(VTC News)- "Bao giờ dám cách chức, buộc thôi việc đối với chủ tịch hội đồng coi thi và giám đốc sở nơi vi phạm,.. thì khi ấy may ra mới có hy vọng vào 1 kỳ thi sạch" -Thầy Đỗ Việt Khoa chia sẻ.
Năm 2006, lần đầu tiên dư luận tiếp cận với "khái niệm" gian lận thi cử khi giám thị Đỗ Việt Khoa phanh phui hàng loạt sai phạm tại hội đồng thi Phú Xuyên A (tỉnh Hà Tây cũ).Tiếp tục đến năm 2012, gian lận thi cử tại Đồi Ngô (Bắc Giang) lại tiếp tục được phanh phui nhờ việc ông cung cấp thông tin cho báo chí. Lần này, cuộc sống của gia đình thầy có bị “đảo lộn” như lần trước nữa không?
Thầy Đỗ Việt Khoa |
Sự việc gian lận ở Đồi Ngô đến bây giờ cũng đã lắng xuống, lúc này cảm xúc của ông như thế nào?
Vụ Đồi Ngô đã làm tôi buồn thêm. Nó đã giúp tôi hiểu rõ hơn những lực cản của ngành giáo dục. Lãnh đạo làm sai không bị xử nghiêm mà những giáo viên thừa hành thì chịu tội thay họ. Ở đó, sự gian dối, đối phó vẫn là tư duy chủ đạo.
Sau sự kiện gian lận ở Đồi Ngô, Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục có động thái muốn làm trong sạch nền giáo dục khi cho phép học sinh mang các thiết bị ghi hình vào phòng thi nhằm tố cáo tiêu cực. Ông đánh giá như thế nào về việc làm này?
Đó là 1 trong những việc Bộ nên làm từ lâu mặc dù bị không ít lãnh đạo cơ sở phản đối.
Tuy nhiên chỉ 1 việc này thôi không đủ. Nhiệm vụ của thí sinh là đi thi. Có rất ít thí sinh và giáo viên dám quay clip phản ánh tiêu cực bởi vì sau đó chắc chắn họ sẽ bị hại trong khi Bộ không bao giờ bảo vệ được họ, chưa kể Bộ không hề có 1 lời động viên họ - như ở Đồi Ngô. Cứ nhìn vào các tấm gương đấu tranh bị trù dập là đủ để làm nhụt ý muốn quay clip của mọi thầy trò.
|
Nếu không có biện pháp mạnh tay, với được tới họ thì đừng mong có kỳ thi sạch. Bao giờ dám cách chức, buộc thôi việc đối với chủ tịch hội đồng coi thi và giám đốc sở nơi vi phạm,.. thì khi ấy may ra mới có hy vọng vào 1 kỳ thi sạch.
Trước năm 2006 và sau năm 2006 việc đón Tết của gia đình ông có gì thay đổi?
Từ sau 2006, tôi là đối tượng mà lãnh đạo sở đã tránh như tránh hủi, nhưng lại được nhiều thầy cô trên cả nước tìm đến chia sẻ mối quan tâm.
Mặc dù người ta tung tin bôi nhọ rằng thầy Khoa thần kinh không bình thường, luôn kè kè máy quay máy ghi âm…, nhưng nó chỉ có tác dụng hù dọa với 1 số người. Mình luôn hết lòng vì học trò thì không lo học trò hiểu sai về mình.
Việc phanh phui gian lận thi cử động trời tại hội đồng trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang có công sức của thầy Đỗ Việt Khoa |
Dân gian ta vẫn có câu, Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ, Mùng 3 Tết Thầy. Tuy nhiên trong những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, tình cảm thầy trò đã không còn được trong sáng như xưa mà mang tính thực dụng và vụ lợi hơn. Ông nghĩ gì về điều này?
Cũng đúng thôi. Nhất là ở đô thị và những vùng có điều kiện kinh tế. Cứ đến 20-11 hoặc tết âm lịch là học sinh, phụ huynh phải quà cáp phong bì…một các rất gượng ép, gây tiếng xấu cho ngành.
Nhưng còn nhiều nơi, nhiều thầy cô hoàn toàn trong sáng. Tôi vừa đi trao quà trên Điện Biên về thì thấy thầy cô còn phải trích tiền nuôi trẻ, động viên trẻ, mong sao các em đừng bỏ học.
Đối với ông, Ngày Tết cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa như thế nào?
Vừa qua tôi thấy có người muốn đón tết ta theo lịch dương. Thế thì còn gì là truyền thống dân tộc nữa.
Tết đến, chúng tôi cũng cố gắng trong phạm vi của mình sắm 1 cái tết chu đáo. Mua sắm đồ cúng lễ tới nhà chú bác thờ cúng ông bà nội ngoại, tặng nhau cái bánh chưng, cân gạo, cành đào...(quê tôi trồng đào nhiều nhất cả nước đấy). Nói chung là hết sức giản dị, cũng vì nhà giáo thì ít tiền mà.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Thịnh (thực hiện)
Bình luận