Với người châu Á, tháng cô hồn được xem là tháng khó khăn trong kinh doanh. Thậm chí, nhiều người còn chọn cách “nghỉ ngơi” trong thời gian này để bảo toàn vốn. Vào ngày đầu tiền của tháng cô hồn năm nay, quan niệm này đúng với thị trường chứng khoán nhưng sai hoàn toàn với thị trường vàng.
Vàng “dựng đứng”
Trong ngày đầu tiên của tháng cô hồn, thị trường vàng đã có cú bứt phá ngoạn mục sau 2 ngày giảm sâu. Giá vàng SJC tăng vọt và tiến rất sát mốc 37 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của giá vàng trong nửa tháng trở lại đây.
Cụ thể, đóng cửa phiên 3/8, tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, giá vàng tăng 130.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC Hà Nội giao dịch ở mức mua vào: 36,70 triệu đồng/lượng, bán ra 36,99 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Hồ Chí Minh: Mua vào 36,70 triệu đồng/lượng; bán ra 36,97 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tăng dựng đứng theo giá vàng thế giới. Mặc dù giảm nhẹ đầu phiên tại thị trường châu Á nhưng giá vàng thế giới nhanh chóng phục hồi. Có nhiều nguyên nhân hỗ trợ cho thị trường kim loai quý. Trong đó có việc đồng USD suy yếu so với euro và đồng yên Nhật. Bên cạnh đó, sự suy yếu của thị trường chứng khoán cũng như mất niềm tin vào các đồng tiền cũng góp phần thúc đẩy giá vàng.
Giá vàng SJC và giá vàng thế giới cùng tăng mạnh trong ngày đầu tiên của tháng cô hồn khiến giới đầu tư lại đặt niềm tin vào vàng. Các chuyên gia Bảo Tín Minh Châu nhận định giá vàng trong nước hiện nay có xu hướng tăng lên và đang giao dịch ở mức giá tốt.
Mức tăng, giảm chỉ trong biên độ hẹp. Vì vậy, theo các chuyên gia và nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm khuyên thì hiện tại đang là thời điểm tốt để nhà đầu tư và người dân mua vàng tích trữ và đầu tư kiếm lời.
Do nhiều nhà đầu tư có suy nghĩ như vậy nên tại Bảo Tín Minh Châu, tỷ lệ người mua vào vàng đang tăng. Lượng khách mua vào tích trữ lớn hơn so với lượng khách bán ra (khoảng 55% khách mua vào 45% lượng khách bán ra).
Đại gia Nhật mất tỷ đô
Thị trường vàng hứng khởi trong ngày đầu tiên của tháng cô hồn nhưng thị trường chứng khoán châu Á, trong đó bao gồm cả thị trường Việt Nam không có được may mắn như vậy khi các chỉ số chính đồng loạt đi xuống.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số Vn-Index giảm 4,44 điểm, tương đương 0,7% xuống 631,61 điểm. Đà giảm nhẹ của VN-Index cũng đủ sức khiến vốn hóa thị trường sàn Tp.HCM “bốc hơi” 8.9312 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.272.791 tỷ đồng.
Sự mất mát của thị trường chứng khoán Việt Nam khiêm tốn hơn rất nhiều so với thị trường Nhật Bản và Hồng Kông. Chốt phiên 3/8, chỉ số NIKKEI của Nhật Bản giảm 308,34 điểm, tương ứng 1,88% xuống 16.083,11 điểm. Chỉ số HSI giảm 390,02 điểm, tương ứng 1,76% xuống 21.739,12 điểm.
NIKKEI đi xuống khiến các tỷ phú Nhật Bản chịu thiệt hại hàng tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 3 đại gia bị thiệt hại nặng nề nhất, tài sản của họ đã “bốc hơi” 1,018 tỷ USD.
Cụ thể, trong ngày đầu của tháng cô hồn, ông Masayoshi Son, người giàu thứ 2 Nhật Bản đã đánh mất 373 triệu USD khi cổ phiếu Softbank của ông giảm 2,1%. Dù mất mát lớn nhưng vị tỷ phú 58 tuổi vẫn sở hữu 17,4 tỷ USD.
Ông Takemitsu Takizaki cũng là chịu nhiều mất mát khi cổ phiếu Keyence giảm tới 3,1%, tốc độ giảm mạnh hơn thị trường chung. Cổ phiếu Keyence khiến tài sản của ông Takemitsu Takizaki giảm 364 triệu USD xuống 11,3 tỷ USD.
Trong khi đó, ông Hiroshi Mikitani, người giàu thứ 5 Nhật Bản hao hụt 281 triệu USD và tài sản rớt xuống chỉ còn 6,9 tỷ USD.
Cùng với Nhật Bản, thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng nằm trong Top giảm mạnh nhất châu Á. Vì vậy, trong ngày đầu tiên của tháng cô hồn, nhiều đại gia xứ cảng thơm phải “chia tay” hàng trăm triệu USD như Thomas và Raymond Kwok (648 triệu USD), Lee Shau Kee (358 triệu USD), Walter Kwok (312 triệu USD), Li Ka-shing (124 triệu USD),...
Bình luận