HLV Park Hang Seo nói rằng tuyển Việt Nam vẫn chưa đạt đến đỉnh cao. Công bằng mà nói, toàn đội không chơi hay hơn chủ nhà Thái Lan. Bàn thắng duy nhất cũng là tình huống may mắn khi bóng chạm tay thủ môn Kawin Thamsatchanan nhưng không đi vọt xà mà lao thẳng vào lưới.
Chiến thắng của bản lĩnh. Đúng, nhưng không phải lúc nào các học trò của thầy Park cũng có thể căng sức chơi ở cường độ cao và phụ thuộc vào may mắn. HLV người Hàn Quốc và đội tuyển cần khắc phục điểm yếu, không chỉ để đá tốt trận chung kết với Curacao, mà còn là hướng tới vòng loại World Cup 2022 với không ít chông gai, thử thách.
Video: Việt Nam 1-0 Thái Lan
Nỗi lo tuyến giữa
Bộ đôi tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam đã chơi không tốt. Đội bóng áo đỏ khó khăn trong khâu luân chuyển bóng và phòng ngự tuyến hai. Nhiều thời điểm, gần như Việt Nam không có cơ hội lên bóng, khiến Anh Đức, Quang Hải hay Văn Toàn phải lùi về phần sân nhà để tìm cơ hội.
Trở lại ĐTQG sau 521 ngày, Tuấn Anh có hiệp 1 khó khăn khi thua thiệt trong các pha tranh chấp tay đôi với Thitiphan Puangjan hay Sarach Yooyen. Tiền vệ của HAGL lạc nhịp trong hệ thống của thầy Park và không đóng góp được nhiều trong khâu phòng ngự. Tuấn Anh được "nắn" trong khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp, nhờ đó mới có hiệp 2 chất lượng hơn.
Hùng Dũng vẫn xông xáo, năng nổ như thường thấy, song cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC lại không kết nối được lối chơi trong khoảng 60 phút đầu. Thái Lan nghiên cứu rất kỹ cách triển khai tấn công của tuyển Việt Nam nên tập trung số đông để bít đường vào trung lộ, thậm chí đá rắn, đá rát khiến Quang Hải, Tuấn Anh không thể rê dắt, phải đẩy bóng sang hai biên.
Tuyển Việt Nam thường gặp khó khăn khi đối thủ pressing quyết liệt ở khu trung tuyến. Khi ấy, khả năng phối hợp nhịp nhàng của bộ đôi tiền vệ trung tâm với các vệ tinh xung quanh là rất quan trọng. Curacao, với nền tảng thể lực và tốc độ vượt Thái Lan, hứa hẹn sẽ mang tới cho tuyển Việt Nam bài kiểm tra thể lực "kinh hoàng" hơn nữa. Liệu đội bóng áo đỏ có thể đứng vững?
Thiếu sáng tạo trong lối chơi
Trong cuộc so tài ở vòng loại U23 châu Á 2020, U23 Thái Lan cũng dùng số đông ở tuyến giữa để "bóp nghẹt" đường lên bóng của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, khoảnh khắc Văn Hậu từ cánh bất ngờ xuyên phá vào giữa để chọc khe cho Đức Chinh đã thay đổi cục diện.
Để phá vỡ lớp tuyến hai dày đặc, tuyển Việt Nam cần đột phá cá nhân xuyên qua các tầng phòng ngự cùng những đường chuyền xuyên tuyến - hai yếu tố không xuất hiện nhiều trong trận đấu tối qua. Các cầu thủ đã chơi tương đối cầu toàn, ngay cả với Quang Hải, người được đánh giá cao nhất ở khả năng sáng tạo.
Thậm chí, nếu không có pha sút phạt khoảng 35m (thủ môn Kawin bắt gọn) hay cú đá tuyến hai chệch cột trong hiệp 2, rất khó tìm thấy Quang Hải ở đâu trong hệ thống tấn công.
Không khó giải thích cho sự mờ nhạt của Quang Hải. Thái Lan hiển nhiên phải vạch ra phương án theo kèm rất sát với ngôi sao số 1 của tuyển Việt Nam. Theerathon Bunmathan, Thitiphan, Tristan Do đều được chỉ đạo bám chặt Quang Hải, không để số 19 có khoảng trống làm bóng hay đột phá.
Quang Hải thu hút được số đông cầu thủ Thái Lan theo kèm, để lại khoảng trống cho Văn Toàn, nhưng tiền đạo của HAGL lại thiếu sự đột biến để gây bất ngờ. Hầu hết những pha xử lý của Văn Toàn như sút chéo góc, căng ngang đều bị Suphan hay Adisorn Prompac bắt bài cản phá.
Video: 4 phút bù giờ nghẹt thở của Việt Nam trước Thái Lan
Anh Đức ghi bàn, nhưng...
Theo chuyên gia Phan Anh Tú, tuyển Việt Nam vẫn thiếu một mẫu tiền đạo "ăn chịu" có sức mạnh, sức bật tốt, di chuyển nhiều. Anh Đức hoàn thành nhiệm vụ với bàn thắng ở phút bù giờ cuối cùng, nhưng nhìn chung, "lão tướng" của Becamex Bình Dương vẫn là phương án ngắn hạn do giới hạn tuổi tác. Về lâu dài, HLV Park Hang Seo vẫn cần một tiền đạo toàn diện.
Anh Đức gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu với những trung vệ to khoẻ của Thái Lan, đồng thời không thực sự phù hợp nếu tuyển Việt Nam cần một "chim mồi" di chuyển rộng, mở ra khoảng trống và kết nối lối chơi.
Đức Chinh non kinh nghiệm, Alexander Đặng cần theo dõi thêm, còn Công Phượng đang có trạng thái tâm lý không tốt, nên cơn đau đầu cho vị trí mũi nhọn vẫn ám ảnh BHL tuyển Việt Nam. Khi đối thủ phong toả những cầu thủ sáng tạo, sự xuất hiện của một trung phong giàu kinh nghiệm và độc lập tác chiến tốt là điều tuyển Việt Nam đang mải miết tìm kiếm.
Dấu hỏi phòng ngự tuyến hai
Rất nhiều lần trong trận tối qua, những tiền vệ Thái Lan như Thitiphan, Sarach hay Supachok Sarachat có khoảng trống ngay sát vòng cấm của Văn Lâm để dứt điểm. Tuyển Việt Nam vẫn gặp vấn đề khi đối phương đẩy bóng dội ngược lại tuyến hai. Khả năng đảm bảo vị trí của các trung vệ cũng như lùi về phòng ngự của tiền vệ là chưa tốt. Tình huống 4 cầu thủ Việt Nam nhìn Thitiphan tung chân dứt điểm là minh chứng.
Nếu Thái Lan khai thác điểm yếu này với nhiều pha chọn vị trí hợp lý hơn, rất có thể khung thành tuyển Việt Nam đã chao đảo thêm nhiều lần.
Cự ly phòng ngự của đội khách chỉ được giữ tốt khi Thái Lan gây sức ép đều đặn, có cường độ. Ngược lại, khi đối thủ bất ngờ tăng tốc hoặc chuyển hướng tấn công, hệ thống phòng ngự hay rơi vào trạng thái mất phương hướng, để lộ nhiều khoảng trống. Pha chơi "bóng chuyền" của Tiến Dũng hay tình huống Duy Mạnh bị qua mặt cho thấy các nhân tố hàng thủ cũng chưa chơi với đúng 100% khả năng.
Có thể thông cảm cho các học trò của thầy Park khi tuyển Việt Nam bị "vắt sức" bởi V-League và cũng chưa có nhiều thời gian tập luyện cùng nhau.
Bình luận