• Zalo

Thanh Hóa: Cuộc chuyển mình trăm năm của Sầm Sơn

Kinh tếThứ Ba, 05/07/2016 07:02:00 +07:00Google News

Cuộc chuyển mình mang tầm thế kỷ để chuẩn bị kỷ niệm 110 năm người Pháp khám phá ra vẻ đẹp kỳ thú của bãi biển Sầm Sơn trong cuộc trò chuyện với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khiến chúng tôi ngỡ ngàng…

“Chẳng lẽ cứ rau má mãi…”

Căn phòng của Bí thư Chiến vẫn chồng chất tài liệu, sách báo như ngày ông còn là Chủ tịch tỉnh. Trên bàn còn có cả những cuốn sách về văn hóa, thơ ca. Ông Chiến là người ham đọc sách. Ông thuộc khá nhiều thơ ca hò vè. Mà không phải chỉ thuộc, nhiều lĩnh vực, ông còn hiểu như một chuyên gia thực thụ. Tôi biết được điều này vì từ ngày ông Chiến còn phụ trách mảng NN&PTNT, rồi lên làm lãnh đạo tỉnh…, tôi đều có nhiều dịp trò chuyện, tiếp xúc, sẻ chia.

Thế nên, khi nhắc đến câu chuyện xây dựng thương hiệu xứ Thanh, ông Chiến nói luôn: “Chẳng lẽ, chúng ta cứ mãi lấy hình ảnh rau má để nói về Thanh Hóa?. Thanh Hóa thời đại mới, ngoài kế tục truyền thống còn phải có những giá trị mới, hình ảnh mới. Đã qua rồi cái thời đói rét, rau má sắn khoai. Thế thì, Thanh Hóa ngày nay phải là hình ảnh của sự no ấm, giàu đẹp và văn hóa”.

Chien 7

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến: "Thanh Hóa ngày nay phải là hình ảnh của sự no ấm, giàu đẹp và văn hóa”. Ảnh Đức Thuận 

Từ suy nghĩ đó, Bí thư Chiến quyết chọn Sầm Sơn là điểm đột phá. Năm 2017 là tròn 110 năm người Pháp phát hiện ra Sầm Sơn. Trong 2 năm vừa qua, Sầm Sơn đã xóa được những tai tiếng kéo dài hàng chục năm qua. Điều gì đã làm nên kỳ tích đó?.

Đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thanh Hóa tập trung nghiên cứu, vạch ra kế hoạch để làm sao tìm hướng đi mới cho Sầm Sơn. Nhìn lại tất cả địa danh, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh miền quê…, cái để người ta nhớ đến Thanh Hóa là cái gì?.

“Điều đó khiến tôi cũng như Đảng bộ phải trăn trở rất nhiều. Nghiệm lại tất cả, thì cái để mà người ta nhớ đến là du lịch, là cái mà Sầm Sơn có thể phát triển, du lịch phải là thế mạnh, là cái mà người ta nhắc đến Thanh Hóa, phải nhớ tới Sầm Sơn. Do đó, chúng tôi chọn điểm nhấn là Sầm Sơn”, Bí thư Chiến nói.

Từ khi người Pháp tìm ra Sầm Sơn, đến nay đã hơn 100 năm, nhưng phải sòng phẳng rằng, có những thời điểm hình ảnh Sầm Sơn không được đẹp cho lắm trong mắt du khách. Vì thế, nếu làm tốt hình ảnh Sầm Sơn thì tiếng thơm của Sầm Sơn sẽ bay xa, đến với du khách trong nước và quốc tế. Và chắc chắn, khi đã gây dựng được hình ảnh Sầm Sơn đẹp trong mắt du khách thì hình ảnh Thanh Hóa cũng sẽ thay đổi tốt hơn.

