• Zalo

Thán phục mẹ bỉm sữa chuẩn bị đón con chào đời với chưa đến 200 nghìn

Đời sốngThứ Sáu, 29/09/2017 13:00:00 +07:00Google News

Chỉ với 200 nghìn, mẹ bỉm sữa ở Vĩnh Phúc trong câu chuyện dưới đây vẫn chuẩn bị được khá chu đáo những vật dụng cần thiết để đón bé yêu chào đời.

Bà bầu sinh con 3.7kg với bí quyết từ khoai lang và chuối

Học sư phạm sinh và đã nhận bằng thạc sĩ nhưng Chu Hường chưa có có hội theo đuổi nghề giáo do  các trường gần nhà đều đã hết chỉ tiêu. Cô lấy chồng gần nhà theo nguyện vọng của bố mẹ và để phụ giúp kinh tế cho gia đình, cô xin đi làm công nhân và có đi dạy gia sư thêm.

Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân của mình, Hường nói: “Chồng của em làm bộ đội chuyên nghiệp, đóng quân ở Vĩnh Phú nhưng cũng ít có cơ hội về nhà, chăm sóc khi vợ bầu bí, sinh nở nhưng cũng tình cảm lắm. Nếu không về được thì ngày nào cũng gọi điện hỏi han em, còn về tới nhà là quấn con lắm, cứ nằm ôm và ngắm con suốt. Lúc nào cũng sợ em bế con mỏi sẽ đau lưng nên thương em lắm”.

Thông tin nhân vật
Chu Hường
Tuổi: 28
Nghề nghiệp: Công nhân
Địa chỉ: Vĩnh Phúc

Trong suốt quá trình mang thai, Hường tâm sự cô ăn uống bình thường, không có gì đặc biệt và có bổ sung sữa bầu. Cô nói uống hết 4 hộp sữa bầu và đều là sữa nội nên giá thành khá rẻ: “Em tốn có khỏang 800.000 tiền sữa bầu thôi. Sắt và can xi thì em cũng uống hàng nội thôi chứ không mua của ngoại. Chỗ em sống, những đồ này phổ biến hơn và dễ mua, dễ dùng”.

Khi được hỏi có tốn tiền vào các loại đồ ăn vặt khi mang bầu không, cô cười: “Em bầu thì cũng ăn vặt như các mẹ bầu khác thôi. Mà em toàn ăn khoai, chuối nhà trồng được nên vừa sạch, vừa rẻ, rất an toàn. Thêm nữa, em thấy các đồ này cũng tốt cho bà bầu. Em sinh bé được 3.7kg đấy”.

Ăn vặt bằng khoai lang và chuối, Hường vẫn sinh con 3.7 kg

Thậm chí, trong quá trình mang bầu, khám thai là thứ ngốn kha khá tiền của chị em, Hường cũng vấn tiết kiệm được. “Chồng em là bộ đội chuyên nghiệp nên em có thẻ khám chữa bệnh theo diện người nhà quân nhân. Em đi làm, công ty cũng cấp cho một thẻ khám chữa bệnh nữa tại bệnh viện tuyến huyện. Tiện chỗ nào thì em khám ở đấy.

Nhưng đa số là em khám bằng thẻ bảo hiểm công ty phát vì nó tiện hơn, ở ngay đối diện cổng ra vào nơi em làm. Buổi chiều, em làm ca xong là tầm 4h30 thì vẫn kip sang siêu âm. Thế nên, em không mất tiền cho khoản này. Vào những mốc quan trọng như 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần thì em cũng có đi khám ngoài”.

Bé nhà Chu Hường, trộm vía, khá khảu khỉnh, đáng yêu

Cái gì xin được thì khỏi mua

Chia sẻ về việc sắm đồ cho con, Chu Hường thật thà comment trong một hội chị em “Em mất 63k mua tã dán cho con và 100k mua băng vệ sinh cho mẹ. Còn lại xin hết. Trẻ nhỏ dùng đồ nhanh phải thay lắm. Sắm nhiều tốn tiền ra. Mình xinh xong mặc luôn quần áo dài tay mùa thu từ những năm trước. Sinh rồi nhiều khoản phải chi lắm nên tiết kiệm”.

Đọc được comment này, hẳn rất nhiều người có chung thắc mắc, nếu không mua thì đồ sơ sinh cho bé ở đâu mà có. Câu trả lời của Hường là đi xin của những người thân vừa sinh bé. Cô kể: “Nhà em có chị dâu, mợ, em chồng sinh cháu cách đây một thời gian (khoảng 2 năm tuổi đổ lại) nên em có xin được mỗi người một ít đồ. Nào là giỏ đựng đồ đi viện, tã chéo, quần áo sơ sinh, khăn tắm, bình sữa... Tất cả đều khá là đầy đủ. Tính ra, em xin được 12 cái áo và 15 cái quần, rất nhiều tã chéo. Bản thân em thấy như vậy là đủ dùng nên em không mua thêm”. 

