Báo cáo tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương trong cả nước vào chiều 2/7, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, Thanh Hóa đang gặp khó khăn trong việc cân đối giữa tinh giản biên chế và nhu cầu giáo dục.
Cụ thể, Thanh Hóa vẫn đang thiếu giáo viên các cấp THCS, tiểu học và mầm non, trong khi áp lực về tinh giản biên chế và ngân sách rất lớn.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ cho Thanh Hóa được linh động trong vấn đề trên. UBND tỉnh Thanh Hoá kiến nghị Chính phủ cho một số trường mầm non, tiểu học và THCS của tỉnh được tăng học phí theo cơ chế tự chủ giáo dục.
Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này cần khoảng 20.000 giáo viên mầm non, trong khi, số lượng giáo viên mầm non hiện nay của Thanh Hoá chỉ có khoảng 12.000 người.
“Hiện nay, vấn đề biên chế cho giáo viên của tỉnh là rất lớn, nhất là giáo viên mầm non. Theo quy định hiện hành thì giáo viên mầm non ở Thanh Hóa cần khoảng 20.000 người, nhưng hiện tại Thanh Hoá chỉ có khoảng 12.000 giáo viên mầm non. Tỉnh đã xin Chính phủ cho làm hợp đồng hơn 4.000 giáo viên nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn thiếu”, ông Nguyễn Đình Xứng nêu thực trạng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: “Nếu cứ đà này mà tăng biên chế thì rất khó khăn vì Chính phủ không cho phép. Thanh Hóa đã xây dựng một cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển giáo dục.
Nếu không tăng biên chế thì cần nghiên cứu để có cơ chế xã hội hóa các bậc mầm non, tiểu học và THCS theo hướng tăng học phí đối với một số trường tự chủ kinh phí. Các trường có chất lượng dạy cao, tự chủ giáo dục thì để họ tăng học phí".
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng nếu không triển khai theo hướng này, áp lực phải tăng biên chế là rất cao, trong khi khả năng của ngân sách thì hạn chế.
Đáng chú ý, trong năm 2016, Thanh Hóa từng sa thải hàng nghìn giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS.
Cụ thể, tại một số huyện như Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Như Thanh...hàng loạt giáo viên, nhân viên hành chính trong các trường học bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không được ký lại hợp đồng lao động. Đặc biệt, có những giáo viên, nhân viên công tác hàng chục năm vẫn không được ký lại hợp đồng.
Hàng trăm giáo viên ở Thanh Hóa cho rằng việc bị sa thải là “vô lý” và nên đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi.
Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của nhiều giáo viên, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, gây tâm lý hoang mang cho người lao động, ảnh hưởng chất lượng công việc và dư luận không tốt trong xã hội.
Bình luận