Đêm qua, tàu của Việt Nam đã tiếp cận khu vực được trực thăng báo nhìn thấy miếng composit và thanh bằng ngang được cho là của máy bay lâm nạn, tuy nhiên thuỷ thủ đoàn chưa tìm thấy vật gì tương tự. Cũng trong đêm qua, kênh CNN của Mỹ nhận định vật được chụp ảnh không phải các mảnh vỡ từ máy bay.
Như vậy, một lần nữa hy vọng vừa loé lên lại bị dập tắt.
Thân nhân của hành khách Trung Quốc trên chuyến bay mất tích
Mở rộng phạm vi tìm kiếm
Sáng nay (10/3), Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 23h00 ngày 09/3, Việt Nam đã sử dụng 07 máy bay (03 AN 26, 02 Mi 171, 01 DHC6, 01 CASA 212), bay 16 lần chuyến; điều 08 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) tham gia tìm kiếm tại hiện trường máy bay.
Trong sáng hôm nay, các lực lượng tăng cường sẽ rà soát kỹ hơn nữa vùng biển được khoanh vùng. Các tàu biển được điều động sẽ cố gắng tìm kiếm và vớt được các vật trôi nổi trên biển tối qua đã được trực thăng quân đội chụp ảnh.
Lúc 6h30, thủy phi cơ CHD6 của Việt Nam đã cất cánh từ Phú Quốc hướng về vị trí phát hiện vật thể nghi là của máy bay Malaysia mất tích. Đây cũng chính là chiếc thủy phi cơ đã phát hiện ra hai vật thể vào chiều tối qua (9/3). Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do trời tối, tầm nhìn hạn chế nên máy bay không dám hạ cánh để thu lượm.
Chấm trắng được cho là mảnh composit văng ra từ tàu bay mất tích
6h sáng nay, 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã bay chuyến bay sớm nhất từ Hà Nội vào Phú Quốc để lập sở chỉ huy trực tiếp cuộc tìm kiếm ngay tại hòn đảo này.
4h30 phút, nhiều phóng viên đã có mặt tại sân bay Nội Bài để mua vé đi Phú Quốc chuyến sớm nhất và sẽ có mặt tác nghiệp tại điểm chỉ huy mới được lập tại Phú Quốc trong những ngày tới. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho hoạt động của sở chỉ huy tại đây.
Tuy nhiên, đến 5h30, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 khẳng định chưa tìm được vật gì trên biển. Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 cho biết, 2 tàu của Trung tâm đã tới khu vực được cảnh báo và nỗ lực tìm kiếm suốt đêm nhưng đến thời điểm này cũng chưa phát hiện được gì nghi vấn. Thông tin từ các tàu khác báo về cũng vậy. Hiện các tàu vẫn chia nhau các khu vực tiếp tục tìm kiếm.
Sơ đồ tìm kiếm tàu bay mất tích. Nguồn: VNN
Việt Nam đã đưa thêm tàu HQ 888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều) về Cam Ranh bổ sung nhiên liệu và đón 01 đội thợ lặn đi thực hiện nhiệm vụ. Lúc 19h30 tàu đã về đến Cam Ranh. Ngoài ra, Việt Nam bố trí 2 máy bay AN26, 1 trực thăng, 1 thủy phi cơ tham gia trực tiếp tìm kiếm; đồng thời bố trí 1 máy bay Mi171 và 1 Supre dự phòng.
Các nhà chức trách Malaysia cũng vừa xác nhận rằng vật thể lạ nổi cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 100km không phải của chiếc Boeing 777-200 bị mất tích.
Trước đó, Lầu Năm Góc cũng đã phủ nhận có một vụ nổ trên biển Đông. Tờ New York Times của Mỹ dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói rằng "một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới" không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang điều tra những mối quan ngại về khủng bố.
CNN sau đó cũng đưa tin từ nhiều nguồn khẳng định vật được trực thăng chụp ảnh rên biển không liên quan đến vụ nổ.
Nỗ lực nhận diện thủ phạm
Theo tờ New Straits Times, một phi công Boeing 777 cất cánh trước cho biết, đã liên lạc được với chiếc máy bay mất tích sau khi có yêu cầu từ trạm kiểm soát không lưu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu mà phi công này nhận được bị nhiễu sóng.
Trong số những hành khách có mặt trên máy bay, hành khách Trung Quốc nhiều nhất: 153; Malaysia: 38; Indonesia: 7; Australia: 6; Ấn Độ: 5; Pháp: 4; Mỹ: 3; New Zealand: 2; Ukraine: 2; Canada: 2; Nga: 1; Italia: 1; Đài Loan: 1; Hà Lan: 1; Áo: 1; Phi hành đoàn: 12.
Sau khi MAS công bố danh sách hành khách đi chuyến bay MH370, Áo và Italia thông báo lại có 2 công dân nước họ đang an toàn ở nhà và không hề có mặt trên chuyến bay. Hai người này bị mất hộ chiếu tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia - Hishammuddin Hussein cho biết, đã huy động cơ quan tình báo Malaysia và cung cấp thông tin với tất cả các cơ quan chống khủng bố tại các nước liên quan. Giới điều tra đã phát hiện ra 4 trường hợp đáng khả nghi. Trong số đó có, hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp nói trên. 2 tấm hộ chiếu này được dùng để mua vé chuyến bay từ China Southern Airlines - hãng khai thác cùng đường bay với Malaysia Airlines.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào, người sử dụng hai hộ chiếu đó đã xin được giấy nhập cảnh vào Trung Quốc. Đây là một thủ tục bắt buộc và xin visa vào Trung Quốc không phải là chuyện dễ, theo CNN.
Trong khi đó, Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia hàng không cho rằng, đã có sự cố xảy ra đột ngột và nhanh đến mức các phi công đã không có thời gian phát ra tín hiệu khẩn cấp. Một cựu kỹ sư Boeing - ông Todd Curtis hiện đang làm Giám đốc cho Quỹ An toàn hàng không (Airsafe.com) cho biết: Các sự cố máy bay thường xảy ra lúc cất/ hạ cánh. Khi máy bay đã ổn định trên không thì xác suất sự cố rất nhỏ - chỉ 9%.
Người dân Malaysia cầu nguyện cho những hành khách trên chuyến bay mất tích
Tại Việt Nam, trong một cuộc họp triển khai công tác tìm kiếm tàu bay mất tích của ngành hàng không, ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines (VNA), cơ trưởng Boeing 777 - cho rằng máy bay Boeing 777 được thiết kế để hoạt động được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Có thể loại trừ máy bay mất tích do thời tiết vì khi máy bay rơi, thời tiết hoàn toàn tốt.
Theo ông Tuấn, dù có xảy ra sự cố gì, phi công vẫn có khoảng hơn 4 phút để báo cứu nạn. Còn nếu máy bay chết 2 động cơ một lúc thì vẫn có khoảng 20 phút để lướt thêm 200 dặm. Loại trừ các giả thiết, ông Tuấn nhận định máy bay cùng lúc mất liên lạc và mất tín hiệu trên rada mà không có bất cứ thông tin cảnh báo là rất khó hiểu.
Chuyến bay MH370 cất cánh từ sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) đi Bắc Kinh (Trung Quốc) vào lúc 0h21 ngày 8/3 (16h21 giờ quốc tế). MH370 đã mất liên lạc trước khi vào vùng FIR (vùng thông báo bay) của TP.HCM (Việt Nam) vào 1h21. Đáng ra, chuyến bay phải đáp xuống sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6h30 cùng ngày.
Bình luận