• Zalo

Thầy giáo bật mí cách làm bài văn dạng liên hệ chuẩn xác nhất

Giáo dụcThứ Năm, 12/04/2018 14:32:00 +07:00Google News

Thầy Cao Chí Bằng chia sẻ cách làm bài văn dạng đề liên hệ giúp thí sinh bắt kịp một số điểm mới trong việc ôn luyện môn Ngữ văn để đạt kết quả tốt nhất.

Từ lúc Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, thầy giáo nổi tiếng Cao Chí Bằng (chuyên gia sách tham khảo môn Ngữ văn) chia sẻ rất nhiều bài viết định hướng ôn thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Mới đây, thầy Chí Bằng gửi tới VTC News bài viết về cách làm bài văn dạng đề liên hệ. Bài viết nhằm hỗ trợ thí sinh bắt kịp một số điểm mới trong việc ôn luyện môn Ngữ văn để đạt kết quả tốt nhất.

23915996_2460155820790066_5402035176559788466_n

Thầy Chí Bằng chia sẻ cách làm bài văn dạng liên hệ chuẩn xác nhất.

Cụ thể nội dung bài biết: Cách làm một bài văn dạng đề liên hệ:

"Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (giới thiệu tác giả, tác phẩm yêu cầu chính – tức là yêu cầu cơ bản trong vế đầu của đề).

Thân bài

Yêu cầu cơ bản: Vế phân tích/cảm nhận/… vấn đề cần nghị luận ở tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12.

Yêu cầu nâng cao: Tức là vế liên hệ, mở rộng trong đề mà thường là liên hệ với vấn đề trong các tác phẩm chương trình Ngữ văn lớp 11. Việc này để bình luận, nhận xét về một vấn đề nào đó về phương diện nội dung, nghệ thuật, tư tưởng, quan điểm, phong cách sáng tác của tác giả, điểm giống và khác của các tác phẩm cùng/khác giai đoạn văn học...

Lưu ý: Vế này có thể nhắc đến tác giả, tác phẩm (như đoạn trích/tác phẩm này của ai, ở đâu chẳng hạn) nhưng không nhất thiết bắt buộc phải giới thiệu.

Kết bài

Đánh giá chung lại vấn đề nghị luận.

Ở đây, học sinh nên tập viết thành đoạn trong quá trình ôn luyện như viết đoạn mở bài, đoạn làm rõ yêu cầu cơ bản, đoạn làm rõ yêu cầu nâng cao để đi đến đoạn đánh giá chung.

Sau đó, học sinh xem xét nội dung kiến thức cho đến khi đầy đủ nhất rồi mới viết một bài văn hoàn chỉnh.

Ví dụ minh họa

+ Đề bài:

Câu 2 (5,0 điểm)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12 – Nâng cao,

Tập một NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.69 – 70)

Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp hình tượng người lính thông qua đoạn trích thơ trên.

Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy của Tố Hữu (Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017) để bình luận về ý nghĩa của lí tưởng sống đối với con người.

+ Gợi ý:

Mở bài:

Giới thiệu đôi nét về nhà thơ Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến và hình tượng người lính Tây Tiến qua đoạn trích: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ …/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Thân bài:

Yêu cầu cơ bản: Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến (Ngữ văn 12) qua đoạn trích thơ Tây Tiến.

– Vẻ đẹp thể hiện qua chân dung: không mọc tóc, quân xanh màu lá >< đoàn binh, oai hùm, mắt trừng.

– Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

– Vẻ đẹp lý tưởng – lý tưởng cao đẹp: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Yêu cầu nâng cao: Liên hệ với bài thơ Từ ấy của Tố Hữu (Ngữ văn 11) để bình luận về ý nghĩa của lí tưởng sống đối với con người.

– Liên hệ:

+ Lý tưởng sống thể hiện trong bài thơ Từ ấy: Lý tưởng cách mạng và vai trò của lí tưởng cách mạng đối với nhà thơ (với tư cách là một con người).

+ Lý tưởng cao đẹp và vai trò của lí tưởng đó đối những người lính Tây Tiến (với tư cách là một con người).

– Bình luận: đánh giá, nhận xét vài trò của lí tưởng sống đối với con người.

Kết bài

Đánh giá chung: Vai trò, vị trí của hình tượng người lính Tây Tiến đối với tác phẩm, tác giả, nền văn học cách mạng và văn học Việt Nam. Đồng thời là vai trò giáo dục của lí tưởng sống đối với con người.

* Dạng đề liên hệ và cách làm của dạng đề này khác dạng đề so sánh".

Video: Tiết lộ bản thảo bài thơ gây tranh cãi trong đề thi Ngữ văn

Thầy giáo Cao Chí Bằng
Bình luận
vtcnews.vn