Tôi đón xe về thăm quê ngoại mùa cận Tết. Ngoại đã mất cách đây vài năm, linh cữu được đem về quê hương, nơi có sông Vàm Cỏ.
Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ
Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Núi kia hết đá, anh mới đành xa em.
Tết tôi về thắp hương cho ngoại rồi nhanh chóng phải trở lại Sài Gòn.
Tuy đường cao tốc về miền Tây đã mở, nhưng tôi vẫn thích đi xe buýt. Long An là cửa ngõ miền Tây, đi xe buýt về không quá lâu, mà cảnh trên xe buýt lại còn thân thương lắm.
Tết, họ đem nhiều đồ hơn về quê, cả thanh niên về thăm quê cũng vậy. Nên xe chất đầy vật dụng. Khách đi buýt cũng không phiền lòng, da họ đen, tay họ thô sần, phụ nữ đội nón lá, tay xách nách mang, nhiều người lỉnh kỉnh.
Nhưng một chuyến xe buýt đầy tình thương. Họ chỉ cho nhau những chỗ còn trống và chất phụ nhau. Có khi để đồ đầy cả lối đi, nhưng Tết nhất là vậy. Bởi họ là người thu nhập thấp, đi xe buýt rẻ hơn xe khách, lại còn thông cảm “chỗ” cho nhau:
- Chỗ tui còn trống nè cô.
- Chỗ con còn nhét được nè chú.
Những tiếng nói như vậy rất chân chất miền Nam.
Có cô bé ngồi ôm khư khư cái chiếu mới, cũng mua về cho ngoại. Thế nào cô cũng bị nói là mua ở dưới quê rẻ hơn. Nhưng tôi hỏi cô sao mua chiếu. Cô bé nói vì thấy trên Sài Gòn chiếu đẹp hơn, lên Sài Gòn học đại học cũng không biết mua quà gì ngoài vài loại mứt và một cái chiếu cho bà.
Ở quê nhiều nhà nằm trên phản gỗ, hay giường gỗ chỉ trải chiếu thôi không thích nằm nệm. Bà cô cũng thế. Nên cô mua về làm quà Tết.
Còn có chú kia xách đầy bánh kẹo, hỏi ra mới biết mấy loại đó Sài Gòn bán nhiều, con cháu dưới quê thích lắm nhưng không mua được, nếu có cũng phải chèo ghe ra xa lắm rồi đi xe máy một đoạn mới tới siêu thị.
Trên xe họ nói về những thứ mang theo, những thứ mua về mà người thân thích. Vài phụ nữ trung niên giới thiệu nhau loại dầu Thái xoa bóp tốt, thảo dược, dưới quê không có bán, còn cho nhau địa chỉ để mua ở Sài Gòn. Để người khác lần sau mua về cho bà con dùng.
Còn đi xe khách hay xe chất lượng cao, chỉ bật máy lạnh, nghe nhạc nhẹ, phà phà nhắm mắt là tới nơi. Tuy có yên tĩnh, êm lưng hơn nhưng nó thiếu cái chất miền Tây sao đó. Rồi tiếng radio dò đài lâu lâu lại vang lên câu hò câu lý, cải lương của miệt vườn. Thế nên tôi vẫn thích đi xe buýt về cửa ngõ miền Tây.
Trên đường đi, vừa ra khỏi thành phố là đến chợ đầu mối Bình Điền. Người ta chở đầy thịt thà, cá tôm, nông sản lên bán.
Tết tăng gấp mấy lần, xe chở heo, gà, vịt, trái cây tấp nập, nên đường đi lúc nào cũng kẹt xe. Tết, chợ mọc lên khắp nơi trên dải đất cách phân cánh đồng và quốc lộ.
Các hộ lẻ trồng rau, trái cây nuôi gà vịt, chăn heo, bò, gà đem ra bán họp thành cái chợ, rải rác theo tuyến đường về miền Tây.
Tết họ bán được giá cao hơn cho thương lái và người Sài Gòn đi xe về thăm quê cũng ghé dọc đường mua nhiều hơn, bán thế sẽ được lời hơn. Hồi xưa có dứa Bến Lức, dưa hấu Long Trì, còn giờ trái cây quanh năm, rau cải trồng xanh phơi phới, lúa mấy vụ một năm.
Các cánh đồng trải đủ màu từ nâu nâu vừa gặt xong, đến xanh mạ non mới cấy mùa vụ mới, đến vừa chín vàng Tết.
Trước khi đến Long An, xe sẽ đi qua Gò Đen
Không cần nhìn tên địa danh trên đường quốc lộ, chỉ cần thấy những sạp chất đầy ghi “rượu đế, rượu nếp” là biết đã đến Gò Đen. Hương rượu quen thơm cả con đường ngồi trên xe hít hà là biết “đường về quê”. Rượu chưng ven đường từng nhà, từng sạp. Cứ thế hết miệt Gò Đen.
Về đến quê, là xắn quần đi tát ao, nơm cá. Đợi lúc máy bơm nước ra xong, thì phải xuống ao bùn lưới, vớt, bắt các loại cá lên. Ao nhà bà Út tôi có cá rô phi, rô mề, cá sặc, cá lóc, có lúc có lươn nữa. Bắt hết lên không biết để làm gì, nhưng sau đó thì chiên ăn, nấu cháo ngon lắm. Có lúc tôi nhảy theo bắt con cá lóc, dưới bùn trơn lắm trợt té là chuyện thường mà vui. Trước đó ra mộ ngoại và họ tộc dọn cỏ, phết sơn.
Mỗi năm một lần. Đốt khói bay lên, bay xa cả cánh đồng. Đi trên đường đất mùa xuân mát rượi. Trên đồng lũ trẻ thả diều, đi hun khói vô hang chuột đồng, đi bắt cua. Cũng như ngày thường thôi, nhưng chúng nó nhảy cẫng lên vui sướng khi họ hàng đi xa về đem theo ít quần áo mới hay bánh kẹo mừng xuân.
Những ngày Tết ấm áp đang kề cận. Những người xa quê lâu ngày hẳn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày Tết đã xa, nhưng sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Quý độc giả hãy bớt chút thời gian để lòng mình lắng lại chia sẻ những kỷ niệm của mình ở box thảo luận bên dưới. Trân trọng!
Bình luận