Sáng 1/10, tổ ĐBQH TP.HCM đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3 và Quận 4. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri hỏi về vấn đề sáp nhập 3 quận, gồm: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức.
Trả lời câu hỏi của cử tri, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, việc thành lập TP Thủ Đức là rất cần thiết, không triển khai thực hiện sẽ trở thành tụt hậu.
Theo ông Quang, TP Thủ Đức trong tương lai sẽ là nơi có mô hình phát triển mới, tích hợp nhiều lĩnh vực đang là thế mạnh của TP như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực công nghệ cao của TP Thủ Đức trong tương lai. Theo đó, những lĩnh vực này sẽ có độ kết nối tương tác với nhau rất cao, đào tạo gắn với nghiên cứu, sản xuất gắn với logistics.
Để sớm triển khai vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, dự kiến theo kế hoạch, tới tháng 5/2021 sẽ bầu hệ thống chính trị ở TP Thủ Đức.
Trong thời gian này cả nước cũng sẽ tổ chức bầu ĐBQH, HĐND các cấp, nên nếu không khẩn trương làm hồ sơ thủ tục về việc thành lập TP Thủ Đức để cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thì phải chờ ít nhất 5 năm nữa.
"Kế hoạch thành lập TP Thủ Đức cũng sẽ được báo cáo với Quốc hội trong kỳ hợp tới", ông Quang cho hay.
Trước đó, như VTC News đưa tin, tháng 8/2020, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về đề án không tổ chức HĐND quận, phường ở TP.HCM và đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.
Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
TP Thủ Đức sẽ được thành lập trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.
Trong quá trình xây dựng đề án, Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM cần lưu ý quy hoạch chung, trong đó nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng.
Về hình thức lấy ý kiến, có thể tổ chức họp trực tuyến nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của toàn thành phố.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức, TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.
Đồng thời, TP.HCM cần làm việc với các bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.
Bình luận