Do đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp nên khi vừa mới “xin ở nhà”, Nguyễn Hoàng (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đã đều đặn lĩnh gần 1 triệu tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
Nhà trọ thuê cùng đứa em còn đang đi học, cơm bụi ăn ở đầu ngõ, cuộc sống của Hoàng vẫn cứ thong thả như hồi sinh viên.
Thất nghiệp, đi cài Win dạo kiếm sống. Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Anh bảo: “Đi làm chỗ công ty phần mềm kia, lương thì cao thật đấy, tháng được cả chục triệu nhưng có biết tiêu vào gì đâu. Gần ba năm đi làm, hôm nào tôi cũng sáng 7 giờ xách cặp ra khỏi nhà, tối gần 10 giờ mới lọ mọ về. Áp lực công việc lúc nào cũng căng như dây đàn. Lúc nào tôi cũng chỉ biết đến code và máy tính, chẳng giao du bạn bè gì cả”.
"Thất nghiệp giờ cũng là dịp để thử sức với cuộc sống và nhìn lại mình cho rõ hơn" - Hoàng nói.
Hoàng cũng là một tay code khá cứng của công ty, nên bất chấp thời buổi kinh tế khó khăn có khá nhiều bạn bè bị cho thôi việc, anh vẫn trụ lại được.
Nhưng anh phải gánh thêm phần việc mà những người nghỉ chất lên. Trong khi đồng lương cũ lại chẳng được nhích lên thêm tẹo nào. Lâu dần sinh ra ức chế và đến lúc không chịu nổi nữa thì anh xin nghỉ.
“Chỗ cũ tôi làm cũng không tệ, nhưng mà môi trường ở đó không thật sự tốt. Cơ hội thăng tiến không nhiều. Tôi cũng định làm ở đó vài năm lấy kinh nghiệm, sau đó xin sang chỗ khác tốt hơn”, Hoàng chia sẻ.
Những lúc buồn chân buồn tay hoặc ngứa nghề quá, Hoàng xoay sang nghề mới của anh là đi “cài Win dạo”. Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, anh giải thích “cài Wins dạo” nghĩa là đến nhà khách hàng xem máy móc người ta hỏng hóc như nào rồi sửa lại. Đỡ mất công họ mang tới trung tâm bảo hành mà còn được sửa luôn.
Hoàng cũng bật mí thêm là những khách hàng này ban đầu là do bạn bè giới thiệu. Sau làm dần dần cứ người nọ truyền tai người kia, thế là giờ anh đã có cả một hệ thống khách hàng. Lúc nhàn thì nhàn thật, nhưng cũng có lúc làm không hết việc.
“Nghỉ việc ở nhà lúc đầu cũng thấy buồn buồn, nhưng riết rồi thấy cũng hay hay. Đi kiếm tiền kiểu này như đi chơi, tranh thủ ngắm phố phường và sống chậm lại một tí. Đến khi nào chán thì quay trở lại làm ‘thợ code’ vẫn chưa muộn mà”, Hoàng thổ lộ.
Lê Viết Trung (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) lập gia đình từ khá sớm. Rời ghế nhà trường tháng 6 thì đến tháng 8, anh đã cho bạn bè ăn kẹo mừng. 26 tuổi, Trung đã bố trẻ của hai nhóc tì.
Hoặc quay nước mía phụ vợ. Ảnh minh họa
Sớm bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng từ sớm nên ngay khi ra trường, Trung đã phải lao bơi đi làm một lúc hai, ba công ty mới đủ tiền về nhà mua sữa cho con. Cộng thêm hàng nước mía nhỏ của vợ anh mở trước cửa, tạm đủ để gia đình anh chi tiêu hàng tháng.
Mọi việc chỉ trở nên xấu đi khi công ty máy tính mà Trung đang làm tính chuyện giảm biên chế. Theo đó, chỉ những vị trí chủ chốt từ trưởng phòng trở lên mới được giữ lại, thậm chí còn tăng lương. Những kỹ sư mới vào nghề như Trung thì bị cắt giảm lương để đảm bảo quỹ lương của cả công ty không đổi.
Với châm ngôn “Không cần giữ lại những người không muốn ở lại”, công ty máy tính của Trung đã cho nghỉ việc khá nhiều, trong đó có Trung. Anh không thể chấp nhận được việc tấm bằng Đại học Bách khoa của mình bị đối xử tệ bạc như vậy. Thêm vào đó, vợ anh ở nhà một mình rất khó xoay xở với hàng nước mía và hai nhóc tì nên anh chấp nhận về nhà phụ vợ một thời gian.
“Ở nhà ăn cơm với vợ, đỡ tốn tiền xăng xe, tiền cơm trưa và thỉnh thoảng bù khú với bạn bè”, Trung nháy mắt tinh nghịch khi phóng viên VTC News hỏi về gia cảnh. Tuy vậy giọng anh vẫn đượm buồn khi nghĩ về hai đứa trẻ: “Mình người lớn thì thế nào cũng được. Nhưng mà đứa trẻ con nó không vậy được. Ngày vẫn phải đủ ba bữa để còn sức mà lớn nữa chứ”.
Vì thế ngoài phụ vợ bán nước mía, Trung còn chạy thêm xe ôm mỗi khi có khách gọi. “Vì còn phụ vợ nên mình không dám nhận chuyến nào đi xa. Chỉ chạy vòng vòng quanh Thanh Xuân này thôi. Mỗi ngày cố kiếm thêm lấy vài chục, một trăm đưa thêm cho vợ”.
Quà sáng từ lâu đã được Trung cho vào sách đỏ. Cơm trưa và cơm tối Trung cũng ăn uống thất thường, có hôm gần 11 giờ đêm anh mới ăn. Trung lý giải: “Tại tối mình tranh thủ học thêm ít tiếng Anh, chờ lúc nào có công ty nước ngoài tuyển dụng thì mình nộp hồ sơ. Làm ở đó lương tháng chắc đỡ hơn. Chứ ba cọc ba đồng, trông vào mỗi hàng nước mía như này mãi sao được”.
Kim Đường
Bình luận