Từ đầu năm đến nay, mặc dù diện sản xuất khu vực lộ thiên và hầm lò gặp nhiều khó khăn, song nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều hành, sau 8 tháng, hầu hết chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính của Than Mông Dương đã hoàn thành kế hoạch đề ra.
Báo cáo tình hình sản xuất 8 tháng đầu năm cho thấy doanh nghiệp cơ bản hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng của năm. Cụ thể, công ty đã sản xuất 988 nghìn tấn than, đạt 68,1% kế hoạch năm (1,45 triệu tấn), tiêu thụ 946 nghìn tấn, đạt 66,3% kế hoạch năm, doanh thu trên 1.161 tỷ đồng, đạt 69,4% kế hoạch năm.
Đặc biệt, tiền lương bình quân của người lao động đạt gần 12 triệu đồng/người/tháng, đạt 101,5% kế hoạch năm.
Triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020, Than Mông Dương đã sáp nhập Phân xưởng Khai thác lộ thiên vào Phân xưởng Vận tải ô tô, Phân xưởng Vận tải lò 3 vào Phân xưởng Khai thác 5. Hiện, tổ chức bộ máy hoạt động của công ty cơ bản đảm bảo đúng mô hình mẫu của Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam.
Kế hoạch năm 2019, công ty dự kiến sản xuất 1,55 triệu tấn than, trong đó than hầm lò là 1,4 triệu tấn, đào hơn 20.000m lò. Công ty cũng sẽ tập trung khai thác mức -250/-100 có xuống sâu cục bộ, đào lò duy trì và mở diện sản xuất đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thi công 4 gương đào lò khai thông mức -400 và bổ sung 1 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ.
Trong số các đơn vị sản xuất than trong tập đoàn, diện sản xuất và địa chất khai thác của Than Mông Dương phức tạp và khó khăn nhất. Đối với sản xuất than lộ thiên, khu vực đông bắc Mông Dương đã tới giai đoạn gần kết thúc. Hiện tại, diện sản xuất ở khu vực này nhỏ lẻ, phân tán, thời điểm tháng 7 và tháng 8 năm nay, thời tiết mưa nhiều nên các vỉa, vách liên tục phải tạm ngừng khai thác.
Bên cạnh đó, trong khai thác than hầm lò (chiếm 95% sản lượng của đơn vị), do điều kiện mỏ ngày càng xuống sâu, diện sản xuất cũng bị thu hẹp, việc đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu vất vả, mất nhiều thời gian hơn trước.
Ngoài ra, một số diện chuẩn bị khai thác và lò chợ đang khai thác thường xuyên gặp phải vỉa đá lớn, trụ nổi, mất vỉa, vỉa mỏng, phải thay đổi công nghệ chống giữ. Đa số lò chợ cũng bị ảnh hưởng bởi nước ngầm dẫn tới một số lò thường phải dừng sản xuất trong mùa mưa bão. Những khó khăn trên gây gián đoạn trong sản xuất, ảnh hưởng lớn tới sản lượng khai thác than của công ty.
Trước những khó khăn đó, công ty đã tập trung điều hành khắc phục bằng các giải pháp kỹ thuật, như dảm bảo phương án thoát nước, cung cấp điện, gia cố hệ thống bơm nước trong mùa mưa bão, ưu tiên ổn định sản xuất gắn với công tác an toàn lao động, đầu tư trang sắm thiết bị, xây lắp mỏ theo hướng hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, tiết giảm nhiên liệu, sức lao động để tăng năng suất và sản lượng của các lò chợ.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung thực hiện các giải pháp điều hành linh hoạt, đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư lò chợ công nghệ mới để tăng năng suất khai thác than.
Bình luận