Chiều 28/9, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương (thời kỳ 2011 - 2019).
Kết luận thanh tra nêu rõ, trong quá trình tổ chức bán đấu giá 4 tài sản công (gồm trụ sở cũ của Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh), Sở Tài chính đề xuất và UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá lần 2 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 1, giá khởi điểm lần 3 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 2.
Theo cơ quan thanh tra, việc này vi phạm Thông tư số 137/2010 của Bộ Tài chính.
Sau đó, tỉnh Bình Dương lại lấy giá khởi điểm lần 3 để đấu giá lần thứ 4, vi phạm quy định quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 kèm theo Thông tư số 28/2015 của Bộ Tài chính có khả năng tính toán giá khởi điểm của tài sản chưa chính xác.
"Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương theo thẩm quyền xem xét hủy kết quả bán đấu giá 4 tài sản công gồm trụ sở cũ của Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh (nếu đủ điều kiện) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước", Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc UBND tỉnh Bình Dương thu hồi trụ sở nhà, đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định.
Cơ quan thanh tra đánh giá, mặc dù UBND tỉnh Bình Dương đã chủ động ban hành Quyết định 970 thu hồi Quyết định 1939 về việc cho thuê 4 trụ sở nhà đất trên, tài sản của nhà nước đã được thu hồi, chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng và trình phương án quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả các cơ sở nhà, đất đã thu hồi.
Tại bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất (giai đoạn 2015 - 2019) do UBND tinh ban hành, Thanh tra Chính phủ nhận thấy có nhiều vị trí, khu vực chưa sát giá thị trường, chưa phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Công tác xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 36/2014 dẫn đến giá đất thể chưa sát giá thị trường.
Cùng đó, cơ quan thuế chưa kịp thời tổ chức xác định lại giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với một số dự án.
"Qua thanh tra 12 dự án theo kế hoạch tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện phương án giá đất cụ thể của 5 dự án tính toán chưa chính xác (xác định tổng doanh thu phát triển giả định ước tính và tổng chi phí phát triển giả định ước tính chưa đúng, như đã nêu ở phần kết quả thanh tra), cần phải tổ chức xác định lại giá đất để thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước", Thanh tra Chính phủ nêu.
Theo cơ quan thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương và các tổ chức được giao quản lý quỹ đất công chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất công được giao quản lý; vẫn còn tình trạng một số thửa đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài sản của Nhà nước; chậm xây dựng phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của UBND các huyện, thị, thành tại Bình Dương lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép với quy mô, tính chất vi phạm là nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài (kể cả sau ngày 10/1/2014 đã có thông báo của UBND tỉnh Bình Dương) nhưng chưa quan tâm đúng mức, không được kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để.
Do thời gian thanh tra của Đoàn Thanh tra ngắn trong khi những vi phạm diễn ra hết sức phức tạp, trên nhiều địa bàn khác nhau tại các huyện, thị và thành phố trực thuộc tỉnh, nên Đoàn Thanh tra không đủ điều kiện trực tiếp thanh tra chuyên sâu nội dung này.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định; thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn toàn tỉnh để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật.
"Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện cho Thanh tra Chính phủ", cơ quan thanh tra kiến nghị.
Về trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ xác định trong giai đoạn 2015-2017, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương không yêu cầu chủ đầu tư của 147 dự án đầu tư thuộc diện phải ký quỹ đảm bảo đầu tư với số tiền 92,5 tỷ đồng, vi phạm Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015 của Chính phủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho từng lô đất nhỏ theo bản vẽ quy hoạch xây dựng chi tiết khi dự án chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, chưa đủ điều kiện tách thửa.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương không kịp thời điều chỉnh đơn giá cho thuê đất đối với một số trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm khi đã hết chu kỳ ổn định 5 năm.
Thanh tra Chính phủ xác định Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành. Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư cùng Cục trưởng Cục Thuế và Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện, chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót đã được nêu trong kết luận thanh tra.
Bình luận