GS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lý giải tình trạng 'tham nhũng' nhà công vụ.
Gần đây, câu chuyện "nhà công vụ” làm nóng dư luận, đặc biệt là qua việc một số nguyên cán bộ lãnh đạo sau khi nghỉ hưu đã lấy nhiều lý do để không trả lại nhà công vụ được cấp trước đó. Theo GS Thuyết, để xảy ra việc này có lỗi từ hai phía: phía người mượn nhà "quên” trả và phía người quản lý thiếu trách nhiệm. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, phía người sử dụng nhà công vụ không thể lý sự rằng không trả nhà vì không thấy ai đòi.
Vì rằng, bất kỳ ai được cấp nhà công vụ cũng phải hiểu rõ nhà công vụ sinh ra để làm gì, phục vụ ai và trong thời gian nào. Ngay chữ "nhà công vụ” đã có nghĩa là nhà dành cho người đang làm công vụ.
Mặt khác, dư luận có quyền đặt câu hỏi cơ quan quản lý nhà nước quản lý nhà kiểu gì để người ta nói chẳng thấy ai đòi, không biết trả cho ai, chẳng có quyết định gì nên không trả lại nhà!
Mặt khác, dư luận có quyền đặt câu hỏi cơ quan quản lý nhà nước quản lý nhà kiểu gì để người ta nói chẳng thấy ai đòi, không biết trả cho ai, chẳng có quyết định gì nên không trả lại nhà!
GS Nguyễn Minh Thuyết. |
Không thể lý sự rằng không trả nhà vì không thấy ai đòi
- Thưa ông, dư luận gần đây đang phản ứng về việc nhiều quan chức đã nghỉ hưu nhưng không chịu trả lại nhà công vụ, ông bình luận gì về vấn đề này?
Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, nhiều cựu quan chức chưa trả nhà công vụ có giải thích là họ chưa có "cơ hội” trả nhà, vì không thấy ai đòi và cũng không biết trả cho ai. Tôi cho rằng, trả lời như thế là vô trách nhiệm, nhất là đối với những người từng giữ cương vị lãnh đạo. Bất kỳ ai được cấp nhà công vụ cũng phải hiểu rõ nhà công vụ sinh ra để làm gì, phục vụ ai và trong thời gian nào.
Ngay ba chữ "nhà công vụ” đã có nghĩa là nhà dành cho người đang làm công vụ. Nghỉ công tác nghĩa là không còn làm công vụ nữa thì trả lại nhà là lẽ đương nhiên. Khi mượn nhà anh hỏi ai thì phải tìm địa chỉ đó bàn giao lại. Điều này cũng giống như lái xe công vụ về hưu thì phải trả xe công cho người kế nhiệm, chứ không thể giữ làm của riêng hay cho thuê.
- Câu chuyện không thu lại được nhà công vụ được đặt ra qua nhiều kỳ Quốc hội và HĐND các thành phố lớn. Vậy mà vẫn chưa tiến triển được là bao. Trong khi ai cũng hiểu, phải là cán bộ cỡ nào mới có những nhà công vụ ở những mảnh đất vàng. Phải chăng công tác quản lý công sản của ta còn lỏng lẻo?
Đúng vậy. Dư luận có quyền đặt câu hỏi cơ quan quản lý nhà nước quản lý nhà kiểu gì để người ta nói chẳng thấy ai đòi, không biết trả cho ai, chẳng có quyết định gì nên không trả lại nhà! Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là cá nhân ông Bộ trưởng hay ông Chủ tịch UBND được giao trách nhiệm quản lý nhà mà chưa thu hồi được nhà là chưa hoàn thành nhiệm vụ, là thiếu trách nhiệm đối với tài sản nhà nước.
Tôi cho rằng, phải kỷ luật người thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng chiếm dụng nhà công vụ như hiện nay. Không thể để câu chuyện này chỉ diễn ra trên báo chí xong rồi thôi.
Không trả nhà công vụ là tham nhũng
- Thưa ông, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua nhiều ĐBQH có đề cập đến chuyện các cựu cán bộ sau khi đã nghỉ hưu vẫn chiếm dụng nhà công vụ cũng là một dạng tham nhũng, quan điểm của ông về vấn đề này?
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về ý kiến của ĐBQH rằng, cá nhân không trả lại nhà công vụ cũng là hành vi tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có nói rằng, không thể nói đó là hành vi tham nhũng vì thực ra "mình” chưa đòi nhà… Tôi nghĩ, đây là cách bào chữa vụng về.
Chiếm dụng của công là tham nhũng rồi. Không những thế, nhiều người còn cho thuê để kiếm lời. Tôi muốn lưu ý rằng, nhà công vụ bị chiếm dụng không chỉ là một số căn hộ chung cư đâu, mà còn là nhiều biệt thự có giá trị rất cao nữa.
Tôi không tin một người danh giá như ông Nghiên lại nói sai sự thật
|
- Sau kỳ họp HĐND TP. Hà Nội, dư luận đang nổi sóng, vì việc 8 năm nay TP. Hà Nội không thu hồi được căn biệt thự cấp sai cho ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND thành phố. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Về việc này, đương sự là ông Hoàng Văn Nghiên đã trả lời báo chí: "Có ai nói gì với tôi đâu. Cơ quan người ta không nói gì với tôi, tôi không nói gì với cơ quan thì việc gì phải nói nhỉ? Tôi không bận tâm gì mà người ngoài đi nói thì lạ quá”.
