Cầu vượt An Sương (thuộc địa bàn Q.12 và H. Hóc Môn. TP.HCM), là cây cầu huyết mạch, nơi cửa ngõ của TP.HCM.
Trước đây, cầu vượt An Sương nổi tiếng là tụ điểm ma tuý, cướp giật, đánh nhau, tranh giành địa bàn của những kẻ lưu manh, giang hồ… Vài năm trở lại đây, khi tệ nạn xã hội mới được dẹp yên thì vấn nạn giao thông lại nổi lên với nguy cơ tai nạn chết người luôn rình rập khiến người dân càng bất an hơn.
Nhiều người nhận định, hiện cầu vượt An Sương là cây cầu vượt nguy hiểm nhất trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TP.HCM mà nguyên nhân không gì khác chính là do sự vô lý trong việc phân làn các phương tiện giao thông.
Cầu vượt An Sương
Quốc lộ 1A qua địa bàn TP.HCM kéo dài từ quận 9 đến huyện Bình Chánh hiện có đến gần chục cây cầu vượt lớn nhỏ. Tuy nhiên, chỉ duy nhất cầu vượt An Sương nằm song hành trên tuyến quốc lộ 1A nhưng không có dải phân cách, không vạch kẻ trắng để phân biệt làn đường dành cho xe máy và xe ô tô.
Mỗi ngày, hàng ngàn xe khách, xe container, xe tải nặng... liên tục lưu qua cầu lẫn lộn cùng hàng trăm ngàn xe máy khác khiến tình trạng giao thông trở lên cực kỳ lộn xộn và đặc biệt nguy hiểm.
Tình trạng “đường chung”, xe máy ngang nhiên chạy ra giữa đường, rồi ô tô chạy áp sát thành cầu vượt cứ tiếp diễn khiến người đi đường thực sự bất an vì nan nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cầu vượt An Sương nằm song hành trên quốc lộ 1A, nơi có lượng phương tiện lưu thông lớn
Anh Ngô Văn Nguyên - lái xe tải thường xuyên chạy trên tuyến quốc lộ 1A cho biết, đã có lần chính xe anh suýt gây tai nạn cho một xe máy ngay giữa cầu vượt An Sương.
"Lúc đó đang vào giờ tan tầm, rất đông xe máy chạy qua cầu vượt An Sương. Trong lúc tôi đang điều khiển xe tải chạy đúng tuyến qua cầu thì một chiếc xe container từ phía sau lao lên, bấm còi inh ỏi để vượt qua.
Khi ấy, tôi phải lách tay lái vào bên trong lề cầu, cùng lúc này chiếc xe máy của một cô gái cũng bị ép theo vào thành cầu vượt. May lúc đó tôi chạy chậm nên xử lý kịp, khi chiếc conatainer vừa lao qua thì tôi trả tay lái ra hướng giữa cầu nên đã tránh đâm vào xe máy của cô gái…” anh Nguyên kể lại mà chưa hết bàng hoàng.
Cầu vượt này cho phép xe máy chạy chung đường với xe tải
Vì “đường chung” nên xe máy ngang nhiên chạy ra giữa đường và ô tô chạy áp sát thành cầu vượt dẫn đến nguy cơ tai nạn xảy ra rất cao
Tuy nhiên, sự may mắn của cô gái trong trường hợp của lái xe Nguyên chỉ là hy hữu. Nhiều người đã không thể thoát khỏi lưới hái tử thần chỉ vì sự chung đường rất vô lý giữa làn xe ô tô và xe máy trên cây cầu vượt đầy tai tiếng này.
Minh chứng, tối 27/2, trên cầu vượt An Sương đoạn qua P. Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, anh Trung Hiếu (26 tuổi) điều khiển xe máy có BKS 61D1- 228.55 chở theo vợ là chị Huỳnh Thị Thúy Quyền (24 tuổi) đang lưu thông trên quốc lộ 1A, hướng từ quận Bình Tân về quận Thủ Đức.
Khi xe máy vừa leo lên dốc cầu vượt An Sương thì bất ngờ bị xe tải BKS 51C- 354.14 đang chạy cùng chiều, từ phía sau vượt lên với tốc độ khá nhanh gây va chạm. Vụ va chạm khiến xe máy bị ngã xuống đường, vợ anh Hiếu tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn tối 27/2 khiến một người chết ngay trên cầu vượt An Sương
Chứng kiến vụ tai nạn nhiều người cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn chiếc xe máy của nạn nhân và xe tải chạy quá sát nhau nên xảy ra sự cố va chạm dẫn đến tai nạn thương tâm.
Hiện nay, theo khảo sát của phóng viên VTC News, dọc trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn TP.HCM có một số cây cầu vượt nằm song hàng cũng quốc lộ 1A như cầu vượt Linh Xuân (Q.Thủ Đức), cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12), cầu vượt Bình Phước 2 (Q.12 nối quận Thủ Đức) đã cấm hẳn xe máy lưu thông qua cầu vượt. Thay vào đó, các cầu vượt này chỉ để cho xe ô tô lưu thông qua, còn xe máy được điều tiết, di chuyển qua hai đường biên phía dưới cầu vượt nên tình trạng giao thông qua đây an toàn và ổn định hơn.
Ngoài ra, ở một số cầu vượt như cầu vượt Sóng Thần (Q.Thủ Đức), cầu vượt Bình Phước 1 (Q. Thủ Đức), cầu vượt thép Tỉnh lộ 10, cầu vượt Bình Thuận (Q. Bình Tân) cầu vượt Bình Điền (H.Bình Chánh)… mặc dù xe máy được lưu thông chung với các phương tiện khác, song cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống dải phân cách, kẻ vạch trắng phân cách rạch ròi giữa làn đường xe máy và ô tô nên tai nạn giao thông cũng được hạn chế tại những cây cầu này.
Không hiểu vì lý do gì cầu vượt An Sương - cây cầu vượt duy nhất song hành trên quốc lộ 1A lại không có dải phân cách, không có vạch kẻ trắng để phân biệt làn đường dành cho xe máy và xe ô tô, khiến người dân bất an, lo lắng bởi thần chết luôn rình rập trên đầu họ mỗi khi qua cầu này?Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng cần có biện pháp khắc phục tình trạng "đường chung" giữa xe máy và ô tô trên cầu vượt An Sương. Giải pháp đơn giản nhất là cấm hẳn xe máy lưu thông qua cầu, hay tiến hành phân làn đường rạch ròi giữa xe máy và xe ô tô. Có như vậy mới mong giảm bớt những cái chết, những vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại cây cầu này.
Bình luận