• Zalo

Thầy cô gùi lương thực, men đường rừng, vực sâu hun hút đến trường sau lũ quét

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 09/10/2022 13:56:00 +07:00Google News

Tuyến đường vào trường bị sạt lở, các giáo viên trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tây Sơn (Nghệ An) phải gùi lương thực trên vai, cắt rừng hơn 6 tiếng đồng hồ.

Từ sáng sớm, các thầy cô giáo trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú (PTCS DTBT) Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) người đùm gạo, người nắm cá khô, chai nước,… bắt đầu hành trình đến trường sau cơn lũ dữ. Đoạn đi được, các giáo viên phải nhờ bạn bè, người thân "tăng bo" bằng xe máy. Có nhiều đoạn bị lũ đánh tan hoang chẳng còn rõ đường. Đến cuối bản Sơn Hà, đường bị "cắt đôi", để lại một vực sâu hun hút, cả đoàn nắm tay nhau băng rừng, lội suối và đi bộ gần 6 giờ mới vào được đến trường.

Quãng đường từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn dài khoảng 12km. Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp trong trận lũ quét kinh hoàng hôm 2/10, song tuyến đường vào xã bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt khiến việc đến trường của các thầy cô gặp muôn vàn khó khăn.

Cô Lã Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng trường PTCS DTBT Tây Sơn cho biết, lũ quét đã làm con đường từ bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ đi vào xã Tây Sơn bị cắt đứt không thể đi lại. Hơn 8km với nhiều đoạn mất sạch đường bởi lũ cuốn phăng, chỉ còn những vực sâu hun hút khiến quãng đường đến trường của giáo viên thêm gian nan.

Thầy cô gùi lương thực, men đường rừng, vực sâu hun hút đến trường sau lũ quét - 1

Các giáo viên phải đi ngay dưới con suối vừa mới bị lũ tàn phá.

“Trong chuyến đi này, nhiều giáo viên còn phải mang theo gạo, mắm muối, mì gói,... Vào đến trường thì nơi đây vẫn đang mất điện. Bà con trong xã cũng gần một tuần bị cô lập, thiếu lương thực. Đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi người đùm gạo, nắm cá khô, chai nước rồng rắn lội suối, trèo đèo để vào trường”, cô Huyền nói.

Trường PTCS DTBT Tây Sơn có 366 học sinh, trong đó 120 em ăn ở bán trú. Nguồn lương thực cạn kiệt, khó duy trì cho việc dạy và học trong những ngày tới. Do đó, trường kiến nghị huyện hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết để cô và trò yên tâm dạy và học.

“Không ngờ ở trời Tây (ý nói xã Tây Sơn) mà có lúc sợ đói, sợ thiếu lương thực thực phẩm, sợ mưa, sợ một hôm nào đó bất ngờ trời buồn trời đổ cơn mưa thì những đoạn đường tạm kia trôi luôn. Với hơn 8km đường trong đó nhiều đoạn mất sạch đường, chỉ còn những vực sâu hun hút, để sửa chữa và làm mới lại con đường cần một thời gian rất dài”, cô Huyền tâm sự.

Thầy cô gùi lương thực, men đường rừng, vực sâu hun hút đến trường sau lũ quét - 2

Nắm tay nhau vượt qua đoạn đường sạt lở.

Nhớ lại trận lũ quét lịch sử, cô La Thị Vân (trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) vẫn không tin mình đã mất tất cả. Ngôi nhà cấp 4 mới xây xong 3 tháng giờ chỉ còn 2 bức tường xiêu vẹo. Lũ đã cuốn phăng mọi đồ đạc, tài sản của gia đình 3 mẹ con cô giáo đơn thân.

“Lũ ập về lúc rạng sáng 2/10 rất nhanh nên không kịp lấy thứ gì. Khi 3 mẹ con chạy lũ về thì ngôi nhà chỉ còn hai bức tường vỡ toác. Toàn bộ tài sản bị cuốn trôi, thay vào đó là gốc cây, rác thải và đất đá”, cô nhớ lại.

Cô Vân là giáo viên trường mầm non Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Cách đây 6 năm, chồng cô đột ngột ra đi sau cơn đau. Chồng mất, cô một mình nuôi hai con nhỏ. Trường cách nhà 30km, ngày ngày cô vẫn sáng đi dạy, tối về chăm con. Sau thời gian gom góp, cô đánh liều vay mượn thêm bà con, đồng nghiệp làm được ngôi nhà cấp 4. Vậy mà cơn lũ đã cuốn trôi tất cả. “Giờ tôi không biết lấy gì để mà bắt đầu lại nữa”, cô Vân khóc.

Thầy cô gùi lương thực, men đường rừng, vực sâu hun hút đến trường sau lũ quét - 3

Ngôi nhà của cô Vân bị lũ đánh tan hoang chỉ còn lại cỏ cây, đất đá.

Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đợt mưa lũ kéo dài thời gian qua ở huyện Kỳ Sơn đã khiến nhiều trường học bị hư hỏng nặng, nhiều giáo viên lâm vào cảnh trắng tay. Hiện có 79 giáo viên công tác trên địa bàn bị lũ cuốn, sạt lở đất làm hư hỏng nhà cửa, tài sản. Trong đó có 14 nhà của giáo viên, chủ yếu ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn trong trận lũ quét.

Ngoài ra còn có 10 nhà bị ngập sâu, cuốn trôi đồ đạc, hư hỏng nặng. Chính quyền địa phương, các trường học và giáo viên đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để đưa công tác dạy và học sớm trở lại bình thường”.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn