TS Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, cho biết Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk sẽ tập trung vào các ngành như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dinh dưỡng, thúc đẩy song hành các ngành kinh tế, logistics, du lịch dịch vụ, kỹ thuật, sức khỏe và các ngành ngôn ngữ.
Từ đó, mời gọi bạn bè quốc tế đến phát triển kinh tế du lịch trên vùng đất bazan màu mỡ, có nhiều sắc thái văn hóa. Đồng thời, trong tương lai, nhà trường sẽ nghiên cứu chương trình đào tạo mỏ, khoáng sản và luyện kim để chuẩn bị nguồn nhân lực khai thác tiềm năng to lớn của vùng đất Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao việc thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên.
Theo thứ trưởng Phúc, quan sát quá trình hoạt động của Trường Đại học Đông Á thời gian qua, Bộ GD-ĐT đánh giá cao sự năng động trong tư duy chiến lược về cải tiến chất lượng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng các sản phẩm ứng dụng và tính khởi nghiệp cao.
Thứ trưởng đặc biệt ấn tượng với chiến lược xây dựng "định vị" chất lượng sinh viên nhà trường bằng những hợp tác chiến lược với các đối tác nước ngoài có uy tín, nhằm trang bị cho sinh viên có ưu thế về kỹ năng, chuyên môn, thái độ chuyên nghiệp và ngoại ngữ tốt để làm việc trong nước và quốc tế. Đây là một hướng đi mang tính khác biệt, cần được khuyến khích, nghiên cứu và nhân rộng.
Phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại Đắk Lắk được xây dựng trên tổng diện tích 10 ha, với 115 phòng học lý thuyết, 27 phòng thực hành chuyên môn, thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng cùng đầy đủ các phòng chức năng. Phân hiệu hiện có 90 cán bộ quản lý và giảng viên, trong đó 35 tiến sĩ, 36 thạc sĩ.
Bình luận