Thanh niên chết thảm vì bị nhầm 'ngáo đá': Vô cảm, vô nhân đạo, vô văn hóa

Thời sựThứ Tư, 24/02/2016 08:24:00 +07:00

Đám đông đứng nhìn thanh niên vùng vẫy rồi chết đuối ngay tại thành phố đáng sống Đà Nẵng là ngoài sức tưởng tượng của chuyên gia văn hóa.

(VTC News) – Chuyên gia nhận định, việc đám đông đứng nhìn thanh niên vùng vẫy rồi chết đuối ngay tại 'thành phố đáng sống' Đà Nẵng là sự vô cảm, sự vô nhân đạo, vô văn hóa.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi xem một clip dài hơn 8 phút ghi lại cảnh đám đông vô cảm đứng nhìn nam thanh niên chết đuối tại hồ nước ở Đà Nẵng.

Hình ảnh trong clip cho thấy, nam thanh niên đang vùng vẫy, la hét một cách bất lực ở dưới hồ nước, rất gần bờ. Lúc này, trên bờ có rất đông người dân, trong đó có cả người già, trẻ nhỏ, thậm chí là nhiều thanh niên trai tráng... đứng nhìn. Không có bất cứ ai nhảy xuống cứu nam thanh niên, thậm chí cũng không có lời hô hoán cứu người.

Nam thanh niên vùng vẫy bất lực dưới hồ nước.
Những phút đầu tiên của clip liên tiếp xuất hiện những lời nói đầy vô cảm: “Đập đá đấy...”, “Chắc nó mệt rồi nó đuối”, “Chết cha! Hụt rồi, chết cha rồi”... Thậm chí, thỉnh thoảng còn vang lên tiếng cười giòn giã của ai đó đứng trên bờ. Tới khoảng phút thứ 2, khi thanh niên đuối sức, chìm hẳn thì một người mới hô cứu: “Cứu giùm đi, nó hụt chân nó chết rồi mà!”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc xảy ra vào khoảng khoảng 8h sáng 21/2, tại hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, đường Hàm Nghi, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Nạn nhân là anh G. (24 tuổi). Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh G. buồn chuyện gia đình nên mới tìm đến cái chết. Sáng 21/2, anh G. nhảy xuống hồ tự vẫn. Sau hơn 2 phút vùng vẫy, la hét, anh G. đuối sức và chìm xuống hồ. Hơn 10 phút sau đó, thi thể nạn nhân mới được đưa lên bờ.

Sau khi clip nói trên được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng. Đa số mọi người đều kịch liệt chỉ trích hành động vô cảm của người quay lại clip cũng như những người đứng trên bờ, hờ hững nhìn cái chết đau đớn của nam thanh niên.

"Còn nhiều thời gian vậy mà mọi người chứng kiến ở đó không hò nhau cứu giúp mà cứ đứng trên bờ bình luận. Xem clip mà rùng mình vì sự vô cảm của mọi người", một người dân bày tỏ ý kiến khi xem clip.

Đợi khi nam thanh niên chìm mất thì mới có người lội xuống tìm
Đợi khi nam thanh niên chìm mất thì mới có người lội xuống tìm 
Liên quan đến sự việc, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, sự thương tâm tột cùng đối với rủi ro của con người chính là cái chết. Một người nếu có tìm tới cái chết thì có thể anh ta gặp bế tắc trong cuộc sống. Đó là con đường cùng và chính bản thân người đó cũng không hề mong muốn. Là đồng loại, là con người với nhau thì đáng ra chúng ta phải cứu giúp mạng sống của anh ta, thậm chí là giúp anh ta giải quyết bế tắc trong cuộc sống.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Chương thực sự ngạc nhiên khi biết có nhiều người chứng kiến nam thanh niên chết đuối ở hồ nước mà không có động thái cứu giúp.

“Khi nghe tin về sự việc xảy ra tại Đà Nẵng, bản thân tôi là một con người, chưa nói tới một nhà văn hóa, tôi hết sức ngạc nhiên, không thể tưởng tượng được lại xảy ra sự việc như vậy.

