7,2 tỷ USD, con số kỷ lục của Việt Nam về thặng dư thương mại trong năm 2018 từ Tổng Cục Thống Kê đưa ra cuối năm 2018. Con số vừa mới được Tổng Cục Hải Quan đưa ra là 6,8 tỷ USD, dù có thấp hơn đôi chút so với ban đầu nhưng đây là kết quả mang nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nước ta vừa trải qua một giai đoạn thâm hụt thương mại kéo dài.
Xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần rất lớn vào mức tăng trưởng GDP 7,08% của năm 2018. Đồng thời, tác động tích cực lan toả lên mọi chỉ số khác như việc đóng góp nguồn ngoại tệ lớn, giúp dự trữ ngoại hối VN tăng lên mức cao nhất sau nhiều năm. Ngoài ra, tỷ giá USD/VNĐ cũng tương đối ổn định so với các đồng tiền khác khi đồng USD có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018.
Năm 2017 và 2018 là sự tiếp diễn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng trưởng mạnh. Có thể thấy nguồn gốc của tăng trưởng GDP nêu trên có sự đóng góp lớn của FDI.
Theo Tổng Cục Hải Quan, 65,2% là tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của hơn 10 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI là 70,5% và nhập khẩu của khu vực FDI gần 60%.
Như vậy, khối FDI xuất khẩu 172 tỷ USD và 142 tỷ USD nhập khẩu trong năm 2018. Con số xuất siêu của khối này đạt tới 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng chính điều này khiến rất nhiều người lo ngại: Liệu kinh tế VN có thực sự tốt nếu như chúng ta phụ thuộc nhiều vào FDI? Liệu rằng điều đó có thực sự tốt không khi mà hiện nay, rất nhiều FDI đang hưởng lợi rất lớn từ chính sách hay việc chúng ta không có nhiều doanh nghiệp phụ trợ nội địa được hưởng lợi giam gia vào chuỗi cung ứng?
“Có phải chăng chúng ta đang kỳ vọng quá nhiều?”, đó là câu trả lời của Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khi nói đến chủ đề này. Theo TS Hiển, chúng ta phải nhìn nhận khách quan hơn. Chúng ta đã giảm được thâm dụng vốn đầu tư công, rồi đầu tư tràn lan gây thất thoát ngân sách, giảm được việc bơm tín dụng cao vào nền kinh tế, nợ xấu,… mới duy trì được GDP, thì năm nay chúng ta không bị những áp lực đó chính nhờ vào FDI.
“Xét về bản chất, tăng trưởng từ FDI là tăng trưởng sản xuất, so với việc tăng trưởng nóng về tín dụng về đầu tư công thì doanh nghiệp sản xuất tạo được nhiều việc làm hơn. Việc làm giúp cho người lao động có thu nhập tăng lên và thu nhập thông qua tiêu xài thẩm thấu vào kinh tế tiêu dùng”, TS Đinh Thế Hiển nhận định.
“Thử hình dung xem một địa phương đông dân, không thể dựa hết vào nông nghiệp; làm sao để lao động địa phương có việc làm và kinh tế nông thôn phát triển? Tôi đã thấy những cô gái Bến Tre (một địa phương ở miền Tây) chỉ tốt nghiệp trung cấp kế toán địa phương đã có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng nhờ vào khu công nghiệp địa phương với các công ty FDI; mà trước đây khi còn đi học cũng không biết ra trường xin việc như thế nào.
Với nhiều người lao động địa phương có việc làm để tạo nhu cầu tiêu dùng lan tỏa tạo ra nhiều việc làm khác, nó còn giúp cho quá trình tăng quy mô điền trang sản xuất lớn nông nghiệp... Như vậy, khu vực đó đến nay đã có một nền tảng kinh tế vững chắc nhờ người lao động có thu nhập, kéo theo sự phát triển ở nhiều lĩnh vực từ giáo dục, xây dựng, chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp…
Chúng ta sẽ không thể mong rằng chỉ một sớm một chiều mà chúng ta có thể đạt được cùng lúc nhiều chỉ tiêu; chúng ta không thể đòi hỏi FDI vừa đem việc làm tới, vừa chuyển giao công nghệ và mua bán thành phẩm nội địa; cái này là một tiến trình của nhiều lực lượng, nhiều thời gian. Hiện tại, với việc phát triển xuất khẩu của FDI, đã tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển của các DN Việt với thị trường nội địa cải thiện và với nhiều cơ hội khi tham gia từng bước vào chuỗi cung ứng xuất khẩu.”
Để đơn giản hơn, chúng ta cùng nhìn lại những gì mà DN FDI mang lại cho nền kinh tế VN sau hơn 10 năm qua. Nếu như các DN trong nước vốn là đối tượng “tiêu” USD thì các FDI lại mang về nhiều USD nhất cho nền kinh tế. Đừng quên chúng ta từng khổ sở vì lượng dự trữ ít ỏi những năm kinh tế trì trệ cách đây chục năm. Vậy thì tại sao chúng ta lại lo ngại sự phát triển FDI không theo hướng mong muốn của các chuyên gia?
“Thay vào đó, chúng ta hãy xem các doanh nghiệp FDI là một thành phần tích cực của nền kinh tế VN. Nếu các DN Việt Nam đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài là điều tốt và là mục tiêu lâu dài. Còn trước mắt, FDI đang có vai trò rất tích cực trong nền kinh tế; cho phép Chính phủ có dư địa thời gian để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thực chất và bền vững.
Vấn đề ở đây là chúng ta phải thể hiện đúng cam kết tạo sân chơi công bằng với họ đồng thời không ưu đãi quá đáng hoặc bất công với DN nội. Đi kèm với đó là cam kết về công nghệ sạch, đảm bảo môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động…
Và ở đâu có FDI gây ra tổn hại môi trường, thì ban quản lý khu công nghiệp và chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu họ cạnh tranh bình đẳng thì đó là điều tốt và chúng ta không có gì phải sợ vấn đề chủ sở hữu không phải là người Việt”, một chuyên gia kinh tế gốc Việt nhận định trên trang cá nhân khi nói về FDI.
Bình luận