Mới đây, ca sĩ Thanh Lam đưa ra nhận định: “Miền Nam có nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông". Ngay lập tức, không chỉ công chúng mà còn nhiều người trong nghề đã lên tiếng phản ứng một cách mạnh mẽ về quan điểm của diva nhạc nhẹ.
Có người cho rằng, trong showbiz Việt hiện nay, có rất nhiều ca sĩ không được đào tạo bài bản nhưng vẫn thành công, có nhiều đóng góp có giá trị nghệ thuật và được công chúng yếu mến. Những người này cho rằng, ý kiến của giọng ca Chia tay hoàng hôn có phần phiến diện.
Thậm chí, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng còn tuyên bố: "Chị Lam nói câu đó quả thật hơi cạn và tự đưa minh vào thế cô lập, nếu không muốn nói là chị đã đào sâu thêm khoảng cách của ca sĩ 2 miền Nam - Bắc".
"Ông hoàng nhạc Việt" còn đặt câu hỏi: "Tôi cũng không biết chị Lam đang muốn gì khi đưa ra ý kiến về sự nổi tiếng của các ca sĩ miền Nam như vậy. Nhận xét như thế không nên có từ một người 'bề trên' như chị Lam.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quan điểm Thanh Lam đưa ra không phải là hoàn toàn vô lý. Thực tế hiện nay có rất nhiều ca sĩ mà mỗi lần họ cất giong hát live, khán giả lại được một phen hết hồn. Thế nhưng, họ vẫn rất nổi tiếng.
Để giúp độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về phát ngôn của Thanh Lam, VTC News đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long và nhạc sĩ Hữu Xuân.
Học vẫn là yếu tố quan trọng đối với người nghệ sĩ
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long thừa nhận, trong làng nhạc Việt có rất nhiều ca sĩ không được đào tạo một cách bài bản, chính quy nhưng vẫn rất thành công, tiêu biểu như: Lệ Thu, Khánh Ly, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thu Minh, Phương Thanh....
Danh ca Khánh Ly từng tâm sự, bà không hề học nhạc mà chỉ hát theo bản năng và sự hướng dẫn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "Tôi hát tự nhiên và bản năng, cứ hát là hát thôi" - "nữ hoàng chân đất" tâm sự.
Hay như ca sĩ Phương Thanh cũng đã từng hồn nhiên chia sẻ, chị không được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Cứ mỗi lần phải luyện thanh là nữ ca sĩ lại cảm thấy buồn ngủ. Chị hát và xử lý ca khúc thiên về bản năng.
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, các ca sĩ không được đào tạo bài bản nhưng vẫn thành công là do họ có giọng hát tốt, năng khiếu bẩm sinh cộng thêm yếu tố may mắn.
Tuy nhiên, theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc học hành một cách bài bản vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với các ca sĩ, đặc biệt là trong môi trường nhiều cạnh tranh như hiện nay.
Một điều dễ nhân thấy là những ngôi sao sáng của làng nhạc hiện nay đều được học thanh nhạc một cách rất bài bản. Ba trong số 4 giọng ca được coi là "diva nhạc Việt" đều có thời gian dài theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các giọng ca trẻ như Văn Mai Hương, Sơn Tùng M-TP cũng đều được học hành bài bản.
"Việc học giúp các ca sĩ phát huy được thế mạnh trong giọng hát, hạn chế các tật trong hơi thở, cách phát âm. Ngoài ra, việc học cũng giúp họ có được sự tinh tế trong việc xử lý tác phẩm.
Để nhận thức đúng đắn về thẩm mỹ, để thể hiện một cách tinh tế tác phẩm âm nhạc, thì học vẫn là yếu tố quan trọng đối với người nghệ sĩ".
Nguyễn Quang Long
Âm nhạc là môn nghệ thuật của sự tinh tế và sự tinh tế không phải vật chất, không phải một cái gì đó đã định hình một cách cụ thể, mỗi nghệ sĩ chỉ có thể chạm tới bằng cảm nhận.
Tuy nhiên, nếu sự cảm nhận sai lệch, hoặc nhẹ hơn là chưa chính xác sẽ tạo ra những kết quả chưa đẹp. Giống như đang hát về tình yêu thương của một người mẹ dành cho đứa con bé dại nhưng lại thể hiện quằn quại hoặc nét mặt gợi cảm như hát về tình yêu đôi lứa.
Đáng tiếc, điều này đang rất dễ gặp trong đời sống âm nhạc hiện nay. Để nhận thức đúng đắn về thẩm mỹ, để thể hiện một cách tinh tế tác phẩm âm nhạc, thì học vẫn là yếu tố quan trọng đối với người nghệ sĩ" - nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhận định.
