Dọc theo con đường ven biển các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có hàng vạn hecta rừng xen lẫn đầm phá. Mùa mưa, nơi đây có nhiều loại chim trời di cư dừng chân trú ngụ.
Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể tin nổi khung cảnh yên bình của làng quê nơi đây lại là “vùng đất chết” của chim trời.
Những ngày cuối tháng 9, Hà Tĩnh bắt đầu bước vào mùa mưa bão, đây cũng là lúc từng đàn chim trời kéo vào bờ trú ngụ, kiếm ăn.
Dưới những kênh rạch hướng ra biển tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, các loại cây bụi mọc lên xa ngút tầm mắt. Tại đây, chúng tôi gặp ông T. (xin được giấu tên) - người có thâm niên trên 50 năm săn bắt chim trời. Sau hàng giờ đồng hồ thuyết phục, ông T. mới bắt đầu trải lòng về những góc khuất của nghề bẫy trộm chim.
Trong lán trại tạm bợ ẩn sâu dưới tán cây, ông T. chia sẻ, khoảng tháng 8 đến tháng 11 là giai đoạn chim trời di cư vào bờ. Thời điểm có gió bão, khi bay hàng trăm cây số từ ngoài khơi vào bờ, chim trời sẽ mỏi cánh, hạ xuống từng đàn. Lúc ấy, những tay thợ săn như ông T. “nhặt không kịp”.
“Để có được “hệ thống” bẫy công phu như thế này, những người bẫy chim có thể mất cả tháng trời để đi chặt tre, tỉa ngọn cây, dựng lán. Sau khi chọn địa điểm hợp lý, họ bắt đầu kết các cành cây lại thành từng dàn, làm thang, chuẩn bị thẻ tre có dính nhựa để cắm lên những cành cây đã chuẩn bị sẵn”, ông T. mô tả tỉ mỉ quy trình làm bẫy chim.
Theo ông T., thông thường, các bụi cây được chọn lắp bẫy có độ cao từ 5-7m so với mặt đất hoặc thấp hơn. Chim mồi có 2 loại: Chim thật và chim giả (làm từ xốp, sau đó quét sơn lên cho giống chim thật).
Chực chờ dưới các tán lá là hàng vạn thẻ tre có gắn nhựa đang “ẩn nấp”, sẵn sàng tóm gọn chim trời. Những ngọn cây cứ ngỡ là nơi an toàn cho đàn chim trú ngụ, nay trở thành ánh đèn cho hàng ngàn “con thiêu thân” lao vào.
Tiếp tục men theo con đường nhỏ, cách đường lớn khoảng 50m, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt lán trại lớn nhỏ nằm san sát dưới đất, có cái nằm chót vót trên cây.
Dọc các lối vào vị trí bẫy chim, người dân dùng cây có gai nhọn chắn ngang đường hòng cản trở lực lượng chức năng kiểm tra. “Cẩn thận với những chiếc gai nhọn này, nếu không để ý kĩ chúng sẽ đâm vào chân, tối nằm đau nhức không chịu nổi”, ông T. nhắc nhở chúng tôi.
Những chiếc “bẫy” này được dựng lên từ các cây tre có nhiều gai nhọn, sắc nếu đi qua không để ý có thể cứa vào cơ thể hoặc dẫm vào dưới chân.
Để vào được vị trí đặt bẫy chim, lực lượng chức năng phải vượt qua hai dàn gai nhọn, được đặt cách nhau khoảng 10m. Những vị trí có “bẫy” gai nhọn thường là nơi bùn lầy, lối đi hẹp, sau khi phá bỏ người dân lại tiếp tục đặt lại nên lực lượng chức năng khi đi tuần tra gặp rất nhiều khó khăn, rất dễ bị thương.
Phía dưới hàng “bẫy” gai là những bãi mảnh chai được tạo nên từ bóng đèn thủy tinh, chai thủy tinh vỡ. Rất khó để quan sát được những mảnh thủy tinh này vì chúng nằm “ấn nấp” dưới lớp lá cây đã rụng, chực chờ để găm vào chân những ai dẫm vào.
Tại vị trí cách mặt đất khoảng 3-5m, người bẫy trộm chim kết các thân tre lại với nhau thành dàn chắc chắn, thuận tiện cho việc đi lại, gỡ chim mắc bẫy giữa các lùm cây.
