Theo Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng của Careerlink, một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực hỗ trợ tìm kiếm nhân sự và việc làm tại Việt Nam thì sự trì hoãn ngăn cản bạn đạt được mục tiêu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp và cuộc sống của bạn. Để khắc phục được tính xấu này, bạn cần có quyết tâm cao độ để từ bỏ 3 thói quen sau đây.
Tham khảo thông tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink.
Đắn đo, thiếu quyết đoán
Một trong những lý do khiến bạn trì hoãn công việc chính là sự đắn đo và thiếu dứt khoát khi cần quyết định một việc gì đó. Hãy nghĩ lại xem có bao nhiêu lần bạn đã từng ngồi nhìn khối lượng công việc và suy nghĩ xem nên làm gì trước? Bạn cứ đắn đo việc này cần gấp hơn, việc kia có thể giải quyết nhanh hơn hoặc việc kia nữa đang bị cấp trên hối thúc. Thay vì bắt tay vào làm thì bạn cứ ngồi suy tính mà rốt cuộc cũng chẳng có việc nào hoàn thành được.
Bạn nên từ bỏ thói quen đắn đo quá nhiều trước mỗi quyết định để công việc không bị trì hoãn vì một lý do không mấy liên quan. Khi nhận công việc, hãy sắp xếp nhanh xem mình cần làm gì trước. Đừng quên là chỉ suy nghĩ không thôi thì công việc không thể hoàn thành mà phải bắt tay vào hành động mới giúp công việc tiến triển, không bị trì trệ.
Xao nhãng, thiếu tự chủ
Sự xao nhãng sẽ “nhốt” bạn vào vào vòng xoáy của sự trì hoãn. Bởi nếu bạn cứ liên tục bị “quấy rối” bởi những cú điện thoại gọi đến, vào những email mới, tin nhắn trên mạng xã hội thì phần lớn thời gian của bạn sẽ trôi qua một cách vô ích, còn công việc lại chẳng đâu vào đâu.
Không phải chỉ bạn mà ngay cả nhà văn nổi tiếng Victor Hugo cũng từng mắc phải tính trì hoãn này. Khi đó, ông đã thỏa thuận viết một quyển sách mới với nhà xuất bản nhưng sau đó ông lại dành một khoảng thời gian dài cho việc ra ngoài gặp gỡ hoặc tiếp đãi khách thay vì tập trung sáng tác. Sau nhiều lần bị hối thúc, ông đã lên kế hoạch đánh bại sự trì hoãn bằng cách thu gom tất cả quần áo bỏ vào tủ khóa lại. Khi không có trang phục phù hợp, ông không còn bị cám dỗ bởi việc đi ra ngoài nữa, và lựa chọn duy nhất của ông là ở nhà và viết sách.
Vì vậy, khi có việc cần giải quyết, đừng để bản thân có cơ hội xao lãng bằng cách “vứt bỏ” hết những gì làm bạn mất tập trung như đặt điện thoại vào chế độ im lặng, thoát khỏi mạng xã hội và chỉ kiểm tra email sau khi đã hoàn tất công việc... Khi đã có sự tập trung, bạn sẽ thấy năng suất làm việc được cải thiện như thế nào!
Tự ti, sợ thất bại
Bạn đang tự hỏi tự ti có liên quan gì đến việc thói quen trì hoãn công việc? Hãy suy nghĩ xem bạn có từng ngại ngần trình bày kế hoạch vì sợ sếp bác bỏ không; hoặc bạn chần chừ không thực hiện công việc nào đó vì lo người khác sẽ nhận ra điểm thiếu sót đánh giá thấp năng lực của bạn?
Cho dù bạn trì hoãn công việc vì một nỗi sợ nào đó như sợ sai, sợ bị chỉ trích, sợ phải làm lại… nhưng rốt cuộc thì bạn vẫn phải làm và vẫn phải đưa kết quả cho mọi người xem xét hoặc thực hiện tiếp. Trì hoãn không giúp bạn làm việc tốt hơn, không giúp người khác ngừng “soi” bạn. Vì thế, hãy tự tin thực hiện công việc của mình và ghi nhận ý kiến của mọi người để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Thật không dễ dàng để thay đổi thói quen và chuyển từ người hay trì hoãn thành “công dân hạng nhất” trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu chịu khó rèn luyện bạn có thể nhận thấy nhiều điều mới lạ và những biến chuyển tích cực trong công việc cũng như cuộc sống của mình.
Bình luận