• Zalo

Thanh niên ở Bình Dương thích ăn kim loại: Bác sĩ lý giải nguyên nhân

Bệnh và thuốcThứ Hai, 18/01/2021 16:42:45 +07:00Google News
(VTC News) -

Bệnh viện Quân Y 175 TP.HCM vừa tiếp nhận và phẫu thuật lấy ra 1 kg đồ vật kim loại trong bụng bệnh nhân 27 tuổi.

Từ xưa đến nay, những ghi chép về Pica không phải hiếm. Pica là chứng rối loạn ăn uống liên quan tới tâm lý, người mắc chứng này sẽ thích ăn những vật không phải thực phẩm và không có chất dinh dưỡng.

Vì sở thích lựa chọn đồ ăn kỳ lạ, thời xa xưa, người mắc chứng này luôn bị coi là ma quỷ hoặc do quỷ đói gây ra. Đến thế kỷ thứ 13, hiện tượng thích ăn những thứ khác lạ đã được người Hy Lạp và La Mã mô tả trong các tài liệu bằng tiếng Latin. Tuy nhiên, phải đến năm 1563, tình trạng bệnh lý này mới được mô tả trong các tài liệu y học. Ở Nam Mỹ vào thế kỷ 17, nô lệ da đen thường ăn đất để bổ sung khoáng chất.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giữa thế kỷ 16 và thế kỷ 20, sự thích ăn những thứ bất thường được coi là một triệu chứng của bệnh khác chứ không phải là một bệnh riêng biệt, nghĩa là một đứa trẻ thích ăn kim loại chẳng hạn thì đó có thể là do căn bệnh thalasimia do thiếu máu. Đến tận năm 1994, ấn bản số 4 Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần xuất bản tại Hoa Kỳ đã công nhận đây là một rối loạn liên quan đến tâm thần với tên gọi Pica. Ấn bản số 5, những rối loạn pica đã phân theo thể có liên quan đến chức năng ăn uống. Theo nghĩa này, Pica được coi là chứng bệnh cần điều trị.

Thanh niên ở Bình Dương thích ăn kim loại: Bác sĩ lý giải nguyên nhân - 1

Người mắc hội chứng Pica nghiện ăn những thứ không phải là thực phẩm.

Chữ Pica phát âm là (/paɪ kə / PIE -kuh), có nguồn gốc từ tiếng Latin, pica có nghĩa là chim ác, một loài chim ăn tạp sống ở thời kì cổ đại, chúng có thể ăn tất cả mọi thứ.

Pica hay gặp ở trẻ em và người trẻ, nhưng phải từ 2 tuổi trở lên, biểu hiện thích ăn những đồ vật lạ không có chất dinh dưỡng kéo dài trên 1 tháng.

Pica cũng xảy ra với những thói quen ăn uống kỳ dị theo văn hóa cộng đồng. Trường hợp của cô Sheila, người Cameroon hiện đang là sinh viên đại học ở Pháp là ví dụ, cô rất thèm được ăn đất quê nhà. Sheila ăn đất từ lúc 6 tuổi, cũng giống bao người dân Cameroon khác, cô không thể ngừng ăn nó mặc dù sống ở Pháp thói quen ăn uống như vậy bị coi là bẩn thỉu.

Thói quen ăn đất gọi là Pica thể geophagia, nó không chỉ xảy ra ở châu Phi, mà còn bắt gặp ở nhiều quốc gia khác như Argentina, Iran và Namibia; ăn đất chủ yếu là phụ nữ có thai và trẻ em. Tại đất nước Kenya, bất cứ nơi đâu cũng mua được đất, ít tiền thì mua đất nhạt nhẽo, nhiều tiền mua đất với đủ thứ hương vị, có thêm cả tiêu đen, thêm bạch đậu và muối.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, pica phổ biến hơn ở trẻ em, phụ nữ có thai, nhóm người thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp, trẻ em bị khuyết tật phát triển (ví dụ trẻ tự kỷ). Có trẻ tự kỷ thích ăn cốc thủy tinh. Tỉ lệ mắc Pica cũng cao hơn ở những người bị căng thẳng liên quan đến gia đình. Pica có thể là một triệu chứng của bệnh thiếu máu (tức là thiếu sắt) và mất cân bằng hóa học khác.

Tiến sĩ Mark Griffiths, Giáo sư Đại học Nottingham Trent, Nottingham, Vương quốc Anh đã đưa ra những con số thống kê rất có ý nghĩa:

- 0,02% ở phụ nữ mang thai tại Đan Mạch.

- 8% ở phụ nữ mang thai da đen tại Mỹ (pagophagia).

- 9% ở phụ nữ mang thai tại Saudi Arabia.

- 26,5% ở phụ nữ mang thai tại Tanzania (geophagia).

- 31% ở phụ nữ Mexico mang thai tại California.

- 44% ở phụ nữ mang thai tại Mexico.

- 50% ở phụ nữ mang thai tại Nigeria.

- 74% ở phụ nữ mang thai tại Kenya.

- 44% ở bệnh nhân thiếu máu tại Pháp.

- 64% ở bệnh nhân thiếu máu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

- 22% -26% ở người lớn chậm phát triển trí tuệ.

- 34% ở bệnh nhân hồng cầu hình liềm.

Những con số khá thú vị, đặc biệt phụ nữ mang thai dễ mắc Pica, nguyên nhân một phần do thay đổi tâm lý, phần nữa là thay đổi hormon, nhưng quan trọng hơn cả là tình trạng thiếu chất. Đặc biệt là thiếu sắt, kẽm, đồng, selen, mangan, coban và các nguyên tố vi lượng khác. Tôi đã gặp những bà bầu thèm ăn đất, ăn thạch cao, ăn gạch non; nhưng sau khi đẻ thì hết. Những bệnh nhân thiếu máu cũng vậy, sẽ dẫn đến thiếu sắt, chưa kể các nguyên tố vi lượng khác. Như vậy, Pica trong trường hợp này chỉ là triệu chứng phản ánh tình trạng thiếu chất, nên bổ sung ăn uống đầy đủ vi chất là khỏi.

Ngoài những yếu tố thể chất, Pica hay gặp nhiều do nguyên nhân tâm lí, như trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt. Các bậc cha mẹ nên để ý một số hành vi của con, như trẻ ngồi hay rung đùi, nắm chặt tay, giật tóc, xoắn đuôi tóc thành nọn rồi đút vào miệng qua 1 bên mép, kéo gấu áo lên xoắn lại rồi nhai ngậm; đó là những biểu hiện có vấn đề tâm lí dễ dẫn đến Pica.

BS Trần Văn Phúc(Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)
Bình luận