• Zalo

'Thần dược' trị ung thư xôn xao mạng xã hội: Lợi chưa thấy, thân đã tàn

Sức khỏeThứ Năm, 10/12/2015 12:42:00 +07:00Google News

Cần sa y tế đang được tuyên truyền trên mạng xã hội như một ‘thần dược’ trị ung thư, bệnh vảy nến, đau nửa đầu và nhiều bệnh khác vậy sự thật là đâu?

(VTC News) – Cần sa y tế đang được tuyên truyền trên mạng xã hội như một ‘thần dược’ trị ung thư, bệnh vảy nến, đau nửa đầu và nhiều bệnh khác, vậy sự thật là đâu?

Cần sa hại hay lợi?

Trên internet xuất hiện trang thông tin về cần sa y tế được nhiều người chia sẻ. Trang thông tin này cho rằng, cần sa có xu hướng trở thành một phương thuốc được cả xã hội chấp nhận khi ngày càng nhiều người Mỹ phát hiện ra những lợi ích đáng kinh ngạc của cần sa trong sử dụng điều trị bệnh Alzheimer, xơ cứng teo cơ một bên, đau mạn tính, bệnh tiểu đường, động kinh, hội chứng đau cơ xơ hóa. Thậm chí, họ còn tung lên những trường hợp dùng cần sa y tế để trị ung thư, viêm gan C, HIV…

Trang thông tin giới thiệu về cần sa.
Trang thông tin ngang nhiên giới thiệu về cần sa. 
Điều này gây tạo tâm lý hoang mang cho nhiều người. Người có bệnh thì vái tứ phương, khi biết thông tin này đã đặt nhiều câu hỏi về cần sa y tế. Thậm chí, nhiều người đã đặt mua để dùng.

Theo bác sỹ Nguyễn Ý Đức, Y khoa net: Việc dùng cần sa với mục đích y học hiện đang là đề tài thảo luận, bàn cãi của nhiều giới chức trong cũng như ngoài ngành y khoa với nhiều ý kiến chống và thuận, chưa ngã ngũ.

Cần sa y tế có thể giúp giảm đau, buồn nôn do hóa trị ở những người bị ung thư và sụt cân ở bệnh nhân HIV- AIDS. Một số nghiên cứu cũng cho thấy cần sa có thể làm giảm cơn động kinh ở những người bị bệnh động kinh.

Ngoài ra, cần sa y tế giúp giảm bớt nhiều triệu chứng xơ cứng như tê cứng cơ, co thắt, đau đớn và đi tiểu thường xuyên.

Cần sa hút được chế biến hoặc từ lá, hoa, rễ hay nhánh của cây Cannabis sativa phơi khô trộn lẫn với nhau. Thường có mầu nâu hoặc xanh xám, cần sa chứa gần 400 hóa chất mà chất chính là THC (delta 9-tetrahydrocannabinol).

Đây là thành phần gây kích thích chính. Tuy nhiên THC chỉ gây ra các hiệu ứng kích thích như ảo giác, lo lắng, hoang tưởng, thèm ăn, thèm ngủ, cảm giác bay bổng.

Ngoài ra, trong cần sa có CBD (cannabidiol) là thành phần có nồng độ thấp hơn nhiều so với THC nhưng lại gây ra các kích thích như hưng phấn, thích thú, dễ gây buồn cười, làm tăng hiệu ứng hạnh phúc, giảm hoang tưởng, lo lắng và căng thẳng, giảm đau và tốt cho bệnh nhân động kinh.

Clip: Phóng hỏa hòng phi tang 30 tấn cần sa

Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Hữu Thế, Hà Nội, người từng thử hút cần sa nói: “Một lần đi với bạn, chúng rủ tôi dùng thử nhưng dùng xong thấy người bồn chồn, khó chịu, sau lần đó tôi không dám thử lại nữa”.

Về tác dụng của cần sa, bác sỹ Đức cho rằng: Cần sa có tác dụng khác nhau trên cơ thể tùy theo cách dùng, có dùng lẫn cùng với rượu hay các thuốc khác, nhất là có chứa nhiều hay ít hoạt chất cannabinol. Có người sau khi dùng trở nên như mất cảm giác, tê dại.

Nhưng đa số lại thấy tinh thần lên cao, do đó có hiện tượng lạm dụng. Họ cười nói huyên thuyên nhưng không gãy gọn, mạch lạc.

Họ như bị thu hút bởi những cảm giác, âm thanh, mùi vị thông thường và thấy những sự việc vụn vặt trở nên hấp dẫn, khêu gợi. Với họ, khái niệm về  không gian không còn, họ như bị phân đôi và thời gian như lắng đọng, chậm lại.

Người dùng cần sa cảm thấy khát nước và đói. Tim tăng nhịp đập, miệng khô, đi đứng nghiêng ngả mất thăng bằng, cử động chậm chạp, cặp mắt đỏ ngầu, con ngươi mở to. Huyết áp lên cao, nhất là khi dùng cần sa chung với các thuốc kích thích khác hay với rượu. Sau khoảng vài ba giờ dùng thì triệu chứng phai lạt dần và người phi thuốc cảm thấy rã rượi rồi đi vào giấc ngủ triền miên.

Ngoài ra, cần sa còn có tác dụng không mong muốn như khi dùng nhiều, cần sa làm giảm trí nhớ về các sự kiện mới xẩy ra như vừa được giới thiệu tên một người khách mà vài phút sau đã quên bẵng đi; kém tập trung để hoàn tất một việc hơi phức tạp, tỷ mỉ.

Về hậu quả lâu dài: Sau nhiều nghiên cứu, các khoa học gia thấy rằng người hút cần sa mỗi ngày thường đau ốm và hay đi bác sĩ hơn người không dùng. Cần sa làm tiêu hao T-cell, tế bào chính để chống nhiễm trùng, đưa đến suy yếu sự miễn dịch.

Nhiều chuyên gia khẳng định, cần sa cũng như thuốc lá, cần sa ảnh hưởng tới phổi, khiến ho nhiều có đàm, dễ bị sưng phổi. Trong cần sa cũng có những hóa chất có thể gây ung thư phổi như trong thuốc lá. Vài nghiên cứu khác cho biết cần sa có thể đưa đến ung thư cổ và đầu.


Một vài nghiên cứu cho hay trong cần sa có nhiều chất gây ung thư hơn thuốc lá tới năm, sáu chục phần trăm. Ngoài ra cần sa không có đầu lọc, đồng thời người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi.

Về bộ phận sinh dục, cần sa có thể làm giảm kích thích tố testosterone, làm teo ngọc hành, thay đổi hình dạng và sự cử động của tinh trùng, giảm ước muốn ái ân, rối loạn kinh kỳ, trứng nữ trở thành bất bình thường.

Người dùng nhiều cần sa trở nên phụ thuộc vào nó, không có không chịu được và mỗi ngày cần nhiều hơn mới cảm thấy thỏa mãn. Khi nhớ thuốc mà không hít thì ngáp ngắn ngáp dài, mất ngủ, chảy nước miếng, đổ mồ hôi, buồn nôn, tay chân run rẩy, nhiệt độ cơ thể tăng, ăn không ngon, trở nên bẳn tính, gắt gỏng, buồn bã. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu cho là cần sa ít gây ra ghiền hơn ma túy, rượu, thuốc lá hoặc các thuốc an thần.

Dùng cần sa là vi phạm luật

Tuy nhiên, cho tới hiện nay, cần sa vẫn được coi như chất kích thích bất hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Người tàng trữ, trồng, sử dụng cần sa bị xử lý theo pháp luật.

Cây cần sa.
Theo Nghị định 82 năm 2013 của Chính phủ, cần sa và các chế phẩm từ cần sa là chất cấm nằm trong danh mục 1. Đây  là chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y tế và đời sống xã hội.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế: Luật pháp Việt Nam cấm trồng và sử dụng cần sa vì nó gây nghiện và tâm thần.

Trang thông tin đã gắn cần sa với chữ ‘y tế’ nên gây hiểu mập mờ cho người dân. Ông Huy cho rằng, việc quảng cáo, thông tin về cần sa là vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật Việt Nam. Chỉ nói riêng về Luật khám, chữa bệnh, bất kể phương pháp chữa bệnh nào, dùng thuốc hay không dùng thuốc đều phải được Bộ Y tế thừa nhận và cho phép.

Ngoài ra, người sở hữu trang thông tin này vi phạm Luật Dược bởi chỉ những loại thuốc được phép đăng ký lưu hành (trong đó có thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất) đều phải nằm trong danh mục được nhà nước cho phép và đây là cơ chế quản lý đặc biệt. Do đó, nếu trang này giới thiệu nơi bán cần sa là đã vi phạm pháp luật.

Còn PGS- TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K cho rằng, một số chế phẩm từ cần sa được một số nước sử dụng để hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối giúp giảm đau đớn, cải thiện cuộc sống của bệnh nhân.

Chế phẩm này giúp giảm nôn, mệt mỏi nhưng cần có được sự cho phép của nhà nước và do bác sỹ kiểm soát chặt chẽ. Dùng quá 7 ngày dễ gây nghiện và xảy ra nhiều biến chứng cho tiêu hóa, tim mạch…

 Loan Anh

Bình luận
vtcnews.vn