TTCP đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý về kinh tế số tiền hơn 600 tỉ đồng, bao gồm các khoản tiền trích lập dự phòng trái quy định, sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp lệ, chi phí không hợp lệ, các khoản nợ thuế…Đồng thời kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân được nêu trong kết luận thanh tra.
SCIC là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Bô, ngành, địa phương chuyển giao.
Tuy nhiên, theo TTCP, qua 6 nội dung thanh tra tại SCIC đều phát hiện ra nhiều vi phạm, khuyết điểm. Đối với việc tiếp nhận, chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước của SCIC còn có nhiều tồn tại, thiếu chính xác và chậm trễ.
Đáng chú ý, SCIC đã tiếp nhận Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex khi không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đây cũng không phải là đối tượng được chuyển giao theo quy định pháp luật.
Từ năm 2008-2013, SCIC đã chuyển giao lại quyền đại diện vốn Nhà nước về Bộ, địa phương quản lý tổng số 30 doanh nghiệp nhưng chỉ có Công ty Cổ phần Jetstar Pacific Airlines là có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, còn lại là không rõ ràng.
Trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, TTCP phát hiện nhiều trường hợp đã quá tuổi nghỉ hưu. Nhiều trường hợp cán bộ của CSIC tham gia đại diện 4-5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị điều hành tại nhiều doanh nghiệp dẫn đến khối lượng công việc nhiều nhưng năng lực cán bộ chỉ có hạn.
Một số trường hợp người đại diện chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ để doanh nghiệp vi phạm pháp luật, hoặc thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả dẫn đến khó thu hồi vốn…
TTCP kiến nghị SCIC cần phải tăng cường công tác giám sát người đại diện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của người đại diện nhằm phát hiện các thiếu sót, yếu kém để có biện pháp ngăn chặn.
TTCP chỉ rõ khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC hơn 1600 tỉ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu thực chất chỉ giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ trái phiếu đến hạn cho khoản lỗ gần 2000 tỉ đồng tại dự án xi măng Cẩm Phả. Khoản đầu tư hơn 43 tỉ đồng tại dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam chưa có hiệu quả.
Bình luận