• Zalo

Thảm sát ở Bình Phước: Đã trả được 'món nợ' cho các nạn nhân

Thời sựThứ Ba, 14/07/2015 08:00:00 +07:00Google News

Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an tham gia phá án, ngày đêm miệt mài với từng dấu vết nhỏ, từng thông tin từ quần chúng để truy tìm kẻ gây ra vụ thảm sát.

(VTC News) - Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an tham gia phá án, ngày đêm miệt mài với từng dấu vết nhỏ, từng thông tin từ quần chúng để truy tìm kẻ gây ra vụ thảm sát.

Chiều 13/7, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ở Bình Phước) về tội giết người và cướp tài sản.

Dương và Tiến được xác định liên quan đến vụ thảm sát kinh hoàng tại Bình Phước xảy ra vào rạng sáng  7/7. Theo đó, 6 nạn nhân đều là người trong một gia đình. Bé gái 18 tháng tuổi là nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ thảm sát đẫm máu.

Video: Những câu hỏi xoay quanh vụ thảm sát


Ba ngày sau khi xảy ra thảm kịch kinh hoàng với gia đình ông chủ công ty gỗ tại Bình Phước, cơ quan điều tra đã bắt giữ hai nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến vào tối 10/7.

Cơ quan công an làm rõ, Dương có mỗi quan hệ tình cảm với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh (con gái nạn nhân Mỹ). Do mâu thuẫn chuyện tình cảm, Dương đã lên kế hoạch giết người cướp tài sản để trả thù gia đình người yêu.

Hàng nghìn cán bộ tham gia phá án

Sau ba ngày, hai nghi can đã lộ diện trước một quá trình điều tra khẩn trương, trách nhiệm, mưu mẹo, với sự vào cuộc của hàng nghìn cán bộ chiến sỹ, của các lãnh đạo Bộ Công an, công an tỉnh Bình Phước và các địa phương lân cận. 

Trờ về sau ba ngày chỉ đạo phá án ở Bình Phước, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, Trưởng ban Chuyên án cho biết, chuyên án thắng lợi nhờ hội tụ một lực lượng “đánh án” tinh nhuệ nhất, dưới sự chỉ đạo sát sao nhất của Lãnh đạo Bộ Công an.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh kể về chuyện phá án vụ thảm sát ở Bình Phước 
Ngày 7/7, vụ án mạng xảy ra tại huyện Chơn Thành, thời điểm nay Trung tướng Vĩnh đang công tác tại tỉnh Lâm Đồng. Nhận tin báo từ cấp dưới, tướng Vĩnh lập tức sắp xếp công việc, đặt vé máy bay về TP. HCM và di chuyển bằng xe máy đến hiện trường vụ án tại tỉnh Bình Phước.

“Một vụ án nghiêm trọng cướp đi 6 mạng người, chúng tôi phải sắp xếp các công việc hiện tại, đến hiện trường một cách nhanh nhất để nắm sự việc, chỉ đạo và cùng các lực lượng khác triển khai điều tra”, tướng Vĩnh nhớ lại.

Tướng Vĩnh cho biết, khi ông tới hiện trường, hàng trăm người dân đã tập trung theo dõi vụ việc khiến hiện trường hỗn loạn. Điều này đồng nghĩa với việc không ít người dân đã ra vào khu vực xảy ra án mạng. Cuộc khám nghiệm hiện trường căng thẳng đến từng giây trong khuôn viên biệt thự rộng cả nghìn mét vuông. 

Trung tướng Vĩnh nhắc lại vụ án Lê Văn Luyện năm 2011 cũng đã cướp đi ba sinh mạng. Thời điểm gây án, Lê Văn Luyện còn chưa đủ 18 tuổi. 

“Giờ lại xảy ra vụ thảm án ở Bình Phước, trở thành nỗi trăn trở lớn của tôi, vừa lo chỉ đạo, huy động sức mạnh điều tra sớm nhất, vừa lo trả được “món nợ” cho các nạn nhân, sớm tìm ra thủ phạm”, Trung tướng Phan Văn Vĩnh chia sẻ sau khi chuyên án hoàn thành.

Cơ quan điều tra kiểm tra hiện trường vụ án 
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang đang họp ở Bình Dương đã đi thẳng xuống hiện trường thắp hương, chia buồn với người xấu số, đồng thời làm việc với lực lượng công an và tỉnh Bình Phước, chính quyền. 

Bộ trưởng chỉ đạo, lực lượng công an từ Bộ phải cử những trinh sát, cán bộ có kinh nghiệm, tập trung mọi nguồn lực để phá án bằng mọi giá.

Video: Tìm vật chứng trong vụ thảm sát


Đến đầu giờ chiều ngày 7/7, hàng ngàn cán bộ công an được huy động tham gia phá án. Theo đó, Bộ Công an đã huy động 14 đơn vị nghiệp vụ từ Hà Nội và TP. HCM vào tham gia. 

Cùng tham gia, có 10 lãnh đạo của công an các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, TP. HCM và Đông Nam Bộ được huy động. 10 vị lãnh đạo này trực tiếp vào tiếp vào hiện trường để nắm bắt tình hình kịp thời chỉ đạo các phương án phối hợp. 

Riêng công an tỉnh Bình Phước, ngoài lực lượng công an tỉnh, 100% lãnh đạo công an huyện Bình Phước đều có mặt tại hiện trường để phối hợp.

Không kịp về nhà thay quần áo

Công việc khẩn trương, tập trung nhiều lực lượng cùng phá án là nhiệm vụ hàng đầu được đưa ra trong chuyên án. Chính vì vậy, vị Giám đốc công an tỉnh Bình Phước Trần Thắng Phúc còn không có thời gian để về nhà thay quần áo.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh chia sẻ, Đại tá Trần Thắng Phúc được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu dừng mọi cuộc làm việc, tập trung lo phá án. 

“Chính vì thế mà suốt 3 ngày đêm, đồng chí Phước không kịp cả về thay quần áo. Liên tục làm nhiệm vụ tại Ban Chuyên án với nguyên bộ Cảnh phục”, Trung tướng Vĩnh nói.

Hai nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (từ trái sang)
Trung tướng Vĩnh đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn của các tầng lớp quần chúng nhân dân cả trong nước, ngoài nước cho chuyên án, trong đó có cả những người từng có tiền án, tiền sự cũng liên lạc, cung cấp thông tin cho Ban Chuyên án

Bên cạnh đó, trong hàng nghìn tin nhắn tố giác tội phạm, có những thông tin nhận định khá đầy đủ, chi tiết và được Ban Chuyên án ghi nhận, đánh giá, phân tích.

Kết thúc chuyên án, Trung tướng Vĩnh nói rằng, chúng tôi cùng đồng đội đã trả được “món nợ” cho nạn nhân, cho gia đình họ nhưng vẫn canh cánh nỗi buồn về vụ án để lại hậu quả nặng nề quá. Ông khẳng định đây không phải là chiến công, mà là trách nhiệm.

“Trong gia đình chỉ còn duy nhất một cháu bé 18 tháng tuổi sống sót. Mất mát là quá lớn, quá thương tâm”, vị tướng Chỉ đạo chuyên án nghẹn ngào.

Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn