“Bây giờ thật ra đôi khi người ngoan là người ngu. Ở đây, tôi nói người ngoan là người mà ai nói gì cũng chỉ biết nghe lời, không có khát vọng sống, không có chính kiến của mình”, diva Thanh Lam bày tỏ quan điểm trước câu hỏi thế nào là một cô gái ngoan.
- Trong showbiz, Thanh Lam là một nghệ sỹ mang trong mình cá tính mạnh mẽ và từng phải hy sinh rất nhiều để có vị trí vững chắc như ngày hôm nay, chị nghĩ thế nào về tư tưởng ‘sống bám’ của một số nghệ sỹ trẻ hiện nay?
- Đó, tôi cũng rất ngạc nhiên khi đọc một số bài báo đưa ra phong cách sống của lớp trẻ mà rất vô thức. Những bài báo đó sẽ ảnh hưởng tới một phần thị hiếu của lớp trẻ, nếu không cẩn thận, sẽ tạo ra một thế hệ mới chỉ cần có nhan sắc và thời điểm để sống dựa vào những người đàn ông - như thế rất nguy hiểm.
Vì theo tôi, người phụ nữ hạnh phúc nhất đó là được sống độc lập. Độc lập trong tư duy là điều cần thiết để tạo nên người phụ nữ văn minh, có hoài bão, dám sống, dám vươn lên và nhận thách thức từ cuộc sống. Điều đó vô cùng quan trọng.
Ca sĩ Thanh Lam
- Người cá tính như Thanh Lam sẽ cắt nghĩa cụm từ ‘một người con gái ngoan’ ra sao?
- Người con gái ngoan là người có hiếu với gia đình. Bây giờ thật ra đôi khi người ngoan là người ngu. Ở đây, tôi nói người ngoan là người mà ai nói gì cũng chỉ biết nghe lời, không có khát vọng sống, không có chính kiến của mình.
Nhiều khi tôi bảo con tôi rằng, con đừng ngoan theo kiểu ngu ngốc, con hãy chống đối lại những quan điểm mà con cho rằng không phù hợp với bản thân. Thường những đứa trẻ có cá tính vẫn hay chống đối, chắc chắn là như vậy, kể cả là con trai lẫn con gái. Chúng dám chống đối, dám làm những điều ngông cuồng và tôi rất thích điều đó. Thực ra ngoan ngoãn hiền lành mà ngu ngốc thì cực kỳ chán!
Nếu ‘hư’ một tý, sống phóng túng hay làm điều này, điều kia ngông cuồng nhưng có hoài bão, khát vọng vươn lên thì điều đó còn đáng yêu hơn nhiều một người phụ nữ ngoan nhưng ngu dốt.
- Trước quan điểm của một người mẫu trẻ nói: con gái ngoan là phải biết về nhà trước 9h tối, phải biết chăm sóc, mát –xa, lấy khăn tắm cho người yêu thương, chị nghĩ sao?
- Chăm sóc cho người mình thương yêu là rất cần thiết nhưng tôi nghĩ không nên mang chuyện đó lên báo để nói. Theo tôi, cái đó là sự tinh tế trong gia đình. Khi đưa lên truyền thông, nguy hiểm ở chỗ, vô tình chúng ta công nhận đó là một lối sống.
Người ta vẫn nói rằng, ông trời đã cho chân dài rồi thì chỉ cho trí tuệ hạn hẹp thôi, đằng này lại trả lời một bài báo như thế càng khẳng định chuyện học hành không quan trọng nữa. Theo tôi, nếu tri thức của mình chỉ được 4 mà nỗ lực chăm chỉ sẽ lên được đến 8.
Biết là sẽ không lên được 9, 10 đâu nhưng với hoài bão, khát vọng thì có thể sẽ thành 8 được. Bài báo đăng tải khiến nhiều người hiểu rằng, một bạn gái ở quê lên, chỉ có nhan sắc thôi rồi sau đó trở thành một người thành công về tài chính, điều đó rất nguy hiểm trong giáo dục lớp trẻ. Tôi đã đọc bài báo đó và thấy khủng khiếp quá.
- Ngày xưa, thời điểm bằng tuổi người mà chị đang nhắc đến thì lối sống, suy nghĩ của chị có giống thế?
- Khi 19, 20 tuổi tôi luôn tràn đầy nhựa sống, tham vọng, hoài bão. Chân trời của tôi dĩ nhiên cũng có người đàn ông của mình, nhưng nó vẫn luôn còn rất nhiều ngôi sao và ước mơ ở trong đó. Tôi nghĩ rằng đời sống tinh thần mở rộng thế rất sướng, chứ không chỉ chăm chăm vào tâm điểm là một người đàn ông nào đó.
- Còn về câu nói của Ngọc Trinh: “Yêu người không có tiền thì cạp đất ra mà ăn”, chị thấy đúng?
- Theo tôi, nếu người có tri thức rồi thì nhà báo có thể vặn vẹo được, nhưng với người ít học hành, kinh nghiệm sống thì cần phải hướng họ tới chân thiện, hướng họ tới những suy nghĩ, tấm gương tốt. Lỗi đó cũng là lỗi của nhà báo chứ không hẳn ở cô kia.
Theo GDVN
Bình luận