Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, hàng vạn người dân Thanh Hóa đang học tập, công tác và sinh sống tại các địa phương này luôn cần sự sẻ chia về mọi mặt để vượt qua cơn hoạn nạn.
Với truyền thống lá lành đùm lá rách, xác định nghĩa tình cao cả với đồng bào xa xứ, chính quyền và người dân Thanh Hóa đã có nhiều hành động thiết thực, thấm đẫm tình cảm nhân ái, nhân văn để gửi đến bà con xa quê.
Thời gian gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều đợt vận động, quyên góp, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, với tuần lễ “Hướng về Thành phố mang tên Bác”.
Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, Thanh Hóa đã huy động gần 1.500 tấn hàng hóa và đang tập kết để vận chuyển bằng đường biển vào TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài ra, để bà con xa quê Thanh Hóa cùng người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam vượt qua khó khăn, dịch bệnh, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đề nghị Hội đồng hương tỉnh, Hội đồng hương các huyện, thị xã, thành phố tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam thường xuyên nắm tình hình, động viên, giúp đỡ đồng hương, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật; phối hợp với chính quyền địa phương sở tại tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức để đưa công dân Thanh Hóa nếu quá khó khăn có nhu cầu thực sự trở về quê nhà.
Với tinh thần đó, ngày 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã ban hành kế hoạch đón công dân tỉnh Thanh Hóa từ TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam có nguyện vọng về quê hương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, các công dân tỉnh Thanh Hóa có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí về quê nếu có nguyện vọng (trước mắt áp dụng cho TP.HCM; sau đó rút kinh nghiệm, căn cứ vào khả năng tiếp nhận của tỉnh sẽ xem xét việc đón công dân ở các tỉnh, thành phố khác).
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trở về tỉnh; bảo đảm tuyệt đối an toàn và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong tiếp nhận, di chuyển công dân trở về địa phương; tổ chức cách ly phù hợp với khả năng tiếp nhận của các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh và phù hợp với điều kiện của tỉnh; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và nơi ăn, ở, sinh hoạt của công dân trong thời gian cách ly tại các khu cách ly tập trung và tại các khách sạn, nhà nghỉ có thu phí.
Dự kiến, việc đón công dân về quê sẽ chia làm 3 đợt, triển khai từ ngày 30/7/2021 đến ngày 22/9/2021, với số lượng khoảng 1.000 người. Đối tượng tiếp nhận cũng được quy định rõ: Người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do mất việc làm; người già trên 65 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em dưới 15 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; phụ nữ mang thai thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác.
Trước đó, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên chủ động đón công dân từ vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang về quê, với hàng ngàn người, được chăm lo chu đáo chỗ ăn ở, cách ly...
Có thể nói, với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, từ xưa đến nay, mỗi khi đồng bào Thanh Hóa xa xứ gặp khó khăn, hoạn nạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh lại một lòng một dạ, huy động mọi nguồn lực để sẻ chia, đùm bọc, cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực, hướng đến ngày thái lai.
Bình luận