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, với các ca sĩ theo dòng nhạc nhẹ, họ có thể theo học thanh nhạc với các mô hình đào tạo khác nhau nhưng với nhạc thính phòng, việc học tại các nhạc viện gần như là bắt buộc.
Đồng quan điểm với nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Hữu Xuân (- tác giả Thuyền và biển, Hoa tím ngày xưa) chia sẻ: "Một ca sĩ nếu muốn hát được nhiều thể loại thì nhất định phải học hành một cách bài bản. Thêm vào đó, trong quá trình làm nghề, phải luôn trau dồi, học hỏi từ những người đồng nghiệp".
Nhạc sĩ Hữu Xuân khẳng định: "Có học vẫn cứ hơn", nhưng ông cũng đưa ra quan điểm khác. Theo ông: "Âm nhạc là một lãnh vực rộng lớn, vấn đề là anh định đứng ở đâu trong khoảng rộng âm nhạc ấy.
Nếu như chỉ định hát một số bài của Trịnh thì có cần gì phải học Bel Canto? Nhưng nếu Khánh Ly muốn hát Opera hay những bài có tính chất kỹ thuật thì cô ấy phải học. NSND THu Hiền mà bảo hát Opera thì làm sao cô ấy hát được? Ngược lại, bảo Thanh Lam hát một số bài dân ca cổ thì có lẽ Thanh Lam cũng phải bó tay đấy!
Trong sáng tác cũng vậy, nếu chỉ cần sáng tác ca khúc thôi thì kỹ thuật cũng không cần gì nhiều lắm, chủ yếu là nhạc cảm và năng khiếu. Nhưng nếu định viết cho khí nhạc, giao hưởng thì cần phải học nhiều lắm: Hòa thanh, phức điệu, tính năng nhạc cụ, phối khí ...."
Nhạc sĩ Hữu Xuân chia sẻ thêm: "Vào năm 1959, tôi học ở Nhạc viện cùng với cô ca sĩ Thanh Huyền - NSND đầu tiên của Việt Nam. Lớp học thanh nhạc do chuyên gia Liên Xô (cũ) - bà Krassova dạy. Bà nhận thấy Thanh Huyền có chất giọng dân gian rất quý nên bà khuyên cô dù có học kỹ thuật gì cũng không được làm mất chất giọng ấy, bởi vì học Bel Canto là khẩu hình luôn phải tròn, nó phù hợp với ngôn ngữ châu Âu là các âm phần lớn là âm mở như a, o.., nhưng tiếng Việt lại có nhiều âm đóng, ví dụ như "em đẹp lắm" chẳng hạn, nếu chữ đẹp mà phải mở khẩu hình tròn thì sẽ ra chữ gì?
Học kỹ thuật thanh nhạc nhưng phải biết áp dụng nó một cách linh hoạt"
Nhạc sĩ Hữu Xuân
Bởi vậy, học kỹ thuật thanh nhạc nhưng phải biết áp dụng nó một cách linh hoạt. Kỹ thuật chỉ là phương tiện để truyền tải cảm xúc, chứ không phải là để khoe tài cao thấp, khoe ai hát khỏe hơn, điêu luyện hơn. Thế nên mới có chuyện cùng một ca khúc nhưng Trọng Tấn thì hát rất mềm mại, còn một số người khác thì giọng hát cứ chéo véo, không lọt tai công chúng.
Vì sao Thanh Lam bị ném đá dữ dội?
Phát ngôn của Thanh Lam sở dĩ gây phản ứng dữ dội trong công chúng, đặc biệt là ở một số nghệ sĩ có tiếng tăm, theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long là do: "Có thể họ thấy mình ở trong đó nên 'xù lông' lên. Đó cũng có thể coi đó là một biện pháp tự bảo vệ, một trong những bản năng tồn tại tự nhiên, ai cũng có.
Tôi tin, dù nói gì thì trong thâm tâm, các nghệ sĩ, ai cũng nghĩ và biết việc học hành bài bản, trau dồi kỹ thuật là điều quan trọng".
Còn theo nhạc sĩ Hữu Xuân, phát ngôn của Thanh Lam vô tình đụng chạm tới yếu tố vùng miền. "Nhiều khi 2 làng ở cạnh nhau chỉ vì làng nọ chê làng kia mà nảy sinh mâu thuẫn". Nếu bỏ yếu tố vùng miền đi, câu nói của Thanh Lam chắc chắn không bị phản ứng dữ dội như thế.
Video: Thanh Lam thể hiện ca khúc "Màu hoa đỏ"
Bình luận