• Zalo

Thanh tra đường bộ sẽ không kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường

Tin nóngThứ Ba, 21/05/2024 11:19:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Để tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa CSGT và thanh tra đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường.

Đây là một nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp sáng 21/5, Kỳ họp thứ 7. 

Báo cáo giải trình thể hiện, đa số đại biểu nhất trí với quy định trong dự thảo. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định lực lượng thanh tra chỉ được kiểm tra khi xe dừng đỗ ở các bến bãi, cần nghiên cứu thẩm quyền dừng xe của thanh tra giao thông.

Theo đại biểu, trên thực tế, xe quá khổ, quá tải trên đường, tàn phá đường, trong khi giao cơ quan thanh tra giao thông kiểm tra hạ tầng nhưng không giao thẩm quyền dừng xe sẽ không thực hiện được nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: "Trường hợp cần thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định đó".

Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của thanh tra đường bộ. Ví dụ được dừng khẩn cấp các phương tiện vận tải có dấu hiệu chở hàng hóa quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích có khả năng làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật quy định theo hướng thanh tra giao thông đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu.

Nhấn mạnh tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng CSGT thực hiện, ông Lê Tấn Tới nhận định, quy định như dự thảo nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT và lực lượng thanh tra giao thông, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật Chính phủ trình.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ lực lượng thanh tra đường bộ không thực hiện thanh tra đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện trong công an và quân đội.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến trên vì nhận thấy việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.

Về đường bộ cao tốc, tuy đường cao tốc là cấp kỹ thuật của đường bộ, nhưng có những yêu cầu riêng về đầu tư, xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì. Do đó, cần xây dựng một chương riêng nhằm cụ thể hóa những nội dung này để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi cho hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc.

Báo cáo giải trình về đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ. 

Bình luận
vtcnews.vn