Vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) khiến 4 người tử vong khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Đại diện UBND huyện Quang Bình cho biết nghi phạm gây án là Phù Minh Tuấn (SN 1984, người địa phương) có tiền sử bị bệnh tâm thần.
Phù Minh Tuấn mắc bệnh động kinh. Cách đây khoảng 10 năm, Tuấn lập gia đình với một người phụ nữ ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Sau khi lấy vợ, Tuấn làm thuê ở các nương rẫy, phụ hồ ở gần nhà.
Vợ chồng Tuấn có 2 người con. Tuy nhiên, vào ngày 6/1/2015, Tuấn đã dùng dao chém tử vong một người con ruột của mình và bị cơ quan chức năng huyện Quang Bình bắt giữ.
Trước đó, trao đổi với PV VTC News, Ông Phú Quang Sỹ - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trịnh cho biết: "Vào tháng 1/2015, sau khi chém tử vong con trai, Tuấn bị Công an huyện Quang Bình bắt giữ và đưa đi kiểm tra.
Sau khi kiểm tra, cơ quan công an đã phát hiện Tuấn bị bệnh tâm thần nên đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Tuấn được trở về địa phương vào ngày 7/7/2016".
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, những người gây án có dấu hiệu của bệnh tâm thần sẽ được đưa đi giám định.
Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm họ gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.
Nếu cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mặc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ do mắc bệnh.
"Có thể kể đến một số vụ án như vụ Lê Quang Lập (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) giết mẹ và bà ngoại, vụ Huỳnh Thanh Phong (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) giết hai người hàng xóm và làm bị thương một người khác, vụ Đặng Duy Điền (xã Đông Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) giết hai người", luật sư Thanh liệt kê.
Luật sư Thanh chia sẻ thêm: "Bản thân tôi đã nhiều lần làm người bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người phạm tội là người đang trong tình trạng mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức.
Trên thực tế, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp cơ quan tố tụng “tha” cho những đối tượng này, tức là không xử lý hình sự họ, cho dù họ có tiền sử về mắc bệnh tâm thần.
Thông thường cơ quan tố tụng vẫn buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ giảm nhẹ một phần hình phạt cho họ mà thôi".
Ông Thanh cho rằng cần phải có sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng khi xử lý những vụ việc này.
"Theo tôi, người mắc bệnh tâm thần cần phải được chữa trị khỏi bệnh hay ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Thế nên, rất cần có sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng về vấn đề này để từng bước hạn chế tình trạng người tâm thần phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội", luật sư Thanh nói.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Video: Thảm sát 4 người chết ở Hà Giang: Đối tượng tâm thần bị xử lý như thế nào?
Bình luận