Trương Dịch Văn (SN 2007) xuất thân trong một gia đình trí thức ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bố mẹ cô đều là công chức nhà nước, làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Từ nhỏ, cô được bố mẹ đầu tư kỹ càng trong việc học.
Nhờ có sự đồng hành của bố mẹ, cô biết đọc chữ khi mới 4 tuổi. Đến tuổi đi học, bố của Trương Dịch Văn cho rằng chương trình ở trường không phát huy được năng lực của con, lãng phí thời gian và tiền bạc. Ông quyết định tự giáo dục con bằng cách mở trường tư thục và xây dựng mô hình "giáo dục thần đồng".
“Sản phẩm” của mô hình giáo dục "thần đồng chín ép”
Mỗi ngày, Trương Dịch Văn đều thức dậy lúc 5h sáng để học bài. Sau khi ăn trưa, cô nghỉ ngơi 1 tiếng trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều. Việc học của cô kết thúc lúc 10h tối. Học hành với cường độ cao, chỉ sau 5 năm, Trương Dịch Văn hoàn thành chương trình Tiểu học, THCS và THPT.
Thời điểm đó, nhiều người cho rằng cô thông minh hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng chưa phải là thần đồng. Tuy nhiên, bố mẹ cô lại đặt quá nhiều kỳ vọng vào cô. Thậm chí, ông Trương Dân Thao - bố cô - nói rằng 10 tuổi con gái sẽ đỗ đại học, 20 tuổi học xong tiến sĩ.
Theo đúng sự kỳ vọng của bố mẹ, năm 9 tuổi, Trương Dịch Văn tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Được tiếp xúc với môn Tự nhiên nhưng bỏ qua môn Xã hội như Lịch sử, Địa lý, nên Trương Dịch Văn chỉ đạt 172/750 điểm. Với số điểm này, cô không đủ điểm đỗ vào trường Cao đẳng ở tỉnh Hà Nam.
Không từ bỏ ý định, ông Trương Dân Thao gửi con đến lò ôn tập để thi lại năm sau. Năm 2017, cô tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học lần 2, đạt 352/750 điểm. Trương Dịch Văn vừa đủ điểm đỗ vào Học viện Công nghệ Thương Khâu, chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật và Thông tin Điện tử.
Biết tin Trương Dịch Văn đỗ đại học khi mới 10 tuổi, có người cho rằng nếu được học tập và phát triển trong môi trường bình thường, có thể cô sẽ đỗ vào trường đại học danh giá hơn.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ, nhiều người cho rằng Trương Dịch Văn là “thần đồng chín ép”. Vốn dĩ cô không phải là thần đồng, kết quả này là "sản phẩm" trong cách giáo dục "ép chín" và tham vọng mà bố mẹ áp đặt.
Họ chỉ trích cách giáo dục cực đoan của bố mẹ - điều có thể sẽ khiến Trương Dịch Văn mất đi kỹ năng sống và rơi vào trạng thái khủng hoảng trong tương lai.
“Thần đồng” tốt nghiệp đại học, các công ty không nhận
Bước chân vào đại học, Trương Dịch Văn khác biệt về cả thể chất lẫn tư duy. Do đó, cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn. Sự khác biệt về tuổi tác khiến cô không có bạn thân trong những năm tháng đại học và luôn rơi vào trạng thái đơn độc.
Khó khăn lớn nhất Trương Dịch Văn gặp phải là lỗ hổng về mặt kiến thức. Thậm chí, đến năm 3 đại học, giảng viên đề nghị cô nghỉ học vì năng lực không theo kịp. Không đầu hàng, cô cố gắng hoàn thành chương trình học. Đến tháng 7/2020, Trương Dịch Văn chính thức tốt nghiệp.
Tốt nghiệp đại học ở tuổi 13, Trương Dịch Văn không thể đầu quân vào các công ty vì chưa đủ tuổi lao động. Theo lộ trình bố mẹ đặt ra, sau khi tốt nghiệp, cô học lên thạc sĩ nhưng chuyên ngành liên quan đến máy tính phải thi Toán và tiếng Anh. Trong khi đó, Trương Dịch Văn học yếu hai môn này nên chưa thể vượt qua kỳ thi sau đại học.
Không còn sự lựa chọn, Trương Dịch Văn quay về ngôi trường tư thục của gia đình, đảm nhận công việc trợ giảng với mức lương 2.000 NDT/tháng (6,5 triệu đồng). Công việc hàng ngày của cô là cùng mẹ sửa bài tập về nhà cho học sinh, tổ chức và xử lý một số công việc liên quan.
Nói về công việc của con gái, ông Trương Dân Thao cho biết nếu không đến trường đúng giờ, không nghiêm túc khi lên lớp, Trương Dịch Văn sẽ bị trừ lương, chỉ nhận được 1.000 NDT/tháng (gần 3,3 triệu đồng).
Bố của Trương Dịch Văn chia sẻ ông dự định để con gái trải nghiệm công việc trợ giảng khoảng 2 năm. Sau đó, cô có thể tiếp tục tham gia kỳ thi tuyển thạc sĩ hoặc tìm việc theo đúng chuyên ngành đã học.
Mỗi lần nhắc đến câu chuyện này, bố mẹ Trương Dịch Văn đều nhận về không ít ý kiến chỉ trích vì gò ép con trở thành thần đồng từ sớm.
Hiện tại, ở tuổi 16, Trương Dịch Văn bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, tính cách thay đổi, nổi loạn hơn. Cô đã tự đưa ra ý kiến cá nhân, đôi khi là trái chiều với bố mẹ.
Đến nay, nhiều người cho rằng tương lai của Trương Dịch Văn khá mịt mờ. Cô là "sản phẩm" của mô hình giáo dục "thần đồng chín ép”, thiếu nhiều kỹ năng sống và kiến thức nên gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trong xã hội.
Bình luận