Cơ duyên đến với nghề
Nhựa đang được xếp thứ 6 trong các loại rác không thể phân hủy. Bên cạnh đó, ống hút cũng nằm trong 10 cái tên được tìm thấy nhiều nhất khi nhắc đến vấn đề chất thải đại dương, hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái. Vì vậy, việc sử dụng các sản phẩm làm từ thiên nhiên sẽ góp phần không ít vào việc bảo vệ “ngôi nhà chung” và hạn chế được những hậu quả khôn lường mà rác thải nhựa mang lại.
Thực tế thời gian gần đây nhiều hộ kinh doanh đã sử dụng nguyên liệu thiên nhiên như cỏ bàng, tre, giấy... thay thế các sản phẩm bằng nhựa.
Hiểu được điều đó, thầy giáo Trần Minh Tiến (quê Đức Huệ, Long An) đã không ngần ngại khi bỏ nghề 'gõ đầu trẻ' để bắt tay tạo ra các mô hình ống hút bằng cỏ bàng.
Nói về cơ duyên đến với nghề “lạ", anh Tiến cho biết, ông hút bằng cỏ là một khám phá tình cờ. Trong thời gian nghỉ làm giáo viên và về quê tìm hiểu những sản phẩm thủ công, anh phát hiện ra những sợi cỏ bàng tròn, to. Bắt nhịp với ý tưởng đã nung nấu từ lâu về việc loại bỏ túi nilon, anh đã mường tượng việc đưa loại cỏ này vào làm ống hút.
Trong giai đoạn đầu thực hiện ý tưởng trên, vì không chuyên về kinh doanh nên anh Tiến đã theo một doanh nghiệp ở Sài Gòn để tìm hiểu và phát triển sản phẩm.
Sản phẩm được anh thử nghiệm trong vòng khoảng 3 tháng, từ tháng 12/2017 và tung ra thị trường vào tháng 3/2018.
“Tìm nguyên liệu cỏ bàng là vấn đề khó khăn lớn nhất tôi gặp phải. Cỏ bàng bị chi phối bởi hoạt động nông nghiệp và đường xá giao thông nên rất khó để tìm được. Ngoài ra, người dân lao động phổ thông ở quê không còn nhiều, mà phần lớn họ chuyển hướng việc làm sang những khu công nghiệp gây nên tình trạng bị thiếu nguồn nhân lực”, anh Tiến bộc bạch.
Khi quyết định bỏ nghề giáo viên để triển khai mô hình sản xuất ống hút bằng cỏ, anh Tiến vấp phải nhiều lời can ngăn, thậm chí có người bảo anh là Tiến 'khùng".
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, anh Tiến cùng một số bạn trẻ khác cùng nhau thành lập nhóm để phát triển mô hình ống hút bằng cỏ với cửa hàng mang tên "3T".
Để hoàn thiện một chiếc ống hút cỏ cơ bản, nhóm phải trải qua các công đoạn: Đi hái cỏ bàng ở ruộng, sau đó đem về rửa với nước tro và cắt khúc từ 18-20 cm, tiếp đến dùng thanh sắt để thông phần ruột bên trong. Công đoạn cuối cùng là rửa lại, ngâm với bột vỏ sò để hạn chế vi khuẩn mang đi phơi khô.
Phổ biến vào thị trường
Theo anh Tiến, cửa hàng 3T đang hoạt động khá ổn định. Sản phẩm được bán trực tiếp trên webside, chủ yếu ở thị trường trong nước, hiện mỗi ngày cửa hàng cung ứng ra thị trường từ 3-4 nghìn ống hút.
Ống hút cỏ tươi được phân phối ra thị trường với giá 600 đồng/ống, ống hút cỏ khô 1000 đồng/ống với đường kính 4.5- 6.5mm.
“Đến với nghề là một cái duyên nhưng tôi đã rất may mắn. Ngay sau khi đưa ra thị trường sản phẩm được hưởng ứng rất nhiều, điều này cho thấy giới trẻ và mọi người dân đang quan tâm nhiều đến môi trường sống. Việc họ đang có sự chuyển biến sang sử dụng vật dụng làm từ thiên nhiên là một dấu hiệu đáng mừng”, anh Tiến nói.
Với nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, dễ phân hủy và rất đẹp mắt, hiện nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đang “phát cuồng” với sản phẩm này. Ống hút bằng cỏ từ cửa hàng của anh Tiến đang được phân phối trong hệ thống các quán cà phê, nhà hàng và đều được khách hàng hưởng ứng nhiệt tình.
"Ngay lần đầu thấy ống hút bằng cỏ mình đã rất thích, vì bản thân cũng mở một quán cà phê nên mình đã không chần chừ mà nhập ông hút này về sử dụng. Các khách hàng ở quán mình đều hài lòng về việc thay thế này. Nhiều khách còn nói đến quán để ủng hộ sản phẩm ống hút bằng cỏ bảo vệ môi trường", chị Nguyễn Thanh Nga - một khách hàng chia sẻ.
Ngoài sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng, cửa hàng của anh Tiến còn cung cấp những sản phẩm khác cũng làm từ nguyên liệu tự nhiên như: cọ xơ dừa, giỏ cói, que rửa ống hút... Trong tương lai, anh Tiến cho biết sẽ mở rộng mô hình này không chỉ ở Việt Nam mà còn nhân rộng ra những nước khác trên thế giới, để góp phần làm sạch môi trường hơn.
"Ngoài những lý do như bảo vệ môi trường, mở rộng hướng kinh doanh độc lạ, một nguyên nhân nữa để tôi phát triển mô hình này đó là tạo cơ hội việc làm cho người dân khó khăn ở địa phương", anh Tiến nói.
Bình luận