Kết hôn đã 5 năm mà chưa có con, khi người chồng trẻ bị ung thư gan giai đoạn cuối, chỉ còn sống được chưa đầy 1 năm, hai vợ chồng đã tìm đến bệnh viện mong dùng cách thụ tinh nhân tạo để lưu lại chứng nhân tình yêu của 2 người. Việc chưa thành thì người chồng mất.
Một cuộc tranh luận nổ ra trong cả giới chuyên môn và dư luận: người vợ có thể tiếp tục dùng tinh trùng đông lạnh của người chồng để sinh con hay không?
Không phải vấn đề kĩ thuật, đây hoàn toàn là vấn đề nhân đạo: nếu giúp hai vợ chồng đạt được tâm nguyện, cũng có nghĩa là tước đi quyền có cha của một đứa trẻ ngay từ khi nó chưa kịp thành hình.
Điều gì quan trọng hơn: quyền có con của hai vợ chồng, hay quyền được sinh ra trong một gia đình bình thường và có một tương lai bảo đảm của thế hệ sau?
Đây chưa phải một vấn đề phổ biến, nhưng đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại, khi mà tỉ lệ bệnh ung thư và chứng hiếm muộn đang trở thành nỗi lo thường trực. Sẽ không phải quá sớm khi bày tỏ quan điểm – cũng tức là suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề như vậy cho chính bạn và người thân!
Mời bạn đọc cùng bày tỏ quan điểm của mình bằng cách gõ vào ô thảo luận ngay dưới bài viết này, hoặc gửi mail về địa chỉ [email protected]
Trân trọng,
Ban Bạn đọc
Ý kiến phản hồi:
Dương Minh Nhựt, [email protected]: Tôi phản đối!
Nếu là anh Dũng, tôi không bao giờ muốn để lại đứa con cho vợ mình. Mặc dù khoa học chưa chứng minh ung thư là bệnh di truyền, nhưng khả năng di truyền là rất có thể. Chẳng lẽ lại muốn người vợ mình yêu thương sẽ khổ và lại thêm một người mang bệnh ung thư không thể chữa khỏi, mà đó chính là đứa con của mình?
Duy Hiền, [email protected]: Tôi ủng hộ!
Chuyện mong muốn có con của cặp vợ chồng là hiển nhiên, được pháp luật công nhận. Kể cả việc lấy tinh của người chồng đã khuất cũng sao đâu. Còn mọi người lo cho đứa trẻ và người mẹ sẽ vất vả thì quá xa rồi. Tôi xin lấy gia đình mình làm ví dụ, mẹ tôi một mình nuôi 4 con nên người trong khi tôi còn rất nhỏ mà bố đã ra đi chiến trường chống Mỹ và hy sinh lúc tôi chưa biết mặt cha. Vậy mà chúng tôi vẫn trưởng thành.
Trương Quang Hải, [email protected]: Tôi ủng hộ
Trong xã hội bây giờ, việc một đứa trẻ sinh ra đã không có cha hoặc mẹ (hoặc không có cả cha và mẹ) cũng không phải là hiếm. Nhưng không phải tất cả những đứa trẻ đó đều bị thiếu thốn tình cảm. Bên cạnh chúng còn có tình yêu thương của người mẹ, của họ hàng hai bên và của toàn xã hội.
Tôi không làm ngành y nên không đưa ra kết luận là có di truyền bệnh viêm gan hay không, nhưng đứng về mặt đạo đức thì tôi hoàn toàn ủng hộ khi người vợ sinh con. Người con đó chính là cầu nối để gia đình nhà chồng và người vợ sẽ trở nên gần gũi, tình cảm, máu thịt hơn khi người chồng qua đời. Đặc biệt đứa con đó rất có ý nghĩa với gia đình nhà chồng. Nếu đứa con đó là con trai thì không chỉ ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn ý nghĩa về mặt dòng tộc gia đình nhà chồng. Còn người vợ có thể sẽ đi lấy chồng khác nhưng việc có con riêng với người chồng cũ cũng không ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của gia đình mới sau này vì người chồng cũ đã mất. Do đó việc người vợ sinh con là một việc rất nên làm.
Còn bạn, bạn nghĩ gì? Bạn ủng hộ hay phản đối việc “sinh con với người đã chết”?
Rõ ràng, trong xã hội hiện đại, vấn đề này không xa vời, mà thiết thực với cuộc sống của nhiều người, và động chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm. Hẳn ngay cạnh chúng ta, cũng có những người bệnh ung thư đã thầm mong ước có được hạnh phúc chờ đứa con chào đời, nhưng chưa có dịp và cũng chưa dám chia sẻ cùng ai.
BBT VTC News vẫn đang đợi những ý kiến, những câu chuyện tâm sự của bạn!
Bình luận