhận chữ đấy, thì lượng kiến thức thu được có thể không nhiều hoặc dễ dàng trôi khỏi đầu”.
Bình luận