• Zalo

Thanh Lam: Không muốn con mình chỉ bình thường

Giáo dụcThứ Hai, 30/09/2013 03:38:00 +07:00Google News

Vừa giỏi, vừa đẹp, và có lẽ vì thế mà… đa truân, nhưng Thanh Lam vẫn không muốn con cái mình chỉ dừng ở hai chữ “bình thường”.

Vừa giỏi, vừa đẹp, và có lẽ vì thế mà… đa truân, nhưng Thanh Lam vẫn không muốn con cái mình chỉ dừng ở hai chữ “bình thường”.

Trong cuộc trò chuyện chị nói:

Sai sót ở tuổi trẻ là bình thường. Cái “phê” nhất ở tuổi trẻ là sự ngông cuồng, bồng bột. Ở tuổi tôi bây giờ khó mà có được cảm xúc đấy.

Bây giờ nhìn trẻ con có tính “ngông cuồng” thấy đáng quý. Đó mới là đứa trẻ giỏi. Tôi không thích một đứa trẻ chỉ biết nghe lời. Sự tranh đấu ở con trẻ không phải là hơn thua, mà tạo cho con người cá tính.

Thanh Lam không muốn con mình chỉ bình thường
Thanh Lam không muốn con mình chỉ bình thường 

Tôi thích trẻ con cá tính. Tôi không thích cách giáo dục áp đảo trẻ con, thực hiện nuôi dạy con trẻ theo mưu cầu của người lớn.

Việc dạy theo cá tính như thế, tỉ lệ thành công là 50/ 50. Chị nghĩ sao nếu như cá tính của đứa trẻ lại lạc sang chiều hướng không mong muốn?


- Cha mẹ sinh con trời sinh tính, không cưỡng lại được quy luật của trời đất. Nhưng tôi cho rằng xác suất này thấp. Trẻ sinh ra trong một gia đình có nền móng tốt, cha mẹ lại tìm cách cho con ăn học tốt nhất, thì đứa trẻ có thể, nhưng cũng khó mà hư được.

Trong xã hội hiện nay có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng giáo dục. Cha mẹ có đủ trình độ, tri thức dạy con có thể ít nhưng đào tạo hiện nay có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, đứa trẻ khi có gen thuận thì xác suất hư là thấp.

Với ba người con của chị thì sao, thưa chị?

- Vân - con gái lớn - đang theo học thiết kế nội thất ở Úc. Thực ra ban đầu cháu xin đi học thiết kế thời trang, nhưng tôi phân tích cho cháu thấy ngành thời trang ở Việt Nam sẽ rất cạnh tranh, nhiều khó khăn. Thiết kế nội thất là một nghề cần thiết trong xã hội văn minh. Sau này, tôi cũng có thể tham gia.

Đăng Quang là cậu bé chăm chỉ, có tâm hồn, đang theo học nhạc cổ điển. Trong cuộc sống có định mệnh, tôi không kỳ vọng quá nhưng rất hy vọng về Quang.

"Trẻ con bây giờ nói chung không mơ ước nhiều, có lẽ vì đầy đủ quá"

 

Mỗi người một quan niệm, tôi thì không thích việc so sánh, không thích việc khích tướng.

Ca sĩ Thanh Lam
 
Về cô con gái giữa - Thiện Thanh - tôi có hơi lo lắng, chưa thấy con có hoài bão gì. Trẻ con bây giờ nói chung không mơ ước nhiều, có lẽ vì đầy đủ quá.


Thiện Thanh không có khả năng gì đặc biệt, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng mình nổi tiếng thì con phải đặc biệt. Cháu đang học thanh nhạc, nhưng tôi không ép con. Chỉ có con mới tự tìm ra hoài bão, ước mơ của mình. Bố mẹ chỉ là người định hướng.

Ngay cả bố mẹ tôi đã từng không hề nghĩ tôi sẽ trở thành ca sĩ. Từ năm 3, 4 tuổi tôi đã hát nhưng chỉ song ca, tốp ca. Lớn hơn một chút, trước những ngày biểu diễn tôi thường hay ốm vì quá lo lắng. Do đó, bố mẹ càng khẳng định tôi sẽ không thành ca sĩ được, nên cho tôi đi học đàn tỳ bà. Nhưng học 7 năm rồi tôi vẫn trở lại với khát vọng ban đầu của mình. Trẻ con cứ khao khát là được.

Con gái “bình thường”, lẽ ra chị phải mừng chứ, vì nhiều khả năng sẽ không sóng gió như…. mẹ cháu?


- Theo triết lý Phật giáo, phải tu rất tốt ở các kiếp trước thì mới có hình thức đẹp.

Trước đây tôi chưa hiểu về chữ “nghiệp”, nên cứ cho rằng sinh ra chỉ có sắc đẹp thì vô cùng chán. Nhưng bây giờ, khi đã hiểu về chữ nghiệp, tôi đỡ coi thường việc một người chỉ có nhan sắc.

Nhưng tôi vẫn muốn con có một cái tài, như vậy sẽ rất tự tin trong cuộc sống. Các cụ đã nói, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, Có tài vào trong top 10 thì sẽ sống rất đàng hoàng, tự tin, kể cả khi nghề của mình là làm móng chân móng tay, cắt tóc gội đầu, hay giúp việc gia đình.

Tôi nghĩ rằng không có chuyện ngu si hưởng thái bình, hay ăn may, mà phải nỗ lực. Và người phụ nữ chỉ có cá tính, có sự tự tin khi có tài. Khi đó làm ít tiền sống vừa vặn, làm nhiều tiền sống sung túc, không phải dựa dẫm vào ai, không gặp trượng phu vẫn có thể tồn tại độc lập.

Nếu có kỹ thuật thanh nhạc, con không diễn được vẫn có thể dạy. Có trình độ, có hiểu biết, có chỗ đứng con mới nhìn ra, mới tìm được người bạn trai xứng đáng.

Có bao giờ chị dùng biện pháp “khích tướng” để dạy con?

- Mỗi người một quan niệm, tôi thì không thích việc so sánh, không thích việc khích tướng.

Mẹ tôi ngày trước rất hay so sánh con với người nọ người kia, và tôi đã rất buồn. Tôi không bao giờ so sánh, không lấy mình ra làm tiêu chí để dạy con. Con đã cố gắng nỗ lực nhất trong khả năng của mình, thì khiêu khích nó cũng không làm cho nó giỏi hơn.

Tôi cũng không so sánh ba đứa con với nhau. Nhất là làm nghệ thuật, khích tướng là tối kỵ. Không thể khích mà giỏi lên số 1 được.

Có phải vì cách giáo dục được lòng con trẻ - không gò ép, không so sánh – mà dù không ở cùng, con chị vẫn rất yêu mẹ?

- Lúc con còn nhỏ tôi rất thương, vì trẻ con khao khát được gần mẹ. Bản thân mình niềm vui tuyệt đối không có vì luôn có trăn trở đằng sau, khi cuộc sống của con không bình thường.

Bây giờ nhẹ nhõm hơn rồi. Tôi rất thích vì các con lớn rồi, có thể nói chuyện trung thực với con.

Sống với nhau là duyên số. Con sinh ra ở hoàn cảnh như vậy là nợ từ kiếp trước. Tôi vẫn bảo các con lấy điều không may làm nghị lực, lấy khó khăn làm đòn bẩy cho mình.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ.



Theo Chi Mai/Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn