• Zalo

Tham vọng thâu tóm các khách sạn hàng đầu thế giới của ông chủ Trung Quốc

Kinh tếThứ Năm, 24/03/2016 11:42:00 +07:00Google News

Cuộc chiến đấu thầu hàng tỷ đô la Mỹ với Marriott International để thâu tóm hãng sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton

Cuộc chiến đấu thầu hàng tỷ đô la Mỹ với Marriott International để thâu tóm hãng sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton khiến công ty Trung Quốc Anbang Insurance Group và tham vọng của họ trở thành tâm điểm chú ý.

Doanh nhân kín tiếng

Theo CNN, dù Wu Xiaohui, Chủ tịch tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance Group, khá kín tiếng, song ông khó có thể tránh khỏi sự theo dõi của nhiều người trong những ngày gần đây. Cuộc chiến đấu thầu hàng tỷ USD với hãng quản lý khách sạn Marriott International nhằm thâu tóm Starwood Hotels & Resorts Worldwide, công ty sở hữu thương hiệu Sheraton, đã gia tăng sự chú ý của nhiều người về tập đoàn Anbang.

Tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance Group. Ảnh chụp màn hình trang chinadaily.com.cn. 

Thông tin về ông Wu là khá hiếm và trang web hãng Anbang không cung cấp bất kỳ thông tin nào về ông. Tuy nhiên, khi cuộc đua giành thương hiệu Sheraton nổi lên, nhiều tờ báo đang cố gắng có thêm thông tin về nhân vât này.

Ông Wu là doanh nhân đến từ thành phố Ôn Châu, có quan hệ chặt chẽ với các nhân vật có chức cao trong bộ máy chính trị Trung Quốc. Theo truyền thông sở tại, ông từng là một trong các đại biểu doanh nghiệp đi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Anh.

Năm ngoái, tạp chí tài chính Kinh Tài của Trung Quốc cho hay sự nghiệp của ông Wu bắt đầu với việc thuê xe trước khi ông chuyển vào làm các dự án xây dựng và sau đó là ngành bảo hiểm. Kinh Tài cũng cho biết ông Wu kết hôn với Zhuo Ran, cháu gái của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, dù cả hai sau đó không sống chung. Ông Đặng Tiểu Bình được xem là kiến trúc sư cho kinh tế Đại lục, người tung ra một loạt cải cách giúp Trung Quốc chuyển mình thành cường quốc kinh tế như ngày nay.

Khách sạn Sheraton Eatontown ở Mỹ - Ảnh: starwoodhotels.com 

Chi nhánh đầu tiên của Anbang mở tại Bắc Kinh hồi năm 2004. Từ khởi đầu khiêm tốn, hãng đi lên thành người khổng lồ trong ngành tài chính, tuyên bố có hơn 1.900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 292 tỷ USD, 3.000 chi nhánh với 30.000 nhân viên trên toàn cầu.

Anbang từng cho hay hãng muốn lọt vào “top 10 tập đoàn tài chính toàn diện hàng đầu thế giới”. Ông Wu từng nói mục tiêu cuối cùng của ông là niêm yết tập đoàn cùng các công ty con của hãng lên các sàn chứng khoán lớn toàn cầu.

Tham vọng thâu tóm chuỗi khách sạn ngoại


Starwood không phải là tài sản duy nhất ông Wu đã và đang theo đuổi để có được. Tập đoàn Anbang đang tiến gần đến một thỏa thuận riêng biệt khác, mua Strategic Hotels & Resorts với giá 6,5 tỷ USD từ hãng đầu tư Blackstone Group.

Hồi năm 2014, Anbang từng vung 1,95 tỷ USD để mua khách sạn mang tính biểu tượng ở thành phố New York: Waldorf Astoria. Đây là thương vụ sáp nhập bất động sản lớn nhất ở Mỹ mà nhà đầu tư Trung Quốc từng thực hiện.

Khách sạn Waldorf Astoria ở New York (Mỹ) - Ảnh: AFP. 
Trong khi Chủ tịch Wu cố gắng tránh xa các phương tiện truyền thông, ông vẫn cho thấy tham vọng toàn cầu của Anbang ở mức kỷ lục. Năm ngoái, ông Wu tự hào phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Harvard rằng đội ngũ tập đoàn ông luôn trên đường tìm kiếm các mục tiêu lớn tiếp theo.

“Tổng số dặm bay của nhóm tìm cơ hội đầu tư của công ty bằng một khoảng cách chuyến khứ hồi từ Trái đất đến Mặt trăng, đó là bằng chứng cho quá trình ra quyết định của chúng tôi. Chúng tôi phải giành chiến thắng trong trận chiến đầu tiên và từng trận sau đó khi chúng tôi đem danh doanh nghiệp Trung Quốc ra thế giới”, ông nói.

Angbang đã chào mua nhiều công ty bảo hiểm lớn, trong đó có Fidelity & Guaranty Life của Mỹ, Vivat của Hà Lan và Fidea của Bỉ. Nỗ lực nhắm vào tài sản nước ngoài của tập đoàn bảo hiểm trên đi cùng với “cơn khát” thâu tóm doanh nghiệp ngoại của Đại lục. Từ đầu năm đến nay, giới doanh nghiệp Trung Quốc đã công bố 104 tỷ USD thương vụ ở nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc đã và đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài, song nỗ lực tương tự như của tập đoàn Anbang có thể bị ngăn cản bởi chính các nhà quản lý đất nước.

Tờ Kinh Tài đưa tin hôm 22/3 rằng Angbang có thể bị giới làm luật từ chối kế hoạch mua lại khách sạn gần đây, vì nó vi phạm quy định cấm các hãng bảo hiểm đầu tư hơn 15% tài sản của họ ở nước ngoài. Vì thế, Marriott đang sẵn sàng để thâu tóm Starwood, trừ khi Anbang và các đối tác của họ quay trở lại với mức giá cao hơn.

Nguồn: Báo Thanh Niên
Bình luận
vtcnews.vn