Sam Son FLC

 Sầm Sơn đổi thay từ điểm nhấn FLC 

Suy nghĩ bước đầu là như vậy, có làm được không là câu chuyện khác. Nhưng tôi cũng biết là có rất nhiều khó khăn, vì Sầm Sơn có những đặc thù rất khác biệt. Không thể mang mô hình đã áp dụng thành công ở nơi khác mà Thanh Hóa đã thực hiện thành công để áp dụng vào Sầm Sơn. Hơn nữa, nhiều cản trở khác không dễ gì vượt qua… Điều này sẽ được kể vào một dịp khác.

“Chính vì thế, chúng tôi lo cho sự phát triển của Sầm Sơn từ bước đầu là hạ tầng, mà hạ tầng thì đầu tiên phải tập trung giao thông để giải quyết những nút thắt về kết nối”, ông Chiến kể.

Bí thư Chiến tiếp mạch câu chuyện: “Tôi vẫn còn nhớ năm 2011, tỉnh tổ chức gặp gỡ các lãnh đạo qua các thời kỳ. Hồi đó, đường đi đến Sầm Sơn là quốc lộ 47 có 16 km, nhưng cực kỳ khó khăn, xe 4 chỗ thì đi khó lắm, xe gầm cao thì đi khá vất vả, các ông xuống kêu lắm, bảo tập trung mà làm con đường đi chứ!.

Sầm Sơn có tiếng như vậy, Thanh Hóa cũng lớn như thế mà lại để con đường bôi bác như thế. Lúc đó, chúng tôi mới nghĩ, thôi về phải làm đường mới thôi, nhưng thực sự tiềm lực kinh tế của tỉnh năm 2011 khó khăn lắm. Làm sao bây giờ?”.

Qua nhiều sự vận động, đoạn đường từ TP.Thanh Hóa đi Sầm Sơn được Bộ GTVT quan tâm, nhưng lúc đó, Bộ mới ghi vào kế hoạch để đầu tư thôi, chứ chưa có nguồn kinh phí để cân đối cho dự án này. Sau đó, lãnh đạo tỉnh có ra làm việc với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và được cho tỉnh vay tiền, ứng tiền để làm đoạn đường này.

“Năm 2012, tôi yêu cầu ông Giám đốc Sở GTVT Trịnh Tuấn Sinh là: Toàn bộ tiền nong, tỉnh đã cân đối các mặt đầy đủ, nên đến ngày 20/4/2012, tức là trước lễ khai trương hè Sầm Sơn là phải thông. Đến bây giờ, mọi người vẫn còn nhắc chỉ đạo của tôi: Nếu 20/4 mà không xong con đường đó thì ông mang ghế Giám đốc Sở GTVT lên cho tôi”.

Xong đoạn đường đó năm 2012, lãnh đạo tỉnh tiếp tục trăn trở suy nghĩ xây dựng thương hiệu Sầm Sơn. Bí thư Chiến nói thật lòng rằng, thực sự là không biết cách làm như thế nào. Tỉnh đã cho rà soát lại các dự án ở Sầm Sơn thấy, giao dự án cho rất nhiều các nhà đầu tư, nhưng các nhà đầu tư làm chỉ đếm trên đầu ngón tay, không quá 10%. Hiệu quả cực kỳ thấp.

“Sau đó, tôi phải quyết liệt rà soát và thu hồi các dự án treo, và tập trung sức lực cho các dự án thi công. Lúc đó, phải nói công lớn nhất thuộc về anh Lê Đình Thọ (Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh), bây giờ là Thứ Trưởng Bộ GTVT. Nhiều đối tác lớn như ACB, rồi các doanh nghiệp Hàn Quốc… vào cuộc xin dự án nhưng “làm như mèo mửa”. Tỉnh quyết thu hồi, rồi cuối năm 2012, tỉnh thuê tư vấn nước ngoài làm toàn bộ quy hoạch để phát triển đô thị biển Sầm Sơn, báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định…, rồi kêu gọi được 3 nhà đầu tư nhưng cuối cùng “không ông nào làm cả”.

