Tháng Bảy âm lịch có lễ hội Vu lan bồn - ngày lễ rất lớn của Phật giáo, cũng là ngày mọi người bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ còn sống và hương linh những người đã khuất.
Theo niềm tin Phật giáo, vào những ngày tháng Bảy này, những ai chăm chỉ tụng kinh, trì chú, tích cực làm nhiều việc thiện, nỗ lực ngăn chặn những việc không lành, giữ tâm ý trong sạch để hồi hướng cho các hương linh gia tiên tiền tổ, cha mẹ quá vãng sẽ thu được nhiều phúc đức. Những người giữ được ít nhất một thời kinh sáng hoặc tối cùng cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng nghiệp... cũng vậy.
Đạo Hiếu là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với các nội dung: Lúc cha mẹ còn sống thì nghe lời, chăm sóc, tự sửa mình; lúc cha mẹ mất đi thì càng nhớ công ơn, càng phải sửa mình và cúng kính tôn nghiêm… Ngoài ra, đạo Hiếu còn gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo, biết ơn những người có công nay đã thành thần thiêng của núi sông, Tổ quốc.
Điều vô cùng đặc biệt, có thể coi là độc nhất vô nhị trong triết lý đạo Phật là cha mẹ còn được sánh ngang với Đức Phật: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế; gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”.
Trong rất nhiều bài kinh Phật, công ơn cha mẹ, cách báo đáp công ơn cha mẹ không chỉ về vật chất mà cao hơn - cả về tinh thần, đạo làm con, công đức của người con… đã được đề cập hết sức cụ thể, rõ ràng và chi tiết.
Có thể nói, rất nhiều bài kinh Phật là bài học đạo đức kinh điển, dạy cho con người ta nghĩa vụ và trách nhiệm sống ở đời để trở thành con người có đạo đức, có văn hóa, biết chăm lo cho nguồn cội.
Có thể kể ra rất nhiều bài kinh Hiếu, nhưng để phù hợp với điều kiện của đa số mọi người, chỉ xin giới thiệu 3 bản kinh mà các chùa và đa phần Phật tử thường trì tụng trong tháng Bảy âm lịch.
- Kinh Phật thuyết kinh Vu lan bồn nêu gương hiếu hạnh của đức Mục Kiền Liên cứu thoát mẹ ra khỏi cảnh giới u minh, nhờ vào đạo đức tập thể của các bậc cao tăng và A la hán.
- Kinh Báo ân cha mẹ nói rõ công lao sinh thành, nuôi dưỡng khó khăn của cha mẹ, và theo đó dạy cách báo đáp công ơn trời biển đó.
Hai bản kinh trên do Hòa thượng Thích Huệ Đăng dịch phần Chính kinh, Thượng tọa Thích Nhật Từ biên tập phần Nghi thức. Tải kinh về tại đây.
- Kinh Địa Tạng kể về hiếu hạnh của Bồ tát Địa Tạng, thông qua đó hướng dẫn cách đền ơn cha mẹ ở hiện đời cũng như các đời sống quá khứ. Kinh do Thượng tọa Thích Nhật Từ soạn dịch, tải về tại đây.
Các Phật tử có thể tải về điện thoại, máy tính để trì tụng vào buổi sáng hoặc buổi tối, hay dùng thời gian rỗi trong ngày để đọc và ngẫm nghĩ, cố gắng thay đổi tâm tính và hành động để trau dồi hiếu hạnh, một trong những phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
Bình luận