BSCK II Nguyễn Thị Minh Phương – Chủ nhiệm khoa Phụ sản (B11), Bệnh viện 354 cho biết, các bác sĩ tại đỡ đẻ thành công cho một sản phụ sinh con nặng 3.2 kg, ở tuổi 51. Được biết, sản phụ đã có 2 cháu nội một cháu 11 tuổi và một cháu 7 tuổi.
Theo lời sản phụ chia sẻ, do đang ở tuổi tiền mãn kinh nên chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Khi vài tháng không có kinh, cộng thêm việc thấy có gì đó “đạp đạp” trong bụng nên đi khám và phát hiện đã mang thai 22 tuần.
Lúc biết mình mang thai sản phụ rất ngỡ ngàng, được sự động viên của các bác sĩ nên gia đình yên tâm hơn và quyết định theo dõi thai kỳ theo hướng dẫn và chỉ định.
Bác sĩ Phương cho biết, các bác sĩ đã phải theo dõi sát sao các chỉ số của cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng cũng như các dị tật thai nhi. May mắn mọi thứ đều ổn định và sản phụ sinh con đúng theo dự kiến.
Sản phụ có chỉ định mổ đẻ vì đã cao tuổi nhưng gia đình mong muốn sinh thường, vì thế bác sĩ theo dõi sát từ khi có cơn chuyển dạ cho đến khi em bé chào đời.
“Quá trình theo dõi đó chúng tôi chuẩn bị sẵn phương án mổ đẻ nếu cần thiết”, bác sĩ Phương nói.
Trường hợp 51 tuổi sinh con cũng là sản phụ cao tuổi nhất sinh tại khoa, trước đó kỷ lục cao tuổi thuộc về một sản phụ sinh con ở tuổi 47.
Qua trường hợp của sản phụ trên bác sĩ Phương đặc biệt khuyến cáo các phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, bởi giai đoạn này tuy chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng hoàn toàn có khả năng thụ thai. Do vậy, khi thấy không có kinh nguyệt, cần phải thử thai hoặc đi khám sản phụ khoa. Ngoài ra, cần phải thực hiện những biện pháp tránh thai hợp lý.
Bác sĩ Phương lưu ý thêm, phụ nữ mang thai và sinh đẻ ở độ tuổi cao sẽ rất nguy hiểm. Với thai nhi nguy cơ xảy ra dị tật cao hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Ngoài ra, còn đối mặt với các bệnh lý như: đái tháo đường, thậm chí thai lưu. Quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là việc xương đã bị lão hoá, khung xương chậu không còn sự “đóng mở” khi thời còn trẻ nên gây khó khăn cho cuộc sinh.
Bình luận