Năm 2014, Tập đoàn FLC vào cuộc, trở thành đòn bẩy lớn, đưa Sầm Sơn phát triển thần kỳ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, 20 ngày, Thanh Hóa đã hoàn thành thủ tục cho Tập đoàn FLC, với ba dự án lớn (xây dựng khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế, hội trường 1.300 chỗ ngồi - hội trường lớn nhất trong tất cả các tập đoàn tư nhân đầu tư tại Việt Nam và sân golf 18 lỗ).

“Ba dự án như vậy mà chúng tôi làm tất cả thủ tục chỉ trong vòng 20 ngày, tổng số vốn là 5.500 tỷ đồng. Nói thật, bây giờ chắc không làm được, lúc đó là một sự cố gắng phi thường”, ông Chiến nhắc lại kỳ tích.

Vẫn lời Bí thư Chiến: “Lúc đó, tôi nhớ là anh Nguyễn Bình Vũ (Giám đốc Sở KH&ĐT) là tổng chỉ huy toàn bộ cái đó cho tôi. Tôi đang đi học lớp bồi dưỡng chính trị, cứ hết buổi là điện về, xem làm đến đâu rồi, vướng cái gì thì giải quyết ngay cái đó.

Chien moi 22

Theo Bí thư Trịnh Văn Chiến, Sầm Sơn đã làm cuộc chuyển mình mang tầm thế kỷ. Ảnh Đức Thuận 

Trong 9 tháng trời, FLC hoàn thành 3 dự án này, một sự tổ chức và quản lý thi công quá suất sắc. Nói là 9 tháng nhưng thực tế là 27 tháng, vì làm 3 ca. Tết vẫn làm, không nghỉ, đầu tư là phải vậy, rút ngắn thời gian và khai thác.

Sau đấy, khánh thành thì Tổng cục Du Lịch cấp giấy chứng nhận đạt quần thể 5 sao đầu tiên của Việt Nam. Khách sạn 5 sao ở Việt Nam thì nhiều nhưng quần thể sân golf, hội trường… đạt đủ 5 sao thì chưa có”.

Mùa đông năm 2015 sang 2016 là năm ghi dấu ấn phá vỡ khái niệm “du lịch một mùa” của Sầm Sơn. Bởi, bao năm nay, Sầm Sơn chỉ có một mùa hè thôi, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh nói làm sao Sầm Sơn phải chuyển thành du lịch 4 mùa nhưng chưa làm được. Nhà đầu tư FLC vào và họ tổ chức kinh doanh và có cách làm của họ, từ 1 mùa thành 4 mùa, rất hiệu quả.

“Sau đó, chúng tôi thấy rất lo, nhất là khai trương hè năm 2015. Lúc đấy, FLC Sầm Sơn chưa khánh thành, tôi nhớ hôm đấy tắc đường 6 tiếng đồng hồ, từ 3h chiều đến 9h đêm, chúng tôi đã phải yêu cầu công an tỉnh tập trung mới giải quyết, rất lo nếu đến năm 2016 không có con đường nào thêm nữa và với tên tuổi FLC như thế thì sẽ không thể đủ để phục vụ du khách.

Chúng tôi chỉ đạo làm rất quyết liệt, sau đó được mở tiếp một con đường Đại lộ Nam Sông Mã từ cầu Nguyệt Viên đi xuống Sầm Sơn và thông đường vào ngày 20/4/2016 và ngày 23/4/2016 thì khai mạc hè Sầm Sơn và đến Sầm Sơn bây giờ có 2 đường lên xuống, cơ bản đáp ứng được việc đi lại trong năm nay”, Bí thư Chiến phấn khởi.

Sam Son van minh

 Sầm Sơn sạch đẹp, văn minh, trật tự khác với hình ảnh nhếch nhác, bệ rạc và nạn "chặt chém" trước kia.

Trước đó, Sầm Sơn tai tiếng vì nhếch nhách, bẩn thỉu, bệ rạc, rồi nạn chặt chém mà người ta hay nói là “chín tháng mài dao để ba tháng chặt chém”… Bí thư Chiến đã nhiều lần họp và Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chiến lược xây dựng du lịch Sầm Sơn, như cải tạo đường Hồ Xuân Hương – con đường quan trọng nhất của khu du lịch, rồi đầu tư giao thông, hạ tầng, nâng cấp bãi biển…

Sầm Sơn giờ lung linh như tiên cảnh.

Chưa dứt nỗi lo

“Đêm hôm nọ, tôi trằn trọc nghĩ, phải chăng mình dừng ở đây, phải chăng tiềm năng khai thác Sầm Sơn như thế là hết?. Không phải, mà bắt đầu ý tưởng phải đưa Sầm Sơn lên thành phố, xây dựng thành phố hiện đại, đẹp có tiếng, đáng sống ở Việt Nam. Tôi đã bàn với các anh trong Thường trực Tỉnh ủy và ra văn bản chỉ đạo”, Bí thư Trịnh Văn Chiến trăn trở.

Theo đó, Thanh Hóa quyết đưa những tập đoàn hàng đầu thế giới về giúp quy hoạch, sau đó tập trung đầu tư. Trong tương lai, Sầm Sơn là thành phố dịch vụ du lịch. Không thể là phát triển nông nghiệp, không công nghiệp, chỉ hướng tới dịch vụ, du lịch.

Năm 2017, kỷ niệm 110 năm người Pháp tìm ra Sầm Sơn, Thanh Hóa sẽ đồng thời công bố Sầm Sơn lên thành phố. “Hiện giờ, các tiêu chí đã đủ hết rồi. Sau đó là đầu tư xây dựng, trong 5 – 7 năm cơ bản thành thành phố hiện đại, đáng sống, chứ không phải thành phố chặt chém”, ông Chiến quyết tâm.

Chien moi 17

Bí thư Trịnh Văn Chiến hào hứng trò chuyện với PV VTC News về sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng xứ Thanh giàu đẹp, văn minh. Ảnh Đức Thuận 

Theo Bí thư Chiến, sắp tới Thanh Hóa sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ mở cầu Quảng Châu và làm đường ven biển nối Sầm Sơn với Nghi Sơn, khu công nghiệp năng động nhất cả nước với tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD. Dự án lọc hóa dầu năm 2018 sẽ có sản phẩm thương mại, rồi cảng Thọ Xuân với công suất lên tới 1 triệu lượt khách trong năm 2016, và tới đây sẽ lên rất nhanh.

Cái khó nhất là xây dựng văn hóa trong việc làm du lịch. Điều gì làm nên thay đổi ở Sầm Sơn?. Ông Chiến nói rằng: “Lấy ví dụ đơn giản thế này, anh đi trong khách sạn 5 sao, anh không thể lỗ mãng được, anh không thể vứt rác được, tự mình sẽ thấy xấu hổ.

Câu chuyện văn hóa đầu tiên phải quay lại câu chuyện hạ tầng. Còn nhanh hay chậm ở cấp ủy chính quyền, nhanh thay đổi được văn hóa ứng xử, cộng đồng .. chính là ở bộ máy lãnh đạo các cấp. Phải tuyên truyền vận động thuyết phục và có chế tài xử lý”.

VIDEO: Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News.

“Đi ra ngoài nói Sầm Sơn nhức nhối, xấu hổ lắm. Ngày trước, cả đất nước nói chặt chém là nghĩ đến Sầm Sơn, xấu hổ, nhục lắm, mà nhục thì phải rửa, phải kiên quyết. Bước đầu đã thay đổi và đã có kết quả”, Bí thư Chiến khẳng định.

Tôi vẫn còn nhớ cái cách mà ông Phạm Duy Phương (Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa) hồ hởi tâm sự rằng, Bí thư Trịnh Văn Chiến và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng rất coi trọng công tác phát triển văn hóa, du lịch. Chính vì thế, ngoài những thành tựu về kinh tế, hình ảnh văn minh, nhân ái của xứ Thanh đã được định hình vững chắc trong tâm trí của người dân trong và ngoài tỉnh...

Đức Kế (còn nữa)
Bình luận
vtcnews.vn