Những người bẫy chim trái phép còn chế tạo thêm một chiếc thang được làm từ các khúc tre, gỗ nhằm phục vụ cho việc leo lên lấy chim ở vị trí bẫy trên cao.
Phóng hết tầm mắt, chúng tôi vẫn thấy cơ man nào là chim mồi trắng xóa, y hệt chim thật.
Chim mồi trên các ngọn cây có nhiệm vụ “câu dẫn”, khi đàn chim bay qua thấy nhiều đồng loại ở dưới thì chúng sẽ sà xuống. Bao quanh “trận địa” chim mồi này là hàng vạn thẻ tre có quét nhựa, chực chờ chim trời hạ cánh là dính chặt.
Bẫy không chỉ được đặt ở trên các tán cây mà cả ở dưới đầm lầy hay ruộng, hễ chim sà xuống thì “không có lối thoát”.
Nhựa được dùng để bôi lên thanh tre là loại siêu dính, chỉ cần lông chim chạm vào sẽ không thể thoát ra, càng vùng vẫy thì càng dính chặt hơn.
Thời gian bẫy chim thường kéo dài cả ngày, tuy nhiên thời điểm chim về nhiều, dễ đánh bắt là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Do đó, những người bẫy trộm chim như ông T. sẽ nấp dưới lán và ở đó chực chờ chim cả ngày.
Có một sự thật ít ai biết về những chú chim thật được dùng làm mồi trên những ngọn cây, trừ một số con được nuôi nhiều năm, có sức khỏe tốt, sẽ sống sót cho đến hết mùa bẫy chim, còn lại đa số chúng sẽ chết vì kiệt sức sau 3-5 ngày đứng dụ chim trời.
Ông T. tiết lộ, một khi con chim đầu đàn bay xuống là tất cả sẽ xuống theo, đàn ít thì vài chục con, đàn nhiều lên đến hàng trăm con. Rất ít con có thể thoát khỏi khu vực bẫy, nên những ngày chim trời về nhiều, không ít tay thợ săn có thể thu hoạch vài trăm con là bình thường.
Video: Thâm nhập vùng đất giăng ‘thiên la địa võng’ tận diệt chim trời
Tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, chúng tôi gặp Q.H. – một tay săn kỳ cự trong làng săn bắt chim trời. Từ H., chúng tôi biết được công việc bẫy chim trời được nhiều người dân nơi đây xem là cái nghề kiếm sống.
“Từ năm lớp 5, tôi đã theo cha học nghề đánh bắt chim cò. Hồi đó chim nhiều lắm, do Nhà nước chưa cấm nên cứ vào mùa chim di cư là gia đình tôi lại soạn bẫy chim ngay sau vườn nhà”, anh H. nhớ lại.
Cầm nắm thẻ bẫy chim trên tay, H. nói tiếp: “Vào những ngày trở trời, chúng tôi ăn nghỉ ngay tại lán để trực bắt chim cò mắc bẫy mà không cần về nhà. Bây giờ, dù biết chính quyền địa phương cấm, nhưng vì muốn kiếm thêm ít đồng lo cho con cái nên chúng tôi vẫn cứ tiếp nối nghề của cha ông”.
Dẫn PV rảo bước ra sau nhà, H. khoe thành quả của một buổi sáng bẫy chim với hơn chục con, đủ các loại đã làm sạch lông. Mớ chim này, H. dự tính bán được khoảng 300 ngàn đồng.
“Sau khi bẫy xong, tùy theo lựa chọn của khách hàng, nếu họ thích chim còn sống thì chúng tôi để sống nguyên con. Còn muốn làm sẵn thì chúng tôi sẽ khò qua lửa rồi mang đi giao cho khách hàng”, H. chia sẻ.
Mặc dù mới nghe qua thì công việc này khá vất vả, nhưng khi biết được nguồn thu nhập nó mang lại thì ai cũng giật mình sửng sốt.
“Những năm gần đây, công an và kiểm lâm họ phá dỡ hết bẫy nên bọn em đánh bắt ít dần. Còn như ngày xưa, có nhà thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề bẫy chim là chuyện bình thường”, em trai H. tiết lộ.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã quyết liệt ra quân xử lý vấn nạn săn bắt chim tự nhiên nhưng việc buôn bán các loại cò, cói, vạc… vẫn diễn ra công khai từ chợ truyền thống đến chợ online.