Qua ý kiến ông Nghiên, có thể thấy chính quyền TP. Hà Nội trước đó chưa làm gì, thậm chí chưa nói gì với ông Nghiên để thực hiện quyết định thu hồi biệt thự. Tôi không tin một người danh giá như ông Nghiên lại nói sai sự thật.
Bởi vậy, chính quyền thành phố cần xử lý kỷ luật những người có trách nhiệm đã lơ là trách nhiệm trong thời gian qua, cần sớm bắt tay vào thực thi nhiệm vụ của mình. Ban Bí thư Trung ương Đảng là cơ quan quản lý những cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu cũng cần có thái độ nghiêm khắc với ông Nghiên. Còn về dư luận, có lẽ nó chưa đủ mạnh để ông Nghiên bận tâm.
Đất nước không thể giàu nếu quản lý tài sản không chặt
- Vậy việc quản lý tài sản lỏng lẻo như vậy là do thiếu chế tài hay chế tài xử lý chưa nghiêm?
Không phải chúng ta không có đầy đủ chế tài. Ai cũng biết chúng ta có cả một "rừng” văn bản quy phạm pháp luật không thua kém nước nào, nhưng thực thi luật thì rất yếu kém. Tôi nói thật là ở những nước pháp trị đàng hoàng thì trước những vụ việc đã nêu, chắc chắn Quốc hội không để yên cho ông Bộ trưởng Xây dựng và HĐND thành phố không để yên cho ông Chủ tịch UBND.
Chống tham nhũng không chỉ hô khẩu hiệu
- Phải chăng đó là lý do khiến chỉ số tham nhũng của Việt Nam không hề giảm, dù nhiều năm qua quyết tâm phòng chống tham nhũng đã có, thưa ông?
Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, Việt Nam không có cải thiện về chỉ số tham nhũng trong khi các nước trong khu vực có nhiều tiến triển trong công tác này. Tôi cho rằng, tham nhũng còn nặng nề lắm, báo chí, dư luận mới đề cập đến bề nổi của tham nhũng thôi.
Khu nhà ở công vụ tại Hoàng Cầu (ngõ 61 Trần Quang Diệu, Hà Nội) |
Những vụ tham nhũng được phanh phui chủ yếu là tham nhũng vặt. Trong khi đó tham nhũng chính sách, tức là lợi dụng vị trí của mình đề ra những quyết sách có lợi cho một số nhóm lợi ích nào đó thì chưa phát hiện được vụ nào.
- Thưa ông, để đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả, một số nước đã phát động toàn dân "săn cáo” và đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng, vậy vì sao ta chưa phanh phui được những vụ lớn như ông nói, phải chăng do quyết tâm chống tham nhũng của ta chưa đủ mạnh?
Tham nhũng là vấn nạn toàn cầu. Cứ có nhà nước là có tham nhũng, nhưng vấn đề ở chỗ người ta có cơ chế chống tham nhũng hiệu quả. Tôi còn nhớ khi còn công tác ở trường đại học mỗi khi có khách quốc tế, chúng tôi thường tặng các bạn một vài kỷ vật nhỏ.
Nhưng có những bạn ở một nước Đông Nam Á lần nào cũng từ chối. Sau này có dịp gặp lại, họ nói nếu nhận quà thì phải khai báo ngay tại cửa khẩu. Hải quan giữ món đồ này lại xem xét, đánh giá xem món quà trị giá bao nhiêu. Nếu xác minh thấy trị giá món quà nhỏ, cơ quan có thẩm quyền cho phép nhận thì người nhận quà phải quay lại sân bay, rất mất thì giờ. Một công chức, viên chức phải khai báo quá nhiều lần về những món quà như vậy cũng dễ bị người ta để ý. Họ quy định chặt như vậy nên chẳng ai muốn nhận quà cả.
Đối với phần lớn các nước việc xử lý tham nhũng không chờ đến lúc quan chức về hưu, trừ một vài nước có chế độ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nguyên thủ quốc gia trong thời gian tại vị. Đó là những nước có chế độ chính trị khác ta. Nhưng Trung Quốc là một nước có chế độ chính trị giống nước ta gần đây cũng xử lý tham nhũng rất nghiêm, đã khui ra nhiều vụ tham nhũng kinh thiên động địa.
- Vậy để công cuộc chống tham nhũng hiệu quả, theo ông, cần phải làm gì?
Từ hàng chục năm nay, Đảng đã nhận định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Nhưng mấy chục năm rồi mà cuộc chiến chống tham nhũng vẫn chưa có chuyển biến cơ bản. Để chống được tham nhũng, cần quyết tâm cao độ của người đứng đầu. Cùng với quyết tâm cao, phải có thực lực và có biện pháp khôn khéo, hiệu quả. Đặc biệt, phải dựa vào dân, đừng ngại dân. Nếu không, chống tham nhũng cũng chỉ là hô hào khẩu hiệu.
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo Đại Đoàn Kết
Bình luận