• Zalo

'Thay đổi hình thức công nhận giáo viên dạy giỏi là cần thiết'

Giáo dụcChủ Nhật, 28/04/2019 08:22:00 +07:00Google News

TS. Hoàng Trung Học khẳng định sự thay đổi trong hình thức thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết gắn liền với những đổi mới trong cách tiếp cận giáo dục hiện đại.

Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thay đổi hình thức công nhận giáo viên dạy giỏi là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy - học và phù hợp với thực tiễn hơn.

Xoay quanh nội dung này, Báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

- Bộ GD&ĐT chủ trương đổi từ hình thức thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sang xét công nhận. Bộ đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung này. Tiến sĩ có bình luận gì về chủ trương này?

- Trước hết, cần khẳng định, dù ở thời kỳ nào thì hình thức tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của các nhà giáo và phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy - học là rất cần thiết.

Các hoạt động này một mặt đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của nhà giáo, đồng thời tạo động lực, thúc đẩy các hoạt động thi đua lành mạnh trong tập thể sư phạm. Qua đó, thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt trong các nhà trường.

Trước đây, để tôn vinh giáo viên dạy giỏi, các trường thường tổ chức nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp khác nhau. Điều này là phù hợp với phương pháp dạy học truyền thống, nặng về kiến thức và đánh giá bằng điểm số. Hình thức thi giáo viên dạy giỏi về bản chất là đánh giá chất lượng hoạt động giảng dạy của giáo viên – những người đang hoạt động trong hệ thống giáo dục.

Hình thức này có sự tương thích với hình thức, triết lý dạy học theo cách tiếp cận nội dung cũng là điều dễ hiểu. Xét theo khía cạnh này, hình thức thi giáo viên dạy giỏi có những ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, giá trị của hình thức này đã kết thúc với cách tiếp cận mới trong giáo dục.

xet-giao-vien-day-gioi-1 3

TS Hoàng Trung Học về các trường phổ thông để khảo sát dạy - học. (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phương pháp giáo dục thay đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực nên hình thức thi giáo viên dạy giỏi bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài những bất cập như: Tình trạng “diễn” trong hội giảng, nặng về thành tích, gây căng thẳng cho những người đứng lớp, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ở một bộ phận nhà giáo, thì những bất cập đã và sẽ xuất hiện gắn liền với cách tiếp cận hình thành năng lực trong dạy học như sau:

Thứ nhất, gây căng thẳng trong hoạt động sự phạm, làm cho giáo viên chạy theo thành tích, không giải phóng về mặt cảm xúc để sáng tạo trong dạy học;

Thứ hai là không phản ánh đúng hoạt động dạy học thường nhật vì không thể lấy một tiết học nặng về trình diễn để đánh giá quá trình hoạt động, cống hiến của nhà giáo;

Thứ ba, một tiết hội giảng không phản ánh đúng và đủ hết tiến trình lên lớp của người thầy. Vì trong phương pháp dạy học hiện đại thường nhấn mạnh đến tiến trình hình thành các phẩm chất, năng lực cho người học thông qua một chuỗi các hoạt động dạy học, giáo dục khác nhau.

Chính vì vậy, sự thay đổi trong hình thức thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết gắn liền với những đổi mới trong cách tiếp cận giáo dục hiện đại.

giao-vien-day-gioi-2-1200433 5

  Một tiết học của hội thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh: giaoduc.net)

- Việc xét công nhận giáo viên dạy giỏi sẽ dựa theo các tiêu chí cụ thể, với các minh chứng rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn về chủ trương này. Còn Tiến sĩ thì sao?

- Theo tôi, việc xét giáo viên giỏi về bản chất là nhấn mạnh đến quá trình cống hiến của nhà giáo, đương nhiên sẽ phản ánh đúng hơn những cống hiến và năng lực của họ so với việc chỉ dựa vào một giờ lên lớp mang nặng tính trình diễn.

Cách tiếp cận này cũng là sự thay đổi bản chất, tất yếu trong cách đánh giá nhà giáo từ việc coi trọng những đợt sát hạch mang tính kỳ cuộc (lát cắt ngang) sang cách đánh giá quá trình, lấy những hoạt động sư phạm thường nhật làm trọng (bổ dọc theo quá trình). Vì vậy, đây là định hướng đúng.

 Tuy nhiên, để khách quan hóa quá trình này, làm cho vinh danh nhà giáo trở thành động lực cống hiến trong công việc thì cần thiết có bộ tiêu chí làm căn cứ đánh giá và có ý nghĩa quyết định.

- Vậy Tiến sĩ có góp ý hay đề xuất gì trong quá trình xây bộ tiêu chí đánh giá, xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi?

- Tôi cho rằng, việc xét giáo viên dạy giỏi chỉ diễn ra khách quan, minh bạch khi bộ tiêu chí làm căn cứ đánh giá được xây dựng thực sự khoa học. Theo đó, yêu cầu quan trọng hàng đầu của bộ tiêu chí là phải cụ thể, rõ ràng, có thể đo đếm được và bao phủ được toàn bộ các hoạt động sư phạm của nhà giáo trong nhà trường.

Để làm được việc này, bộ tiêu chí cần hướng đến những đánh giá không chỉ của hội đồng xét duyệt, mà cần đặc biệt chú ý đến những đánh giá của đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và những kết quả có thể đo đếm được ở bản thân mỗi học sinh thông qua các giờ học.

Bộ tiêu chí cũng cần đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố cảm xúc của người học trong các giờ học và những đóng góp của giáo viên không chỉ đối với việc phát triển học sinh giỏi mà còn ở thành tích nâng đỡ những học sinh yếu, kém. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí cũng cần chú ý đến năng lực giáo dục của các nhà giáo đồng đẳng với năng lực dạy học. Tất cả những tiêu chí này cần được thể hiện bằng kết quả đo trên một khoảng thời gian đủ dài nhất định.

Về bản chất, việc thay đổi cách tiếp cận trong xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi theo hướng đa dạng hóa đối tượng tham gia đánh giá, tiêu chí, năng lực đánh giá, chú trọng đến tính quá trình trong hoạt động sự phạm là sự thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực nhà giáo, tương thích với những thay đổi trong cách tiếp cận năng lực dạy học.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

(Nguồn: giaoducthoidai.vn)
Bình luận
vtcnews.vn