Sắm vai khách mua chim trời, chúng tôi có mặt tại chợ Vườn Uơm (TP Hà Tĩnh). Sau một hồi hỏi mua chim trời tại các gian hàng, PV được một người phụ nữ đứng tuổi tiếp cận. “Các chú cần mua cói, cò phải không, lại đây chị bán cho, bữa ni họ cấm nên phải bán giấu trong này” – người phụ nữ mở lời chào hàng.
Dẫn lối chúng tôi dạo quanh một góc chợ, người phụ nữ mở các thùng xốp đựng chim trời, mỗi thùng có hàng chục cá thể đã nhổ sạch lông, nướng qua lửa. Nhiều con đã bị moi ruột, chờ người đến hỏi mua.
Sau một hồi giới thiệu đủ các loại: Cò, ngàng, vạc, dạt dạt, …, thấy chúng tôi vẫn chưa ưng ý, người này bèn lấy ra một bao ni lông lớn và giới thiệu thêm ở đây còn có chim cói, nhưng hơi gầy nên không bày biện.
“Chim của chị hoàn toàn tự nhiên, mới bắt xong còn tươi lắm. Sáng giờ chị bán cho cả trăm khách rồi. Nếu ngon thì ủng hộ chị, mùa này mua bao nhiêu cũng có, chú cứ cho số điện thoại, cần thì chị sẽ giao tận nhà”, người phụ nữ nhiệt tình mời.
Như lời chị này vừa nói, chỉ tính sơ số chim cò chị này bán trong khoảng 30 phút cũng đến 40-50 con. Có thể thấy, số lượng các loài chim, cò bị tận diệt nhiều đến mức độ thế nào.
Đa số các loại chim trời được bày bán ở đây có giá từ 30-100 nghìn đồng/cặp, riêng đối với chim cò hay vạc thì giá cao hơn khoảng 150 nghìn đồng/cặp. Đặc biệt, ở đây còn có một loại chim hiếm khi bắt được đó là loài diệc trắng, loại này mỗi con có giá từ 400-500 nghìn đồng tùy to, nhỏ.
Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng không khó để tìm thấy các hội nhóm mua bán, trao đổi cách bẫy chim trời. Tại đây, các tay thợ săn thỏa sức bày bán các mặt hàng liên quan đến chim trời cũng như trao đổi kinh nghiệm một cách rầm rộ.
Trên các trang này, rất nhiều người công khai bày bán các loại dụng cụ bẫy chim từ thẻ tre, nhựa dính,… đến chim mồi. Sau khi “inbox” qua mạng xã hội, những người này sẽ chọn địa điểm và thực hiện giao dịch.
Nhiều năm về trước, Hà Tĩnh là “điểm nóng” của tình trạng săn bắt, buôn bán chim tự nhiên khiến số lượng chim trời ngày càng giảm, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái.
Trước vấn nạn săn bắt chim trời trái phép, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đoàn liên ngành ra quân xử lý các vi phạm về săn bắt động vật hoang dã và chim di cư.
Ông Trương Quốc Long - Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho hay, trước đây, người dân xem việc bẫy chim trời như một cái nghề có từ lâu đời nên rất khó có thể xử lý triệt để. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, cơ quan chức năng còn mạnh tay phá bỏ tất cả bẫy chim trên địa bàn, đặc biệt là tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.
“Do nhiều người dân lắp bẫy ngay trong vườn nhà nên khi kiểm tra, cán bộ rất khó có thể xử lý. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có chế tài để xử lý những người bẫy chim, vì muốn xử phạt phải xác định rõ loài chim nào quý hiếm, loài nào hoang dã.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên trên toàn tỉnh cũng sẽ được triệt phá”, ông Long thông tin thêm.
Quay về với thực tại, với việc tận diệt chim trời đáng báo động như hiện nay thì liệu rằng trong tương lai gần, chúng ta có còn nhìn thấy hình ảnh thân thương “con cò bay lả bay la” nữa không, hay sẽ chỉ còn trong ký ức…
Trong nửa tháng 9 ra quân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 46 cuộc kiểm tra, qua đó phát hiện, thu giữ trên 5.800 con chim mồi giả, hơn 15.600 que nhạ, 11.250m lưới, 39kg nhạ, 13 bộ loa phát tín hiệu tiếng chim giả, 40m dây điện, 172 cột tre và thả về tự nhiên hơn 158 con chim mồi.
Bình luận