Anh Nguyễn Tiến Đạt (SN 1993), vừa là giáo viên dạy Toán vừa là giám đốc trung tâm luyện thi đại học ở Hà Nội, được nhiều thế hệ học trò biết đến bởi tài năng và cách dạy thu hút. Anh tốt nghiệp lĩnh vực Công nghệ Thông tin của Học viện Bưu chính Viễn thông.
Chia sẻ về những năm tháng đầu tiên chập chững bước vào nghề thầy giáo trẻ Nguyễn Tiến Đạt kể, năm nhất đại học, Đạt bước chân vào con đường sư phạm bằng việc dạy gia sư Tin học cho nhiều nhân viên văn phòng có nhu cầu học Word, Excel, Power Point… Hồi đấy tiền đi dạy một tiếng không đủ để Đạt mua một chiếc bánh chưng buổi sáng. Vì vậy, Đạt không nghĩ sẽ theo đuổi nghề này lâu dài, chỉ đi dạy cho vui và kết hợp mài dũa kiến thức, rèn luyện cách truyền đạt cho người khác dễ hiểu.
Từ một học sinh đến ý định lập trung tâm luyện thi
Sinh viên, đứa nào chẳng sỹ diện, có bạn gái lại càng muốn thể hiện bản thân một chút. Tiền ăn còn không đủ thì làm sao mua quà tặng bạn đây? Nghĩ vậy, Đạt quyết tâm đến các trung tâm gia sư để xin làm.
Thế mạnh là môn Toán nhưng trung tâm gia sư lúc ấy lại chỉ thiếu giáo viên dạy Lý lớp 10. Đạt vẫn gật đầu đồng ý vì tin vào khả năng của bản thân.
Đạt được giao dạy Lý cho một cậu bé mất gốc, gần như "không gì có thể cứu vớt". Lấy kinh nghiệm học tập ngày trước và kiên trì dạy một thời gian, điểm em học sinh đó dần cao lên, cho đến khi em nhận được điểm 8 Lý đầu tiên trong đời.
Đạt nhớ mãi cậu bé vui mừng sung sướng thế nào. Sau đó em học sinh này rủ thêm hai bạn nữa về học cùng. Rồi phụ huynh thấy Đạt dạy Lý tốt, thì bảo: “Cháu dạy luôn Toán cho con cô đi!”. Đạt mừng quá vì đúng nghề Đạt.
Tuy nhiên, ba học sinh mỗi đứa một chương trình học thêm nên thầy giáo Đạt phải đi đến ba nơi khác nhau ở Hà Nội để dạy, cùng với việc phải đảm bảo tốt việc học trên giảng đường.
Đạt cảm thấy thấm mệt và yêu cầu các em tập trung tại nhà để học. Tiếng lành đồn xa, dạy được nửa năm thì căn phòng nhà Đạt được lấp đầy lên 15 em học sinh. Đến khi có thêm nhiều em xin học thì Đạt tính đến chuyện ra ngoài thuê căn phòng.
Đang học năm thứ 3 Đại học, Đạt chuyển ra ngoài ở và tìm căn phòng rộng khu vực Tân Mai (Hà Nội) để dạy thêm. Từ 15 học sinh lớp học do Đạt dạy đã lên đến 25 em.
"Năm 3, khi bạn bè đi thực tập ở các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, Mobifone, Viettel, tôi cảm thấy rất bối rối. Thầy hướng nghiệp cũng hỏi trên lớp là các em muốn làm công ty nào? Tôi đứng lên nói định làm trung tâm luyện thi đại học. Cả lớp đều cười", Đạt kể.
Đạt cảm thấy hơi tủi thân trước phản ứng như vậy của các bạn. Tuy nhiên, sau một thời gian cân nhắc, cậu càng cảm nhận rõ hơn tình yêu và quyết tâm theo đuổi nghề dạy học. Ý tưởng lập trung tâm, mời thầy về dạy bắt đầu từ đây.
Trăn trở giúp học sinh yếu kém đạt thành tích
“Các thầy cô phần lớn đều có xu hướng rũ bỏ học sinh yếu kém, chỉ nhận những em giỏi, trong khi đó các em học kém cũng có mơ ước, khát khao thi đại học. Vậy ai sẽ dạy những học sinh yếu kém ấy bây giờ?
Các bạn giỏi có thể tự học, thầy cô chỉ cần hướng dẫn qua thôi là các em có thể tự tư duy được. Còn những học sinh kém thì khác. Vì vậy, người thầy phải đem tư duy, uốn nắn giúp các bạn ấy khá lên. Đây chính là mục tiêu chính của tôi khi giảng dạy", Đạt chia sẻ những trăn trở của người thầy khi đứng lớp luyện thi Đại học.
Theo thầy Đạt, "những học sinh kém bao giờ cũng đi kèm bệnh lười và sợ môn học đó, nếu là Toán thì sợ nhất là toán hình. Vậy bây giờ quan trọng nhất làm các em mất đi nỗi sợ. Mà muốn hết sợ thì các em phải làm được bài".
Phương pháp dạy học của thầy Đạt giúp nhiều học sinh thay đổi thành tích học tập một cách rõ rệt. Thầy cho rằng, vấn đề quan trọng là phải theo học sinh từ những bước cơ bản nhất, giao cho các em làm từ những đề đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra, cần chú trọng vào chất lượng đề luyện thi, để bạn nào giỏi không cảm thấy đề quá dễ mà chủ quan, bạn học kém hơn lại không cảm thấy quá sức mà nản lòng.
"Một khi đã hiểu, làm được bài thì các em sẽ rất ham, bao nhiêu đề cũng muốn làm", thầy giáo trẻ chia sẻ bí kíp khiến các bạn học sinh yêu môn Toán.
Năm 2015 - 2016, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển sang thi trắc nghiệm, Nguyễn Tiến Đạt là người đầu tiên dạy phương pháp bấm máy tính tại Hà Nội.
“Tôi tìm hiểu máy tính rất kỹ, nên khi Bộ thay đổi cách thi THPT Toán sang 100% trắc nghiệm, tất cả những mẹo bấm nhanh, thủ thuật tính toán, thao tác trên máy tính bỏ túi tôi đúc rút thành giáo án dạy các em học sinh. Khi bắt đầu mở lớp luyện thi trắc nghiệm, các bạn học sinh đăng ký xin học rất đông. Một ngày phải tuyển sinh được 100 bạn", thầy Đạt nhớ lại.
Thầy xưng 'mày - tao' với học sinh
Khác với các lớp học trong nhà trường thường mô phạm, nề nếp trên dưới, thì giờ học của thầy Đạt luôn đầy ắp tiếng cười. Thầy xưng “tao - mày” với học sinh, rút ngắn khoảng cách nghiêm nghị vẫn thường có nơi trường lớp. Các bạn học sinh thoải mái chia sẻ chuyện bài vở, trường lớp cho đến chuyện tình cảm. Mọi thắc mắc đều được thầy giải đáp đến nơi đến chốn.
“Nghiên cứu khoa học cho thấy khi căng thẳng quá, xu hướng nạp dữ liệu đi xuống dần. Vậy nên, nếu muốn các em tiếp thu hiệu quả thì bản thân luôn phải chủ động tạo ra những khoảng nghỉ để não có thể vận hành đúng nhiệm vụ của nó. Một khi học sinh cảm thấy thoải mái thì tiếp thu cái gì cũng ngon lành hơn, dễ dàng hơn”, thầy nói.
Bạn Trần Văn Huy, học sinh lớp 12 trường THPT Ngọc Hồi, theo thầy Đạt từ lớp 11 nhờ giới thiệu của các học sinh khóa trên. Trước khi đến với thầy, điểm Toán của em chỉ trên 7,0; sau một thời gian ngắn, điểm của em tăng lên 9,2 cả năm.
"Thầy có rất nhiều phương pháp dạy hay. Đặc biệt buổi nào em và các em cũng được cười rất nhiều. Thầy rất vui tính và thoải mái", Huy chia sẻ.
Bộ Giáo dục năm nào cũng đổi mới đề minh họa, đề thi thử nên giáo án dạy học cũng phải thường xuyên được cập nhật, thay đổi. Vậy nên, thầy giáo 9x gần như không có thời gian dành cho cuộc sống riêng. Có hôm thầy soạn giáo án đến 2-3h sáng mới ngủ.
“Nhiều lúc mệt quá thì cũng muốn nghỉ hẳn, nhưng lại nghĩ nghề chọn mình rồi nên quyết tâm theo”, thầy Đạt giãi bày.
"Hồi còn sinh viên đi làm gia sư, được phụ huynh tặng chai sữa tắm nhân ngày 20/11 mà tôi cảm động mãi. Lúc ấy nghĩ chỉ giáo viên mới được nhận quà thôi, ai ngờ sinh viên như mình lại được quan tâm, trân trọng như vậy. Đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà tôi không thể nào quên", thầy giáo xúc động chia sẻ.
>>> Đọc thêm: Ảnh: Những thầy giáo ‘soái ca’ nổi tiếng cộng đồng mạng
Bình luận