• Zalo

Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý Chủ tịch UBND TP Biên Hòa

Thời sựThứ Hai, 15/06/2015 07:13:00 +07:00Google News

Trên đây là ý kiến của Thanh tra Chính phủ trước những thiếu sót, sai phạm trong việc xây mới chợ Tân Hiệp.

Trên đây là ý kiến của Thanh tra Chính phủ trước những thiếu sót, sai phạm trong việc xây mới chợ Tân Hiệp, bên cạnh đó Giám đốc Sở Xây dựng và các cá nhân liên quan cũng phải bị xem xét trách nhiệm.

Ngày 11/6 Thanh tra Chính phủ đã có “Kết luận kiểm tra việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ tiểu thương liên quan đến việc xây dựng chợ Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”.

Theo đó kết luận chỉ rõ, TP Biên Hòa đã không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh về việc lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương, không kịp thời tổ chức lấy ý kiến cũng như không thông tin cho tiểu thương biết về việc tahy đổi quy mô dự án và phương án bố trí sạp, ki-ốt.

Các tiểu thương phản ứng với quyết định của UBND TP Biên Hòa khi sự việc chưa được giải quyết. (Ảnh: Hà Mi/Tuoitre) 

Bên cạnh đó cơ quan này cũng không thực hiện việc giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tiểu thương, trong thời gian dài không đề xuất được phương án giải quyết khả thi khiến người dân phản ánh gây mất an ninhchính trị.

Trong khi đó Sở Xây dựng cũng bị kết luận cấp giấy phép xây dựng mới thay thế giấy phép xây dựng đã cấp là trái với quy định của pháp luật.

Kết luận khẳng định, việc để xảy ra sai phạm và hậu quả như trên trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch, lãnh đạo UBND và các cơ quan chức năng của TP Biên Hòa. 
Do đó Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, Giám đốc Sở Xây dựng, các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan để xảy ra các hậu quả đã nêu trong kết luận

Bên cạnh đó UBND TP Biên Hòa cũng được chỉ đạo phải công khai mô hình chợ mới, vị trí kinh doanh của tiểu thương và thông báo bằng văn bản cho tiểu thương biết các chế độ, quyền lợi được hưởng khi kinh doanh tại chợ truyền thống Tân Hiệp mới xây dựng.

Kết luận cũng cho rằng chủ trương lựa chọn một khu đất có lợi thế thương mại tương đương để xây dựng chợ truyền thống mới và hỗ trợ thêm cho tiểu thương, không đập bỏ trung tâm thương mại đã xây dựng mà tiếp tục hoàn thiện để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí của UBND tỉnh là đúng.

Do đó đối với các tiểu thương không đồng thuận chủ trương xây chợ Tân Hiệp mới, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn tiểu thương khởi kiện ra tòa án để để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tóm tắt sự việc:


Chợ Tân Hiệp nằm trên địa bàn phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa. Đây là chợ hạng 1 do nhà nước làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng tháng 11/1999 với diện tích hơn 15 ngàn mét vuông, trong đó có nhiều hạng mục như nhà lồng, sân bãi, sạp…được cho thuê bằng hình thức trả tiền trước nhiều năm. 
Thời gian thuê quyền sử dụng sạp, ki-ốt đã được UBND tỉnh phê duyệt (sạp 12 năm, ki-ốt 20 năm). Chợ có 702 điểm kinh doanh (650 điểm cố định, 52 điểm không cố định).

Qua thời gia sử dụng chợ đã xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Do đó vào ngày 10/8/2006 UBND TP Biên Hòa có văn bản đề nghị UBND tỉnh giới thiệu địa điểm để đầu tư trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại địa điểm hiện hữu.

Sau đó UBND tỉnh đã chấp thuận giới thiệu địa điểm cho công ty TNHH tư vấn xây dựng Điện Thành Phát và ngân hàng TMCP Phương Nam lập thủ tục đầu tư xây dựng. Tới tháng 4/2007 UBND tỉnh đã chuyển chủ đầu tư dự án sang công ty (Cty) CP Tân Trung Sơn. 
Trong thời gian xây dựng, các tiểu thương được bố trí buôn bán tại một khu chợ tạm gần đó, sau khi chợ mới hoàn thành sẽ trở lại kinh doanh như bình thường.

Trong quá trình thực hiện, Cty Tân Trung Sơn nhận thấy thiết kế của dự án kết hợp hai mô hình trong cùng một tòa nhà [chợ truyền thống và trung tâm thương mại] là chưa hợp lý và không phù hợp với thói quen mua sắn của người dân nên đã có văn bản gửi UBND TP Biên Hòa xin điều chỉnh.

Sau khi được chấp thuận, chủ đầu tư đã “âm thầm” thực hiện nhưng không thông báo cho tiểu thương. Cuối năm 2011 sự việc “vỡ lở” khi hàng trăm tiểu thương chợ Tân Hiệp đồng loạt gửi đơn khiếu kiện khi biết rằng khu đất (chợ cũ, nơi mọi người vẫn kinh doanh trước đó) đã được biến thành trung tâm thương mại, còn chợ truyền thống lại bị dời vào phía trong.

Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn