Phiên tòa xét xử vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC), trong đó, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) bị truy tố về hai tội Cố ý làm trái quy và Tham ô tài sản, Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) và các đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái là phiên tòa hình sự đầu tiên của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
Sau 10 ngày xét xử (từ 8-17/1/2018), kết thúc quá trình tranh tụng, phiên tòa tạm nghỉ để Hội đồng xét xử họp nghị án và sẽ ra phán quyết vào ngày mai (22/1/2018).
Dưới góc nhìn của một người đã và đang thực hiện chức năng xét xử hình sự, Đại tá Nguyễn Thị Tuyết - Thẩm phán Cao cấp Tòa án quân sự Trung ương chia sẻ một số ý kiến về quá trình tranh tụng tại phiên tòa này.
Trước hết, đây là phiên tòa được nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Sự quan tâm đó không phải bắt nguồn từ mức độ phức tạp, nghiêm trọng của vụ án, mà bởi tính đặc biệt của nhân thân bị cáo.
Lần đầu tiên một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cùng rất nhiều quan chức cao cấp bị thẩm vấn, luận tội công khai tại phiên tòa. Việc truy tố và đưa ra xét xử vụ án này cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, khẳng định quan điểm không có vùng cấm.
Thứ hai, về hình thức tổ chức phiên tòa. Một điều dễ nhận thấy là phiên tòa được bố trí, sắp xếp theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án Nhân dân tối cao.
Theo đó, vành móng ngựa bị “khai tử”, khi được hỏi và thực hiện quyền tranh luận, bị cáo và những người tham gia tố tụng trả lời tại “bục khai báo”.
Đồng thời, Kiểm sát viên và Luật sư ngồi đối diện, ngang hàng với nhau, Hội đồng xét xử ngồi ở vị trí trung tâm.
Không phải đứng vào vành móng ngựa, bị cáo cảm nhận được quyền con người, quyền công dân vẫn được tôn trọng, dù họ đang bị luận tội.
Bởi theo nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13 BLTTHS năm 2015) thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong điều kiện đó, bị cáo sẽ khai báo thoải mái hơn, tranh luận dân chủ hơn.
Khi Luật sư ngồi ngang hàng với Kiểm sát viên sẽ bảo đảm sự bình đẳng, dân chủ trong việc tranh tụng. Điều này cho thấy, Nhà nước ta coi trọng cả chức năng gỡ tội và chức năng buộc tội, xác định tranh tụng chính là biện pháp phản biện trực diện và khoa học để tìm ra sự thật của vụ án.
Ngoài ra, tại phiên tòa này, lần đầu tiên, Điều tra viên được triệu tập để Hội đồng xét xử làm rõ tính hợp pháp của các hành vi tố tụng trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Điều tra viên có nghĩa vụ trình bày rõ ràng về quá trình tiến hành tố tụng của mình khi Hội đồng xét xử yêu cầu.
Thứ ba, về diễn biến phiên tòa, dễ dàng nhận thấy, phần xét hỏi được Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa điều khiển khá khoa học và logic; dành nhiều thời gian cho Luật sư và Kiểm sát viên tham gia xét hỏi; Giám định viên đã bị các Luật sư “truy” tới cùng để xác định cơ sở và căn cứ mà giám định viên đã đưa ra kết luận xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; việc đối chất giữa các bị cáo được thực hiện ngay khi Hội đồng xét xử thấy nội dung lời khai có mâu thuẫn và cần được làm sáng tỏ.
Những tình tiết giảm nhẹ, những thành tích, cống hiến của bị cáo trong quá trình công tác và những đóng góp tích cực của họ trong quá trình phá án được xét hỏi cụ thể, đầy đủ, phân minh, làm cơ sở để HĐXX lượng hình.
Về nội dung tranh luận, đối đáp tại phiên tòa, đây vốn là nội dung phản ánh thực chất nhất chất lượng tranh tụng, mức độ cải cách tư pháp trong xét xử.
Tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên đã bảo đảm tương đối tốt nguyên tắc tranh tụng. Với sự có mặt của hơn 40 Luật sư, của 22 bị cáo hầu hết là người có chức vụ, là điều kiện thuận lợi để họ tham gia có hiệu quả vào việc tranh tụng.
Thực tế cho thấy, sau bốn ngày tranh luận, nhiều nội dung được các Luật sư biện hộ, đối đáp thẳng thắn, trực diện, thậm chí gay gắt, được đại diện VKS đáp lại đầy đủ về từng vấn đề mà Luật sư và bị cáo đưa ra.
Video: Ông Đinh La Thăng nói gì trong lời sau cùng tại tòa
Kết quả bước đầu là chiều 15/1/2018, đại diện VKS đã chấp nhận quan điểm gỡ tội, chính thức đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức hình phạt (so với đề nghị của Viện Kiểm sát khi luận tội) cho 5 bị cáo (Bùi Mạnh Hiển, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Lý Hải, Lương Văn Hòa và Lê Đình Mậu).
Đây là điều mà trong thực tế xét xử, không nhiều phiên tòa đạt được. Sự tôn trọng kết quả tranh luận của VKS cho thấy tính dân chủ, bình đẳng, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng đã được khẳng định.
Có thể nói, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả những ý kiến trái chiều, nhưng không thể phủ nhận rằng, với diễn biến của 10 ngày xét xử đã cho thấy, tính dân chủ, bình đẳng của phiên tòa đã được ghi nhận, cả về hình thức và nội dung.
Đó là những nét tích cực trong phiên tòa “đại án” đầu năm; góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân về một nền tư pháp tiến bộ.
Với tinh thần đổi mới và cải cách tư pháp trong tổ chức phiên tòa, chúng ta có quyền hy vọng vào một phán quyết nghiêm minh, có tình, có lý, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm của nhân dân.
Bình luận