Nạn nhân đã tử vong trước khi được đưa lên bờ. Ảnh: Phụ nữ TP.HCM
Người xưa có câu ‘chị ngã em nâng’. Khi thấy người này ngã thì người kia phải đỡ dậy, không thể thấy người ta ngã mà phớt lờ hay bỏ đi, càng không thể đẩy người ta thêm một cái được.

Người ta nhảy xuống hồ, mình không nhìn thấy thì không nói. Nhưng nhìn thấy cảnh đó, là con người thì phải tìm cách cứu họ. Ngay cả những tội phạm bị tuyên án tử hình cũng được chăm sóc trước khi thi hành án.

Trong trường hợp này, nếu không biết bơi, không có khả năng nhảy xuống hồ để cứu người thì phải hô hoán lên để nhanh chóng tìm người có khả năng tới cứu. Nhưng sao mọi người ở đó lại đứng nhìn vô cảm như vậy?”, Giáo sư Hoàng Chương chia sẻ.

Theo ông Chương, những người đứng xem, chỉ bình luận mà không có bất cứ động thái nào nhằm cứu giúp người đang gặp nạn là những người thực sự vô cảm, vô tình với đồng loại. Hành động vô cảm này đã làm xấu danh tiếng của “thành phố đáng sống” Đà Nẵng.

“Hình ảnh đám đông đứng nhìn, thậm chí kéo tới như xem kịch như vậy là sự vô cảm, sự vô nhân đạo, vô văn hóa.

Sự việc này xảy ra ở một nơi hoang dã thì không nói làm gì. Nhưng ở đây lại xảy ra ở nơi đông người, ở ngay TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng vốn được coi là một thành phố đáng sống, thành phố hiện đại, văn minh. Đám đông vô cảm đứng nhìn thanh niên chết đuối như vậy đã làm ô danh TP Đà Nẵng,” ông Chương nói.

Giáo sư Hoàng Chương cho biết thêm, ông cảm thấy đáng buồn vì đâu đó trong cuộc sống chúng ta vẫn còn tồn tại sự vô cảm, vẫn có ai đó không sống trên đạo lý là giúp đỡ nhau, che chở nhau.

Giáo sư Hoàng Chương mong muốn những ai có suy nghĩ, lối sống vô cảm thì phải biết tự xem xét lại mình.

“Con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tốt đẹp là đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu không như vậy thì làm sao dân tộc chúng ta tồn tại tới bây giờ được? Sự việc xảy ra tại Đà Nẵng là sự việc hy hữu và chúng ta cần phải phê phán,” ông Chương nói.

Năm nay là năm Bính Thân, Giáo sư Hoàng Chương nhắn nhủ mọi người nên học tập cách yêu thương đồng loại giống như loài khỉ.

“Năm nay là năm Bính Thân, tức năm khỉ. Chúng ta hãy nhìn cách sống của con khỉ để liên hệ về đạo đức giữa con người với con người. Khỉ là con vật có tình yêu thương đồng loại nhất trong tất cả các con vật. Chúng sống theo bầy đàn, không chỉ sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ con cái mà còn hết lòng cứu giúp bất cứ con khỉ nào khi gặp nạn,” ông Chương nói.

Nhân sự việc này, Giáo sư Hoàng Chương lại nhớ tới một sự việc đã được viết thành sách và đã có rất nhiều người đọc.

Theo ông Chương, cách đây khoảng 60 năm, có bé gái bị rơi xuống một ao sâu tại quê nhà ở Nam Bộ. Những người phát hiện sự việc khi đó không ai dám nhảy xuống ao sâu để cứu người vì sợ mình cũng chết.

Nhưng lúc đó, có một anh bộ đội trẻ đi ngang qua đã liều mình nhảy xuống cứu cháu bé lên. Đứa trẻ sau đó được cứu sống. Đáng chú ý, sau này, chính bé gái đó đã trở thành một trong những lãnh đạo cấp cao của nước ta.

“Nếu không có hành động xả thân cứu người trong lúc nguy nan của anh bộ đội kia thì làm sao chúng ta có một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Nhà nước?”, ông Chương nói.
Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn