• Zalo

Thành lập “tập đoàn” Kịch Quốc gia Việt Nam

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 06/04/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bộ VH, TT & DL chính thức ra quyết định thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, đây sẽ là Nhà hát lớn nhất Việt Nam.

(VTC News) - Hôm qua (5/4), Bộ VH, TT & DL chính thức ra quyết định thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, đây sẽ là Nhà hát lớn nhất Việt Nam, quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu của đất nước.

Nhà hát kịch Quốc gia 3 trong 1

Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam thành lập trên cơ sở hợp nhất của hai nhà hát: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và cho ra đời Nhà hát kịch Nhi đồng. Đây là nội dung chính trong Quyết định số 1153 – QĐ/BVHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký ngày 27.3.2012.

Những tên tuổi gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam như NSND Trọng Khôi (đã mất), NSƯT Phạm Bằng trong vở kịch kinh điển 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'. 

Ra đời năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc khi ấy là Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Kịch Việt nam ngày nay, Trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành, Nhà hát Kịch Việt nam có 14 thế hệ nghệ sỹ, diễn viên kế tiếp nhau với 21 Nghệ sỹ Nhân dân ( NSND ) và 59 Nghệ sỹ Ưu tú ( NSƯT ) cùng biết bao Nghệ sỹ Tài năng.

Là con chim đầu đàn của nền Kịch nghệ Quốc gia với những tên tuổi lừng lẫy như NSND Thế Lữ, NSND Song kim, NSND Trúc Quỳnh, NSND Nguyễn Đình nghi ... Đến các thế hệ kế tiếp như NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Doãn Châu... cho đến các thế hệ sau này như NSƯT Mỹ Dung, NSƯT Bích Thu, NSƯT Nguyệt Ánh, NSƯT Anh Dũng, NSƯT Lan Hương...

Trải qua mấy chục năm hoạt động cùng với chương trình kịch mục đồ sộ Nhà hát kịch Việt Nam đã từng được mệnh danh là “anh cả đỏ” của nền kịch nghệ nước nhà. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà hát rơi vào những mâu thuẫn nội bộ khiến cho các nghệ sĩ bị chia rẽ. Đỉnh điểm là vụ kiện cáo khiến nguyên giám đốc của nhà hát, NSƯT Nguyễn Anh Dũng phải ra đi.

Trong khi đó, ra đời từ năm 1976, Nhà hát Tuổi trẻ hoạt động với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả trẻ cả nước. Nhà hát Tuổi trẻ hiện được đánh giá là nhà hát năng động nhất tại phía Bắc khi vẫn có thể sáng đèn thường xuyên với khá nhiều vở diễn thu hút được sự chú ý của công chúng.

Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng thành công nhiều vở kịch kinh điển của thế giới nhằm giới thiệu tinh hoa nghệ thuật nhân loại với khán giả Việt Nam, đó là các vở: “Romeo và Juliet”; “Ôtellô”; “Trưởng giả học làm sang”; “Người tốt thành Tứ Xuyên”; “Lôi Vũ”; “Macbet”; “Con cáo và chùm nho”; “Nhà búp bê”; “Âm mưu và tình yêu”… cùng các vở kịch kinh điển của Việt Nam như các vở “Rừng trúc”; “Vũ Như Tô”… và giành được nhiều huy chương vàng tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hoặc giành giải cao tại các kỳ liên hoan sân khấu quốc tế.

 NSND Lê Khanh trong vở kịch kinh điển của Nhà hát Tuổi trẻ, 'Rừng trúc'.

Các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ luôn được đánh giá cao qua các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; số lượt người xem, số buổi biểu diễn và tổng doanh thu của Nhà hát Tuổi trẻ luôn luôn dẫn đầu các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VH, TT & DL. 

Tin đồn sáp nhập hai nhà hát Kịch Việt Nam và nhà hát Tuổi trẻ đã được manh nha từ khi NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ được giao trọng trách thay ông Nguyễn Anh Dũng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam từ ngày 30/6/2009.

Sau ba năm nắm quyền tại Nhà hát kịch Việt Nam, NSND Lê Hùng vẫn chưa thể vực dậy được “anh cả đỏ” của nền kịch nghệ nước nhà một thời này. Mọi việc ông làm mới chỉ là xây dựng lại niềm tin trong một tập thể đã bị xé vỡ bởi những mâu thuẫn nội bộ cùng với chuyện kiện cáo nhau suốt những năm ông Nguyễn Anh Dũng còn ở cương vị Giám đốc nhà hát.

Theo phía Bộ VH, TT & DL thì NSND Lê Hùng đang kiêm nhiệm vai trò Giám đốc của hai Nhà hát là Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục giữ ghế lãnh đạo khi ba nhà hát hợp nhất làm một. Giúp việc cho ông là 3 phó Giám đốc phụ trách chuyên trách là ông Trương Nhuận, Nguyễn Thế Vinh và bà Trần Tố Trinh.

Mô hình tập đoàn kịch nghệ?

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho hay, tạm thời khi thành lập, các nhà hát vẫn đóng ở vị trí cũ, vẫn giữ nguyên tên gọi và chưa có gì xáo trộn. Nhưng trong thời gian tới, Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn để các nhà hát này đảm nhiệm vai trò đầu tàu của làng kịch Việt Nam, phục vụ đông đảo đối tượng khán giả.

Có thể thấy, trước mắt việc sáp nhập ba nhà hát trên để thành lập Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam giống như mô hình các tập đoàn kinh tế đang sử dụng. Hiểu nôm na, tập đoàn kịch nghệ này sẽ được quản lý và điều tiết bởi một bộ máy duy nhất. Nhưng thương hiệu của các đơn vị thành viên vẫn giữ nguyên.

 NSND Lê Hùng được giao đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam.

“Các nhà hát vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng nằm trong một tổ chức mới và sẽ hoạt động tốt hơn, nâng tầm lên, tập trung vào chuyên môn hơn”, thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho hay.

Ông Hồ Anh Tuấn cũng cho biết, khi làm việc với các nhà hát, họ có nguyện vọng là không thay đổi thương hiệu đã có từ lâu và ba nhà hát. Chính các thương hiệu này sẽ tạo nên uy tín của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam. “Trước đây, họ đầu tư rất manh mún, nay được tập trung đầu tư lớn hơn, các nghệ sĩ cũng được huy động tốt hơn để làm nên thương hiệu quốc gia”, ông nói.

Để đưa Nhà hát mới sau khi sáp nhập sẽ mạnh hơn, phục vụ được quần chúng hiệu quả hơn, theo Thứ trưởng, còn rất nhiều việc phải làm. Đây là luận chứng rất quan trọng trong đề án mà Bộ đã thông qua.

Sẽ xây nhà hát lớn kỷ lục

Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc Gia Việt Nam, cho hay, ban lãnh đạo mới sẽ xây dựng chức năng, quyền hạn và cơ cấu để trình Bộ trưởng. Theo ông Nhuận, các nhà hát sẽ có tính chuyên biệt hơn.

Ông Nhuận cho biết, trong đề án trình Chính phủ, trụ sở mới sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 7.000m2 ở Mỹ Đình. Dự kiến, sẽ có hai sân khấu được xây với cơ sở vật chất hiện đại, đó là một nhà hát rộng 1.200 chỗ ngồi và sân khấu thử nghiệm gồm 500 chỗ ngồi với các thiết bị tối tân nhất. Dự án này đã được hai đời Bộ trưởng Phạm Quang Nghị và Lê Doãn Hợp phê duyệt. Hiện tại, dự án này đang chờ sự đầu tư của Chính phủ.

Trước mắt, các kế hoạch biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ vẫn thực hiện bình thường. Ông Trương Nhuận cho biết, Ban lãnh đạo Nhà hát mới sẽ làm lễ ra mắt chính thức với các chương trình, kịch mục đặc sắc, có sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng nhất của hai nhà hát.

Chu Ngũ Nương

Bình luận
vtcnews.vn