Dù không trực tiếp đứng lớp dạy học, mà đảm nhiệm vai trò là một cán bộ Truyền thông của trường Tiểu học Ban Mai (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), nhưng tác giả trẻ Lương Đình Khoa lại đồng hành và gắn bó với học sinh trong các phong trào, sự kiện, hoạt động học tập với tất cả nhiệt tâm của mình.
Chàng trai trẻ này cũng luôn được các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh trong trường yêu mến gọi là “Thầy Khoa”.
Mới đây, thầy giáo không đứng lớp này đã cho ra mắt tập sách mới dành tặng học sinh và phụ huynh mang tên “Về nhà đi” gây sốt trong toàn trường.
“Cách đây 2 năm, tôi có post chùm thơ hơn 60 bài viết cho thiếu nhi từ những năm tôi còn học Phổ thông lên Facebook. Không ngờ lại nhận được khá nhiều sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè. Đặc biệt là các bậc phụ huynh ngỏ ý muốn xin phép sử dụng đọc cho con nghe, các bạn đang làm nghề giáo viên cũng muốn sử dụng đưa vào trong các bài dạy của mình.
Và năm 2016 khi được một đơn vị xuất bản ngó ý mua bản quyền một số bài thơ và tản văn của tôi để in thành sách, tôi đã xây dựng bố cục cho tập sách của mình thành nhiều phần, trong đó dành hẳn 2 phần riêng biệt là sáng tác cho các bạn học sinh, số còn lại dành tặng cho các bậc làm cha mẹ", thầy Khoa chia sẻ.
Dù bạn là ai, đang ở độ tuổi nào từ những cô cậu học trò đến các bạn sinh viên, những người ra trường đi làm, các bậc trung niên… đều có thể tìm thấy những mảnh ký ức tương đồng qua mỗi phần được sắp xếp theo từng bước phát triển của tình yêu và nhận thức trên hành trình trưởng thành của mỗi con người trong tập sách này.
Và cơn sốt mang tên “Về nhà đi” chính thức được châm ngòi tại Tiểu học Ban Mai khi chị Phan Hoa mua sách tặng cho cậu con trai Lê Anh Tuấn trong ngày sinh nhật lần thứ 10, được cô giáo và các bạn tổ chức tại lớp học.
Các bạn nhỏ háo hức truyền tay nhau và bị cuốn vào những bài văn, bài thơ hồn nhiên như: Chuyện của Bong Bóng, Những lá thư nhỏ, Kỷ niệm của ông nội, Cây mít, Đêm, Chú bọ ngựa, Bé và mưa, Ông Bụt…
Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều học sinh háo hức bày tỏ nguyện vọng với bố mẹ muốn được sở hữu tập sách này.
Cô Vân Hường - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A4 chia sẻ: “Tất cả các bậc phụ huynh đều rất mừng khi con có cảm hứng để đọc sách.
Và trong tiết thi giáo viên giỏi cấp Quận của tôi về chủ đề văn hóa đọc với cộng đồng, tôi đã phải mời thầy Khoa lên giao lưu cùng các con. Không khí hôm đó thực sự thú vị, truyền cảm hứng để học sinh không ngừng có những ước mơ và khám phá thế giới từ việc đọc sách”.
GS.TS Lê Phương Nga - Giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng bày tỏ sự trân trọng của mình với những sáng tác được viết từ góc nhìn trẻ em của Lương Đình Khoa trên Facebook cá nhân.
Bà Nga bất ngờ khi đã từng sử dụng một số sáng tác của Lương Đình Khoa trong sách tham khảo cho học sinh như “Chuyện của bong bóng, Những dòng sông không ngủ”, và đến giờ mới có cơ hội giao lưu và không nghĩ lại là một tác giả thế hệ 8X.
Đặc biệt bài thơ viết năm lớp 10 mang tên “Mùa thu và Mẹ” của Lương Đình Khoa từ lâu đã trở thành đề thi trong các thư viện đề online và được sử dụng trong nhiều cuộc thi học sinh giỏi văn của các tỉnh thành như: Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu….
“Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn
Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ
Ôi những trái na, hồng, ổi, thị…
Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu!
Con nghe mùa thu vọng về những thương yêu
Giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ
Nắng mong manh đậu lên thật khẽ
Đôi vai gầy nghiêng nghiêng…
Heo may thổi xao xác trong đêm
Không gian lặng im…
Con chẳng thể chợp mắt
Mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức
Sương vô tình đọng trên mắt rưng rưng…”
(Mùa thu và Mẹ - Lương Đình Khoa)
Không chỉ dừng lại ở những bài viết cho học sinh Tiểu học, “Về nhà đi” còn phác họa một khoảng trời thời áo trắng hồn nhiên và cũng thoảng chút suy tư trước cuộc đời qua các sáng tác như: Khi vai mang một chữ ‘Thầy’, Phượng tím, Điệp khúc năm cuối cấp, Cánh phượng đầu tiên – mùa hạ cuối cùng….
"Đặc biệt, tâm hướng đạo quay về với mái nhà, mẹ cha, quê hương nguồn cội là tư tưởng chính xuyên suốt trong tập sách đa thanh đa điệu này", Lương Đình Khoa chia sẻ.
“Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra trên thế gian này cũng đều có một mái nhà – dù đó có thể là một biệt thự nguy nga hay trong một khu chung cư, một nơi lợp bằng ngói đỏ hay giản đơn là lợp bằng rơm rạ, một túp lều tranh hay thậm chí là một góc khuất trong công viên, một nơi kín gió dưới gầm cầu…
Chỉ cần nơi đó có gia đình (là cha mẹ, anh chị em), hoặc giản đơn chỉ là một nơi che mưa che nắng, gắn bó với mỗi chúng ta trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời thì đều có thể được gọi là Nhà", Khoa nói.
Chúng ta rời nhà vào buổi sáng, trở về vào buổi tối, rời nhà khi muốn bay xa, bay cao theo ngàn ước mơ, vạn tiếng gọi – trở về khi lòng thấy chông chênh, vấp ngã, cần một chỗ dựa ủi an. Và như thế - Nhà đồng nghĩa với việc trở về.
Và cuộc đời tảo tần cùng sự hi sinh, bao dung của cha mẹ chúng ta là một mái nhà bất tử. Nhưng, từ khi xã hội hiện đại ngày càng phát triển, mạng internet và mạng điện thoại di động như một “phép màu của cổ tích” giúp con người ta có thể gần nhau bằng tiếng nói chỉ trong tích tắc thì bước chân của những sự trở về ấy ngày càng thưa vắng theo những lời hẹn lần của xa cách…
Dù đời thăng trầm, vạn vật đổi thay nhưng có một nơi vẫn được gọi là Nhà vẫn luôn đón đợi, gọi bạn trở về - về với những thương yêu giản dị, gần gụi nhất mà bạn vẫn còn may mắn giữ được trong tay.”
Lương Đình Khoa là một cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X. Anh trưởng thành từ báo Thiếu niên Tiền phong, chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, với những trang viết đầu tiên năm học lớp 8, cho đến hết cả thời học sinh, là Bút trưởng của Bút nhóm Hương Nhãn – một Bút nhóm sáng tác văn học của tỉnh Hưng Yên được đông đảo bạn đọc trẻ cùng thời mến mộ trong những năm 1998 – 2004. “Về nhà đi” là đứa con tinh thần thứ 5 trong gia tài sáng tác của Lương Đình Khoa - sau các tập sách: Khuôn mặt tình yêu (Thơ - 2004), Gió mùa thổi mãi (Tập truyện ngắn – 2009), Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người (Thơ – 2014), Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc (Tản văn – 2014).
Nhà nghiên cứu, Phê bình văn học Ngô Văn Giá (Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng: “Lương Đình Khoa là một trường hợp tiêu biểu của lớp người trí thức trẻ đang vật vã sống, quyết liệt sống với tất cả sức vóc, tâm huyết, tri thức và cả những…bạt mạng. Khoa không ngần ngại phơi lên mặt giấy toàn bộ đời sống của mình. Khoa tự bạch, tự tình. Khoa đối thoại: Tôi đang sống cùng thế hệ của tôi, và là như thế đấy! Nỗi khốn khổ mưu sinh không quật ngã được họ. Những đổ vỡ của đời sống này không bào mòn được họ. Ngay cả những thất bại thuộc đời sống riêng tư cũng không làm họ chùn bước. Họ sống tích cực. Họ hướng về ánh sáng, tiếng hát, tình yêu, tuổi trẻ. Và mang theo cả nỗi hoang mang. Trong rất nhiều lựa chọn của lớp người này, Lương Đình Khoa chọn con đường chữ. Chữ nghĩa đối với anh như một niềm hoan lạc, nhiều khi như một cứu cánh. Qua con chữ để bấu vào đời sống, để được sống, được quyền hy vọng…”
Cư dân mạng biết nhiều đến Lương Đình Khoa với vai trò là một blogger khi các Mạng xã hội bùng nổ; cùng những bài thơ được chuyển sang dạng video, lồng ảnh và nhạc hài hòa với lời thơ, tình thơ, dễ đồng cảm, chia sẻ trên Youtobe - cùng các blog radio anh tự thu về những chủ đề gần gũi xoay quanh đời sống tình cảm giới trẻ.
“Về nhà đi” là tập thơ và tản văn do Người Trẻ Việt phối hợp với NXB Văn học thực hiện, ấn hành tháng 9/2016 là một tập sách ghi dấu mốc về quan điểm sống, góc nhìn sau tuổi 30 của Lương Đình Khoa.
Bình luận