• Zalo

Thanh Hóa ra 'quy chế' cấm cửa nhà báo: Ai có quyền cấm công dân làm việc?

Bạn đọcThứ Sáu, 27/06/2014 04:57:00 +07:00Google News

Đây không còn là câu chuyện “quản lý báo chí” mà là chuyện bảo đảm quyền công dân trong một nhà nước pháp quyền.

Đây không còn là câu chuyện “quản lý báo chí” như viện dẫn của lãnh đạo Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa mà là chuyện bảo đảm quyền công dân trong một nhà nước pháp quyền.

Không phải tự dưng mà một quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa lại khiến những người làm báo ở cả 63 tỉnh, TP quan tâm, bởi nó chứa một quy phạm rất hệ trọng là phóng viên (PV) có thể bị “chấm dứt hoạt động” tại một địa phương bởi một cơ quan hành chính.


Với một PV, nhà báo có ký hợp đồng lao động với một cơ quan báo chí thì việc bị “chấm dứt hoạt động” đồng nghĩa với việc họ mất quyền làm việc tại một địa bàn cụ thể. Do vậy đây không còn là câu chuyện “quản lý báo chí” như viện dẫn của lãnh đạo Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa mà là chuyện bảo đảm quyền công dân trong một nhà nước pháp quyền.

Hiến pháp 2013 tại Điều 35 nói rõ: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”; “được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động…”. Bộ luật Lao động tại Điều 5 khẳng định người lao động có các quyền sau đây: “a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”.

Nghề báo tuy có hơi đặc thù hơn so với nhiều nghề khác nhưng đa số người làm báo (PV thường trú) đều làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Báo chí. Ngoài luật lao động như đã dẫn, Điều 15 Luật Báo chí còn khẳng định thêm: “Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Tuy nhiên, người làm báo cũng như nhiều nghề khác hoàn toàn có thể mắc sai sót (như đưa tin sai sự thật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn…) và khi đó họ buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.

Các quy định trong Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn đều nhắc đến hình thức xử lý như rút thẻ nhà báo hoặc những biện pháp xử lý theo luật lao động mà chủ thể thực hiện việc này là Bộ TT-TT hoặc chính cơ quan báo chí. Nghĩa là về mặt nào đó quyền làm việc của nhà báo có bị hạn chế nhưng chỉ có đối tượng là người sử dụng lao động hoặc cơ quan quản lý báo chí ở trung ương là có quyền.


Riêng các câu chữ đề cập tới việc một người bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề thì hiện chỉ có Bộ luật Hình sự, áp dụng đối với một người được chứng minh là phạm tội (thông qua một quy trình tố tụng), tức là việc họ không được hoạt động (làm việc) đó được coi là nhận hình phạt.

Theo bộ luật này: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do tòa án quyết định”. Tại Điều 28 nói rõ: “Hình phạt bổ sung” bao gồm: A) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”.


Như vậy bằng một quy chế, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đe dọa/đã thực hiện quyền của tòa án là tước quyền lao động của một công dân/PV tại một địa bàn cụ thể.

Và như thế chủ thể gánh hậu quả lớn nhất không phải là nhà báo mà chính là xã hội!

» Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Quy hoạch báo chí để tăng chất lượng


Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn