Đời sống

Thanh âm Paranưng, ai còn 'giữ lửa'?

Thứ Sáu, 14/07/2023 06:59:00 +07:00

(VTC News) - Trong cuộc đời làm báo, tôi từng tham dự nhiều lễ hội của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận và rất ấn tượng với những âm thanh rộn ràng, trong đó có tiếng trống Paranưng

Paranưng- linh hồn của lễ hội, tiếng trống từng đi vào ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến. Đi sâu tìm hiểu, tôi khám phá những điều thú vị xung quanh chiếc trống huyền thoại này.

Video: Nghệ nhân Hán Quân và hành trình "giữ lửa" Paranưng

Paranưng - Tiếng trống ru lòng

Pa ra Paranưng!

Ôi tiếng trống ru lòng tôi

Ru êm ru êm con thuyền

Mênh mông bờ sông vắng

… Tôi yêu tiếng em ca

Tôi yêu Paranưng!

Nhạc sĩ Trần Tiến từng kể, ông viết ca khúc “Tiếng trống Paranưng” vào khoảng năm 1984, ca ngợi văn hóa Chăm với chiếc khăn Mat’ra, tiếng ca Atidza và tiếng trống Paranưng huyền thoại. Vùng đất người Chăm Ninh Thuận xưa gọi là Panduranga.

Thanh âm Paranưng, ai còn 'giữ lửa'? - 1

Ông Hán Quân (74 tuổi, ở thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) được xem là “báu vật” về nhạc cụ truyền thống Chăm, bởi lẽ, ông không chỉ là một Maduen (Mư tùn - thầy cúng lễ tín ngưỡng dân gian phục cho lễ hội`), mà còn là nghệ nhân chế tác và biểu diễn thuần thục hầu hết nhạc cụ truyền thống Chăm, trong đó có trống Paranưng.

Đến thăm nghệ nhân Hán Quân vào một chiều mưa trung tuần tháng 6, từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng trống Paranưng, trống Ghinăng, lúc khoan thai, lắng dịu, lúc rộn ràng náo nức, vang dội khắp xóm nhỏ.

Bên ly trà ấm, nghệ nhân Hán Quân cho hay, từ hồi nhỏ, ông thường hớn hở đi xem những người lớn tuổi trong làng biểu diễn trống Paranưng vào các dịp lễ hội Katê. Mỗi lần đi xem biểu diễn, nhìn các nghệ nhân chơi trống, ông rất thèm được chơi. Rồi ông lân la đến nơi đặt trống xin vỗ thử, xin theo học.

Thời gian đầu, âm thanh phát ra chỉ là tiếng trống khô khan vụng về. Vỗ mãi, tập riết, khi hai bàn tay Hán Quân chai cứng cũng là lúc nhiều người bắt đầu khâm phục tiếng trống "có hồn" của chàng trai trẻ người Chăm.

Theo lão nghệ nhân, kèn Saranai, trống Paranưng và trống Ghinăng là bộ ba nhạc cụ không thể thiếu, tạo nên linh hồn trong các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội Chăm, tượng trưng cho con người và vũ trụ thu nhỏ. Trong đó, trống Paranưng được xem là biểu trưng cho lồng ngực, biểu hiện cái tâm con người. Kèn Saranai là phần đầu và trống Ghi-năng là phần chân. Ba nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện vào nhau.

Người đánh trống Paranưng được gọi là “ông thầy vỗ”, vì khi diễn tấu, trống được đặt ở trước bụng, rồi sử dụng các ngón của hai bàn tay vỗ (chứ không dùng dùi) vào những vị trí khác nhau trên mặt trống tạo các âm có màu sắc: tìn, tin, tắc.

Thanh âm Paranưng, ai còn 'giữ lửa'? - 2

Trống Paranưng là vật tổ của thầy cúng trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian và lễ hội.

Trống Paranưng góp mặt trong lễ Rija Nagar để cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được sống ấm no hạnh phúc, không thể thiếu trong lễ hội Katê tưởng nhớ các vị thần, hay lễ nhập Kud (lễ chọn khu đất để làm nhà).

Paranưng tạo nên những điệu Theimai rộn ràng mừng đôi lứa trong ngày cưới…

“Trống Paranưng là vật tổ của thầy cúng trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian và lễ hội. Cùng với trống Ghinăng và kèn Saranai, nhịp trống Paranưng vang lên điệu nhạc gì thì các nhạc cụ khác hòa theo, tạo nên hợp âm sôi nổi, rộn ràng mà lung linh, huyền ảo. Bộ ba nhạc cụ này luôn có mặt trong các nghi lễ tín ngưỡng và lễ hội, không thể tách rời nhau”, nghệ nhân Hán Quân chia sẻ.

Các bài nhạc khi đánh trống Paranưng phải có quy tắc và giai điệu nhất định. Một bài trống Paranưng dài hay ngắn đều phụ thuộc vào điệu múa của lễ hội đó. Tâm có sáng thì vỗ mới có hồn.

Trống Paranưng cũng như trống Ghinăng và kèn Saranai gồm có 72 bài nhạc, đại diện cho tên của 72 vị thần trong tín ngưỡng văn hóa Chăm. Mỗi nghi lễ hay lễ hội khác nhau thì cất lên mỗi bài nhạc khác nhau, được ví như những lời ca ngợi của con cháu gửi đến những vị thần linh”, nghệ nhân Hán Quân nói.

Giờ đây, lão nghệ nhân rong ruổi khắp miền cát trắng nắng vàng để biểu diễn phục vụ các lễ hội, đưa tiếng trống Paranưng truyền thống đến với bà còn khắp các làng gần, làng xa.

Bí quyết để có trống tốt

Không chỉ biểu diễn thuần thục, nghệ nhân Hán Quân còn nổi tiếng vì chế tác được hầu hết các nhạc cụ Chăm, trong đó có trống Paranưng.

Thanh âm Paranưng, ai còn 'giữ lửa'? - 3

Để làm được chiếc trống Paranưng tốn không ít công sức, thông thường phải mất một tháng với rất nhiều công đoạn

Xoay xoay chiếc trống Paranưng trên tay, nghệ nhân Hán Quân chia sẻ, Paranưng là loại trống tròn, có 3 âm chính: tác, tăm, tằm.

Trống Paranưng chỉ có một mặt. Thế nhưng, để làm được chiếc trống Paranưng tốn không ít công sức, thông thường phải mất một tháng với rất nhiều công đoạn, từ việc chọn gỗ, chọn da và phơi khô, canh chuẩn thời gian căng mặt trống để có được cặp trống có âm thanh hay. Trống được làm ra theo cặp cái - đực, âm - dương, phản ánh đúng văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Chăm.

Trước tiên, người thợ phải đặt mua khúc gỗ lim hoặc gỗ mít có đường kính 45 - 50 cm, cao 12 cm, sau đó, đem gỗ về đục rỗng phần ruột để giữ lại thân trống với độ dày từ 4 - 5cm. Khi chế tác hoàn thiện, thân trống có hình tròn, dày chừng 1,5 - 2 cm. Trống có âm thanh chuẩn nhất khi được làm từ cây gỗ lũa (loại gỗ bị rỗng ruột một cách tự nhiên), kết hợp với dây nịt và mặt trống làm bằng da trâu tơ, nhưng rất khó kiếm được loại gỗ này.

Mặt trống bịt da trâu non hoặc da dê. Để làm căng mặt trống, người thợ sử dụng 70 - 80 nút dây mây luồn qua mặt da, kéo căng rồi cố định 12 chốt (nem) bằng gỗ cà chít (mỗi chốt dài khoảng 8cm, dày 1cm) vào vòng tròn bằng tre phía sau mặt trống. Các con nem này có vai trò vừa làm căng mặt trống, vừa dùng để căn chỉnh âm thanh. Các con nem to ở phần góc, nhỏ dần tới ngọn.

Thanh âm Paranưng, ai còn 'giữ lửa'? - 4

Mặt trống bịt da trâu non hoặc da dê.

Khi người sử dụng trống đẩy chốt gỗ vào càng sâu thì mặt trống càng căng ra, âm trống nghe vang hơn. Ngược lại, thì âm thanh sẽ dịu ấm hơn. Ngoài ra, trống Paranưng còn được tô vẽ nhiều họa tiết khác nhau trên mặt trống để trang trí.

Trân trọng giá trị nhạc cụ truyền thống Chăm, nghệ nhân Hán Quân dành hẳn căn phòng rộng hơn 30 mét vuông làm “xưởng sản xuất”. Tại đây, ông chất đầy thiết bị, vật tư phục vụ cho nghề chế tác nhạc cụ và vật dụng phục vụ các hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Chăm như mâm cao, chapa đội trầu, kèn ốc, các loại trống.

Trong đó, có chiếc lọng rước y trang của nữ thần Pô Inư Nưgar ở làng Hữu Đức vào dịp Katê hàng năm được ông đan rất công phu, thể hiện lòng biết ơn đối với nữ thần dạy dân làng cày cấy, dệt vải, chăn nuôi gia súc.

Ông Quân cho biết, qua hơn 50 năm chế tác, “xưởng” của ông đã cung cấp cho đồng bào Chăm trong và ngoài tỉnh hàng trăm bộ trống Paranưng với giá mỗi chiếc từ 4-5 triệu đồng.

Nghề chế tác trống Chăm rất tỉ mỉ, công phu, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và tinh thần trách nhiệm của người thợ. Mỗi chiếc trống trước khi “xuất xưởng” phải được căn chỉnh, bảo đảm âm thanh chuẩn và sử dụng lâu bền”, nghệ nhân Hán Quân cho hay.

Với nghệ nhân Hán Quân, cả cuộc đời ông sống với đam mê làm trống và chơi trống Paranưng. Ông còn thì trống còn. Ngày nào ông còn sức lực thì âm thanh của trống Paranưng vẫn đều đặn vang lên.

Thanh âm Paranưng, ai còn 'giữ lửa'? - 5

Ông Hán Quân truyền dạy cách chơi trống cho học trò.

Đi tìm truyền nhân làm trống, chơi trống Paranưng

Không phải ngẫu nhiên ông Hán Quân được gọi là “báu vật” của đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước trong lĩnh vực chế tác vả biểu diễn các nhạc cụ truyền thống, tiêu biểu là trống Paranưng. Giữ được "đời sống tinh thần ấy" là cả một đời cặm cụi sương gió, nhiệt huyết và đam mê của ông.

Vuốt ve chiếc trống Paranưng, lão nghệ nhân Hán Quân bỗng buông tiếng thở dài và cho biết, người làm trống phải biết nắm rìu, biết bào, đục, đẽo gỗ, nên rất khó tìm truyền nhân. Thêm nữa, Pananưng là loại nhạc cụ đơn giản nhưng sử dụng lại rất khó.

Để chơi thành thạo loại trống này, người đánh trống phải trải qua thời gian dài theo học ở thầy vỗ trống Maduen. Đám trẻ ngày nay chẳng mấy ai còn thiết tha với làm trống, chơi trống nữa. Không biết tiếng trống Paranưng sẽ còn "sống" được đến bao lâu khi người "nối dõi" đang ngày càng "cạn kiệt"?

Nỗi lo ấy cứ đằng đẵng theo ông vào cả trong giấc ngủ. Vì vậy, nghệ nhân Hán Quân đã tự nguyện truyền dạy kỹ thuật chế tác và biểu diễn nhạc cụ, nhất là trống Paranưng và Ghinăng cho thanh niên địa phương.

Điều khiến lão nghệ nhân cảm thấy được an ủi là trong những năm tháng đau đáu tìm người “giữ lửa” cho Paranưng, dù không nhiều, nhưng vẫn có những thanh niên đam mê theo học. Một số học trò của ông đã trở thành Maduen hoặc nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ phục vụ cộng đồng Chăm.

Anh Đàng Phi Long Khánh, học trò của nghệ nhân Hán Quân cho biết, khi truyền dạy, nghệ nhân Quân viết các ký hiệu 72 bài về trống Paranưng để anh vỗ theo.

 “Thầy Quân chỉ vẽ tôi rất tận tình. Mỗi buổi tối, ông thường gọi tôi qua nhà để chỉ và luyện kỹ thuật đánh trống Paranưng. Bản thân tôi rất tự hào được làm học trò của nghệ nhân Hán Quân. Ông yêu thương và tận tâm truyền dạy bài bản vỗ trống cho học trò”, anh Khánh chia sẻ.

Như để chứng minh cho kết quả truyền dạy của mình, nghệ nhân Hán Quân và học trò đã biểu diễn vỗ trống Paranưng và Ghinăng cho chúng tôi xem. Với các động tác nhuần nhuyễn, đôi bàn tay điêu luyện, uyển chuyển, tiếng Paranưng cùng Ghinăng vang lên rộn ràng, bập bùng như vũ điệu cuồng say, lung linh như vào chốn tâm linh huyền ảo…

Nhạc cụ là thành tố quan trọng tạo nên phần hồn lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm là phương tiện nghệ thuật lôi cuốn người xem về với lễ hội, và ngược lại lễ hội Chăm chính là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn nhạc cụ Chăm.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, đặc biệt là bộ nhạc cụ truyền thống Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ các địa phương có người Chăm mua sắm và truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ, thiết bị âm thanh, dụng cụ…, đồng thời, khuyến khích đồng bào Chăm thành lập nhiều câu lạc bộ phổ biến truyền nghề nhạc cụ dân tộc Chăm.

Như Thừa
Bình luận
vtcnews.vn