Quần áo của bé nhà Hường mặc đều là đồ bình dân nên giá thành khá hợp túi tiền

Có thể thấy, số quần áo của bé nhà Hường không hề nhiều. Nhưng cô có bí quyết nên vẫn đủ. Và bí quyết ấy của cô, khá là đơn giản: “Em chỉ dùng tã dán cho bé vào ban đêm. Còn ban ngày em dùng tã chéo. Nếu bé tè làm ướt tã thì mang đi giặt, phơi ngay. Vì áo chỉ thay 1-2 cái/ 1 ngày nên không thiếu áo bao giờ. Vào những ngày mưa gió, nếu đồ giặt chưa kịp khô thì em dùng tạm tã dán và bật quạt hong khô đồ, cũng nhanh lắm”

Thêm vào đó, bé nhà Hường được bà nội và mẹ xi tè từ khá sớm (3 tháng) nên cũng không tốn bỉm và quần áo: “Bà nội em mách em là nếu bé muốn tè thì chỗ ấy sẽ có dấu hiệu ngay. Chỉ cần nhìn là biết liền bé sắp tè hay ị. Em thấy chuẩn lắm nên bé cũng ít tè dầm, không phải thay nhiều quần áo”.

Sau một tháng, bé nhà Hường đã tăng khá cân nên đồ sơ sinh được cho không mặc vừa nữa, lúc này, cô mới đi sắm thêm đồ cho bé. “Hết tháng, cô của bé mua cho bé 3 chiếc áo, bà nội mua 2 chiếc nên em không mua nữa. Áo của bé cũng không hề đắt, em nhớ là chỉ tầm 25 000 đồng/ 1 chiếc.  

Em chỉ mua thêm hai chục quần, mua size rộng rộng chút để bé mặc được lâu và giá là  50 000 đồng/ 1 chục thôi. Trên chỗ em, mọi người đều mua đồ như vậy. Mức giá phù hợp với túi tiền, vải cũng chấp nhận được. Bé mặc mà không đổ mồ  hôi là ổn”.

Tiền quần áo cho bé nhà Hường, như cô kể, đúng là chẳng tốn kém gì. Nhưng những khoản khác, cô cũng tiết kiệm được khá nhiều. Ví dụ như sữa công thức, cô chưa mất tiền mua hộp nào. “Có bình sữa nhưng bé nhà em chẳng bao giờ dùng đến vì bé bú mẹ hoàn toàn. Em cho bé bú trực tiếp thôi chứ không vắt sữa. Nếu đi đâu thì em căn cữ bú của bé ể về cho đúng giờ, lâu nhất là 3 tiếng thôi. Trộm vía, bé vẫn tăng cân tốt. Lúc ra tháng là được 5.2 kg rồi. Mặc đồ sơ sinh được cho mà như mặc đồ sexy vì ngắn rồi”, Hường nói.

Do nơi ở rất rộng rãi, tiện trồng các loại lá nên sau sinh, bé nhà Hường cũng chẳng cần tới sữa tắm hay kem hăm. Tất cả những thứ bé dùng, đều có quanh vườn nhà: “Em tắm sài đất, mướp đắng, chè xanh cho con. Vừa mát lại lành. Có đợt bé nhà em bị kê, em có mua một tuýp thuốc nhưng lại bỏ không dùng vì cho bé tắm thử lá thanh táo. Bé hợp lá nên hết luôn. Nói chung là em thấy cây lá thì lành hơn thuốc nên em cứ tận dụng tối đa”.

Video: Vì sao phụ nữ thành phố ngày càng lười sinh con 

Chia sẻ thêm về cách chi tiêu của mình, bà mẹ bỉm sữa không giấu vẻ hài lòng: “Các mẹ ở Hà Nội, các thứ đều đắt đỏ, mức sống khác, em ở quê, mức sống cũng khác. Mặc dù nhà em không phải nghèo  nhưng em thấy sắm đồ cho con, mua bán như vậy là hợp lí, đủ dùng. Con của em, vẫn được nhận những thứ tốt nhất trong điều kiện của em, như vây là ổn. Em vẫn luôn tâm niệm là hạnh phúc không phải là có tất cả những gì mình muốn mà là hài lòng với những gì mình có”.

Có lẽ, sau khi nghe Hường chia sẻ, hẳn nhiều mẹ bỉm sữa sẽ học hỏi được chút kinh nghiệm vén khéo khi mua sắm, chi tiêu trong quá trình chuẩn bị sinh nở, nuôi con. Bời với 500.000 đồng hay 50 triệu đồng, bạn vẫn có thể dành những thứ tốt nhất của mình cho con.

Phương Linh
Bình luận
vtcnews.vn